Cơn đau thắt ngực là biểu hiện của các bệnh tim mạch như suy tim, bệnh mạch vành, thiếu máu cơ tim,…

Cơn đau thắt ngực là gì?

Cơn đau thắt ngực là tình trạng đau ngực do thiếu máu cục bộ cơ tim, xảy ra khi nhu cầu ôxy cơ tim vượt quá khả năng cung ứng của động mạch vành. Cơn đau thắt ngực thường xảy ra khi gắng sức và giảm hoặc hết khi nghỉ ngơi. Trong trường hợp nặng, đau thắt ngực có thể xuất hiện ngay cả khi gắng sức tối thiểu hoặc cả khi nằm nghỉ (lúc này cơn đau thắt ngực được gọi là đau thắt ngực không ổn định hay hội chứng động mạch vành cấp).

Cơn đau thắt ngực thường gặp nhất là nam giới trong độ tuổi 60

Cơn đau thắt ngực thường gặp nhất là nam giới trong độ tuổi 60

Đối tượng mắc bệnh

Cơn đau thắt ngực gặp ở cả nam và nữ tuổi trung niên. Thường gặp nhất là nam giới trong độ tuổi 60. Đau thắt ngực có thể xuất hiện hàng tuần, hàng tháng thậm chí nhiều năm trước khi bị nhồi máu cơ tim nhưng cũng có thể là biểu hiện đầu tiên của nhồi máu cơ tim hoặc xảy ra sau nhồi máu cơ tim.

Triệu chứng của cơn đau thắt ngực

Bản thân đau thắt ngực là một triệu chứng. Cơn đau thường kéo dài trong vài phút và được mô tả rất khác nhau. Tuy vậy, đặc điểm của cơn đau lại thường hằng định đối với một người bệnh cụ thể.

Cảm giác đau ngực có thể rất mơ hồ hoặc chỉ gây khó chịu nhẹ, hoặc bỏng rát, hoặc bóp chặt hay tức nặng ở ngực trái hoặc đau dữ dội.

Vị trí đau thường ở giữa ngực (sau xương ức), đau có thể lan xuống cánh tay (đặc biệt tay trái) hoặc cả hai tay, có trường hợp lan lên cổ, hai vai, hàm dưới hoặc lan cả ra sau lưng.

Ở thể điển hình, cơn đau thắt ngực thường xảy ra khi gắng sức và giảm hoặc hết khi nghỉ ngơi. Đau ngực cũng có thể khởi phát bởi trạng thái căng thẳng thần kinh hoặc lo âu. Nếu nặng, đau ngực sẽ xuất hiện cả khi nghỉ ngơi hoặc trong giấc ngủ làm người bệnh phải tỉnh giấc.

Chẩn đoán cơn đau thắt ngực

Chìa khóa để chẩn đoán đau thắt ngực là khai thác kỹ bệnh sử, đó là những thông tin từ người bệnh về cơn đau ngực xảy ra khi gắng sức hoặc căng thẳng tâm lý và giảm hoặc mất đi khi nghỉ ngơi. Ghi điện tâm đồ lúc nghỉ có thể cho thấy những biến đổi bất thường xuất hiện trong cơn đau. Điện tâm đồ gắng sức là một nghiệm pháp được sử dụng để chẩn đoán, đồng thời giúp xác định mức độ gắng sức mà ở đó cơn đau thắt ngực xuất hiện. Xạ hình cơ tim bằng thallium hoặc các chất đồng vị phóng xạ khác cũng rất hữu ích trong việc xác định vùng cơ tim bị thiếu máu cục bộ.

Xử trí cắt cơn đau thắt ngực

Ngừng ngay các hoạt động thể lực làm cơn đau xuất hiện và/hoặc dùng thuốc, đặc biệt là nitroglycerin loại xịt hoặc loại ngậm dưới lưỡi.

Biến chứng nguy hiểm của cơn đau thắt ngực

Trong những ca bệnh nặng, người ta gọi là đau thắt ngực không ổn định, các cơn đau xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi, dày hơn, dữ dội hơn và kéo dài hơn. Nếu không được điều trị có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột tử.

Điều trị đau thắt ngực như thế nào?

Dự phòng cơn đau thắt ngực bằng hạn chế gắng sức hoặc sử dụng nitroglycerin trước các hoạt động thể lực nặng hay trạng thái căng thẳng tâm lý. Nhiều loại thuốc khác, đôi khi được phối hợp với nitroglycerin, có thể làm giảm triệu chứng đau ngực và tăng khả năng gắng sức của người bệnh. Thuốc chẹn bêta giao cảm gây chậm nhịp tim, hạ huyết áp, giảm sức co bóp cơ tim do đó làm giảm nhu cầu ôxy của tim. Thuốc chẹn kệnh canxi và các nitrate chậm có tác dụng hạ huyết áp và giãn các động mạch vành bị hẹp.

Trong trường hợp nặng, người ta phải tiến hành phẫu thuật làm cầu nối chủ vành (dùng đoạn mạch để nối giữa động mạch chủ và động mạch vành) hoặc nong động mạch vành bằng bóng kết hợp với đặt giá đỡ (stent) trong lòng động mạch vành hoặc kết hợp cả hai. Người mắc chứng đau thắt ngực cần phải điều chỉnh lối sống phù hợp với khả năng gắng sức của bản thân, tuyệt đối không hút thuốc lá, giảm cân nặng nếu thừa cân, ăn uống hợp lý và điều chỉnh stress càng sớm càng tốt.

Bình luận