Chăm sóc một đứa trẻ đã khó, lại càng khó hơn nếu đứa trẻ đó chẳng may bị khuyết tật tim bẩm sinh. Bài viết này sẽ giúp cha mẹ có thêm động lực và kiến thức để đối phó với những khó khăn có thể gặp phải trong quá trình đồng hành cùng con mắc khuyết tật tim bẩm sinh.

Tre-bi-khuyet-tat-tim-bam-sinh-can-duoc-cham-soc-dac-biet-tu-nhung-ngay-dau-doi
Trẻ bị khuyết tật tim bẩm sinh cần được chăm sóc đặc biệt từ những ngày đầu đời

Ngày nay, nhờ những tiến bộ y tế, tỷ lệ sống của trẻ mắc khuyết tật tim bẩm sinh đã tăng lên đáng kể. Khuyết tật tim bẩm sinh có thể được điều trị bằng phẫu thuật, thuốc và một số phương pháp đặc biệt khác. Điều quan trọng là cha mẹ những bệnh nhi này cần giữ vững tinh thần và sức khỏe để cùng con vượt qua các đợt điều trị tại bệnh viện.

Chăm sóc trẻ bị khuyết tật tim bẩm sinh tại bệnh viện

“Đi viện như cơm bữa” là tình trạng chung của những gia đình có trẻ mắc khuyết tật tim bẩm sinh. Tại bệnh viện, trẻ được chẩn đoán những bất thường liên quan đến cấu trúc tim và thực hiện các phương pháp điều trị, chẳng hạn như mổ, đặt ống thông, đốt tim…

Tâm lý sợ hãi và lo lắng là điều hầu như không người cha, người mẹ nào tránh khỏi khi lần đầu đưa con tới bệnh viện. Tuy nhiên, lo lắng không thể giúp cho sức khỏe con bạn tiến triển tốt hơn. Hãy cố gắng vượt qua nỗi sợ đó, tìm hiểu thật kỹ về tình trạng bệnh của con cũng như phương pháp điều trị. Nếu không hiểu bất kỳ thông tin nào, đừng ngần ngại hỏi bác sỹ.

Sau phẫu thuật, trẻ tiếp tục được điều trị tại bệnh viện cho đến khi hồi phục. Các thủ tục y tế bao gồm:

-  Truyền tĩnh mạch để cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể trẻ, đến khi trẻ tỉnh lại và có thể tự ăn.

-  Đo nồng độ oxy trong máu bằng máy đo pulse oximeter.

-  Sử dụng máy thở để điều chỉnh nhịp thở cho trẻ.

-  Tháo dịch lỏng tích tụ trong lồng ngực sau phẫu thuật.

-  Đo áp suất trong cơ thể.

Mang-theo-mot-mon-do-choi-hoac-vat-dung-quen-thuoc-cua-tre-den-benh-vien
Mang theo một món đồ chơi hoặc vật dụng quen thuộc của trẻ đến bệnh viện.

Môi trường bệnh viện có thể tạo cho trẻ cảm giác không thoải mái, bạn có thể giúp trẻ quên đi cảm giác này bằng cách:

-  Mang theo một món đồ chơi hoặc vật dụng quen thuộc của trẻ đến bệnh viện.

-  Nếu không được ở bên cạnh con, hãy cố gắng đến thăm bé bất cứ khi nào bệnh viện cho phép.

-  Đặt một vài bức ảnh gia đình ở chỗ trẻ có thể dễ dàng nhìn thấy để tạo cho trẻ cảm giác ấm áp.

-  Tạo mối quan hệ tốt với các nhân viên y tế, nói cho họ biết những thói quen, sở thích và những tín hiệu giao tiếp hàng ngày của trẻ (đối với trẻ chưa biết nói).

-  Nếu con bạn còn là trẻ sơ sinh, hãy thường xuyên chạm vào da của bé để bé cảm thấy yên tâm và thúc đẩy tình cảm mẹ con/cha con.

-  Hãy giúp nhân viên y tế chăm sóc con bạn càng nhiều càng tốt, mục đích là để học hỏi cách chăm sóc trẻ tại nhà.

Xử trí khi bé bị thiếu oxy, da tím tái

Một số dị tật tim bẩm sinh, gọi là “chứng xanh tím” (cyanotic defects) làm cho trẻ không được nhận đủ lượng oxy, khiến da chuyển màu xanh nhạt ở môi, ngón tay và ngón chân. Các triệu chứng khác bao gồm lo lắng, thở dồn dập (do tăng thông khí)… có thể xuất hiện cả khi trẻ nghỉ ngơi và khi trẻ hoạt động. Trong trường hợp này, điều cha mẹ cần làm là:  

-  Cố gắng giữ trẻ bình tĩnh, đây là điều quan trọng nhất

-  Thay đổi tư thế của trẻ: Đặt trẻ ngồi xổm để làm giảm khó thở.

-  Nếu thay đổi tư thế không cải thiện triệu chứng, bạn cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức để trẻ được trị liệu oxy. Trị liệu oxy là phương pháp cung cấp oxy cho trẻ thông qua một ống nhỏ đặt trong lỗ  mũi. Trị liệu oxy cũng có thể được tiến hành tại nhà theo hướng dẫn của bác sỹ. Vì oxy có thể gây cháy nổ nên bạn cần tránh hút thuốc hoặc dùng lửa trong khi cho trẻ dùng oxy. Chỉ sử dụng đủ lượng oxy theo hướng dẫn của bác sỹ, không tự ý thay đổi liều.

-  Giảm triệu chứng xanh tím của trẻ bằng cách giữ cơ thể trẻ luôn ấm, hạn chế trẻ hoạt động và ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày.

-  Giữ liên lạc với bác sỹ và thông báo ngay khi trẻ có dấu hiệu nguy hiểm.

Cho trẻ dùng thuốc

Sử dụng thuốc tại nhà là một bước quan trọng trong điều trị khuyết tật tim bẩm sinh. Thuốc điều trị bệnh tim có thể gây nguy hiểm nếu không được sử dụng chính xác. Vì thế, bạn cần tuân thủ theo các nguyên tắc an toàn sau đây:

-  Nắm rõ liều lượng và cách sử dụng thuốc

-  Nếu trong đơn thuốc của trẻ có thuốc chống đông máu, hãy hỏi bác sỹ/dược sỹ cách sử dụng thuốc an toàn. Bởi các thuốc này có thể gây xuất huyết nghiêm trọng.

-  Nếu cảm thấy không chắc chắn, hãy nhờ sự giúp đỡ của thầy thuốc hoặc bác sỹ gia đình.

Để trẻ được dùng thuốc an toàn, hãy hỏi bác sỹ những điều sau:

-  Nếu bé nhổ thuốc ra hoặc ném thuốc đi khi đang uống, tôi có nên cho trẻ uống liều khác?

-  Nếu tôi quên cho bé uống một liều, tôi có nên cho bé uống bù thêm không?

-  Bao lâu thì thuốc mới bắt đầu phát huy tác dụng?

-  Nếu bác sỹ chỉ định uống thuốc 3 – 4 lần mỗi ngày, tôi có cần phải đánh thức bé vào ban đêm để cho bé uống thuốc hay không?

-  Có nên cho bé uống thuốc chung với thức ăn nếu bé không chịu uống thuốc?

-  Các loại thuốc có thể cho trẻ uống cùng lúc với nhau?

-  Tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc mà trẻ đang uống là gì?

Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ

Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng đối với trẻ bị khuyết tật tim. Tuy nhiên, bệnh tật thường làm cho trẻ ăn kém đi và mất nhiều thời gian hơn cho mỗi bữa ăn. Trẻ em bị khuyết tật tim bẩm sinh thường ăn ít calorie hơn nhưng nhu cầu calorie lại cao hơn (tỷ lệ trao đổi chất cao hơn) so với những đứa trẻ khỏe mạnh. Để khắc phục tình trạng này, bạn cần:

-  Quan sát và nhận biết dấu hiệu cho thấy trẻ đói, chẳng hạn như bồn chồn và ngậm ngón tay. Hãy cho bé ăn trước khi bé khóc (khóc khiến trẻ bị mệt và ăn kém đi).

-  Dùng núm vú giả mềm, loại dành riêng cho trẻ sinh non.

-  Thường xuyên vỗ nhẹ lưng cho trẻ ợ hơi, đặc biệt là khi trẻ bú bình. Trẻ bị khuyết tật tim bẩm sinh thường nuốt phải một lượng lớn không khí trong khi ăn, điều này khiến trẻ nhanh có cảm giác no và dễ bị trớ.

-  Cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ và cân bằng dinh dưỡng.

Phòng ngừa nhiễm trùng tim

Khuyết tật tim bẩm sinh có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tim (viêm nội mạc tim). Để phòng ngừa nhiễm trùng tim, bạn cần chăm sóc răng miệng cho bé thật kỹ để hạn chế sự tăng trưởng của vi khuẩn đường miệng, các vi khuẩn này có thể xâm nhập vào máu dẫn đến nhiễm trùng. Nếu trẻ phải làm thủ thuật hoặc phẫu thuật, bạn cần thông báo cho bác sỹ biết trẻ bị khuyết tật tim để được dùng thuốc kháng sinh, giảm nguy cơ viêm nội mạc tim.

Chăm sóc đời sống tinh thần cho trẻ bị khuyết tật tim bẩm sinh

De-dong-vien-tinh-than-cho-tre-bi-khuyet-tat-tim-bam-sinh-hay-o-ben-tre-moi-luc-co-the
Để động viên tinh thần cho trẻ bị khuyết tật tim bẩm sinh, hãy ở bên trẻ mọi lúc có thể

Trẻ em bị khuyết tật tim bẩm sinh thường có mặc cảm bệnh tật, hoặc tự ti vì những vết sẹo sau phẫu thuật, tự tách mình ra khỏi các hoạt động tập thể. Trẻ có thể cảm thấy cô đơn và sợ hãi vì thường phải vào bệnh viện. Đó là tâm lý thường gặp, bạn cần gần gũi với trẻ và giúp con vượt qua giai đoạn đầu khó khăn, sau đó trẻ sẽ cảm thấy bình thường.

Khi trẻ lớn hơn và tự chăm sóc được bản thân, cha mẹ cần dạy cho trẻ biết về khuyết tật tim của trẻ và cách bảo vệ sức khỏe của mình. Nhắc trẻ hạn chế vận động mạnh, duy trì lối sống lành mạnh cho tim (không hút thuốc lá, ăn uống lành mạnh…) và đi khám sức khỏe định kỳ (ít nhất một lần mỗi năm).

Khi trưởng thành, con bạn có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Bạn cần động viên con và cùng con tìm kiếm các công việc phù hợp với sức khỏe.

Có con bị khuyết tật tim bẩm sinh, bạn cần trở thành một người đồng hành cả đời của trẻ. Vì vậy, điều quan trọng hơn cả bạn cần làm là chăm sóc bản thân thật tốt, cả về sức khỏe và tinh thần. Đừng tự nhận lỗi về mình bởi có rất nhiều nguyên nhân khiến một đứa trẻ sinh ra đã mắc khuyết tật tim. Nếu làm được như vậy, bạn sẽ là một ông bố/bà mẹ tuyệt vời.

Tham khảo:

www.sutterhealth.org/health/healthinfo/index.php?A=C&hwid=hw256199

BTV Lan Anh

Ích Tâm Khang –  Hỗ trợ giảm khó thở, hồi hộp, xơ vữa mạch vành ở người bệnh tim mạch, suy tim

Bình luận