Thiếu máu cục bộ cơ tim xảy ra khi động mạch vành tim (động mạch cung cấp máu cho tim) bị thu hẹp, làm giảm lưu lượng máu tới nuôi tim. Đây là một bệnh lý tim mạch nguy hiểm, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim, đe dọa tới tính mạng người bệnh.

Nguyên nhân gây thiếu máu cục bộ cơ tim

Có nhiều nguyên nhân khiến việc cung cấp máu cho tim bị ngưng trệ. Trong đó, ba nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm:

- Bệnh động mạch vành (xơ vữa mạch vành) gây ra các mảng xơ vữa trong lòng động mạch, làm thu hẹp lòng mạch khiến lượng máu chảy về tim bị giảm sút.

- Cục máu đông hình thành trong lòng mạch do mảng xơ vữa vỡ ra, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim nhanh chóng nếu kích thước đủ lớn.

- Co thắt động mạch vành là tình trạng động mạch vành co thắt đột ngột, tạm thời trong thời gian ngắn khiến máu khó chảy qua.

Các yếu tố nguy cơ

Người bệnh sẽ dễ mắc bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim nếu có các yếu tố nguy cơ dưới đây:

- Hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động có thể gây co thắt động mạch vành, tăng cholesterol có hại, khiến mạch máu bị tổn thương và dẫn đến xơ vữa mạch vành.

- Bệnh đái tháo đường type 1 hoặc type 2 đều có thể gây ra biến chứng xơ vữa mạch.

- Tăng huyết áp thúc đẩy quá trình hình thành bệnh xơ vữa mạch vành.

- Cholesterol máu cao, triglyceride máu cao là nguyên liệu cho hình thành các mảng xơ vữa mạch vành.

- Thừa cân béo phì, chu vi vòng eo lớn và lười vận động đều là những yếu tố nguy cơ của bệnh thiếu máu cơ tim.

Thieu-mau-cuc-bo-co-tim-do-xo-vua-mach-vanh

Thiếu máu cục bộ cơ tim do xơ vữa mạch vành

Các triệu chứng của thiếu máu cục bộ cơ tim

Đau thắt ngực là triệu chứng điển hình nhất của thiếu máu cơ tim cục bộ, tuy nhiên cũng có rất nhiều người bệnh thiếu máu cơ tim không hề nhận thấy đau ngực, được gọi là thiếu máu cơ tim thầm lặng.

- Thiếu máu cơ tim thầm lặng: thường gặp ở người bệnh đái tháo đường, người cao tuổi đã mắc bệnh tim mạch. Người bệnh hoàn toàn không cảm thấy đau ngực và các biểu hiện của thiếu máu cơ tim chỉ được nhận thấy ở trên điện tâm đồ. Thiếu máu cơ tim thể thầm lặng rất nguy hiểm, bởi người bệnh thường chủ quan trong điều trị và có nguy cơ cao bị biến chứng nhồi máu cơ tim hoặc tử vong đột ngột.

- Thiếu máu cơ tim có triệu chứng đau ngực: Đau ngực do thiếu máu cục bộ cơ tim có thể xuất hiện khi người bệnh gắng sức, gặp cảm xúc tiêu cực, căng thẳng, thời tiết lạnh… được mô tả bằng cảm giác khó chịu, nặng nề hay đè nén ở ngực. Biểu hiện đau thường sẽ giảm khi nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc giãn mạch vành. Tần suất các cơn đau rất thay đổi, có thể vài tuần, vài tháng một lần, nhưng nếu nặng hơn có thể là vài lần trong một ngày. Thời gian đau thường chỉ kéo dài vài giây đến vài phút, thường không quá 5 phút. Nếu cơn đau kéo dài quá 15 - 20 phút thì phải nghĩ đến nhồi máu cơ tim và gọi cấp cứu kịp thời,

Biến chứng của bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim

Thiếu máu cục bộ cơ tim có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng bao gồm:

- Nhồi máu cơ tim: Nếu một động mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn, sẽ dẫn tới cơn nhồi máu cơ tim cấp, khiến người bệnh tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

- Rối loạn nhịp tim: Khi tim không nhận đủ oxy, có thể làm rối loạn hoạt động của hệ thống điện tim, khiến tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc hỗn loạn. Trong một số trường hợp, rối loạn nhịp tim có thể bị đe dọa tính mạng.

- Suy tim: Cơ tim bị thiếu máu nuôi dưỡng trong thời gian dài có thể làm giảm hiệu quả  bơm máu của tim. Theo thời gian, có thể dẫn đến suy tim.

Điều trị bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim

Điều trị thiếu máu cơ tim là sự kết hợp đồng bộ của nhiều phương pháp, bao gồm thay đổi lối sống, dùng thuốc và can thiệp hoặc phẫu thuật khi cần thiết.

Điều trị dùng thuốc

Các thuốc thường dùng trong điều trị thiếu máu cục bộ cơ tim bao gồm:

- Aspirin liều thấp được dùng mỗi ngày giúp làm giảm độ kết dính của máu, giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.

- Thuốc giãn mạch nitrate giúp cải thiện lưu lượng máu đến tim.

- Thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh canxi và chất ức chế men chuyển ACE giúp thư giãn cơ tim, hạ huyết áp và làm giảm nhịp tim của người bệnh.

- Thuốc hạ cholesterol máu giúp ngăn ngừa quá trình hình thành mảng xơ vữa.

- Ranolazine là loại thuốc giúp làm giãn động mạch vành, giảm bớt cơn đau thắt ngực.


Thuoc-giup-cai-thien-luu-luong-mau-cho-tim

Nitromint thuốc giúp cải thiện lưu lượng máu cho tim

Điều trị bằng phẫu thuật

Phẫu thuật là cách để cải thiện ngay lưu lượng máu về tim, giúp loại bỏ tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim, được áp dụng khi tình trạng mạch vành bị tắc hẹp nặng và cơn đau thắt ngực không đáp ứng tốt với thuốc điều trị.

- Nong mạch và đặt stent: là phương pháp sử dụng một ống nhỏ dài có bóng nong ở đầu. Bác sỹ rạch một đường nhỏ ở động mạch tay hoặc vùng bẹn để luồn ống thông vào. Đến vị trí bị tắc nghẽn, bóng nong được bơm căng để mở rộng lòng mạch. Sau đó, lưới kim loại stent được đặt cố định ở vị trí này giúp giữ cho máu lưu thông.

- Phẫu thuật bắc cầu mạch vành: là phương pháp ghép động mạch khỏe mạnh lấy từ tay, chân hoặc ngực của người bệnh để bắc qua phần động mạch vành bị tắc nghẽn.

Thay đổi lối sống

- Bỏ thuốc lá nếu bạn đang hút

- Điều trị tốt những bệnh liên quan như đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ máu cao…

- Ăn một chế độ ăn lành mạnh, giàu rau quả và hạn chế các loại đồ ăn nhiều chất béo bão hòa, mỡ động vật…

- Tập thể dục thường xuyên tối thiểu 30 phút mỗi ngày

- Giảm cân nếu đang bị thừa cân, béo phì

- Giải tỏa căng thẳng khi gặp những áp lực từ cuộc sống

Thay đổi lối sống lành mạnh đóng vai trò quan trọng trong điều trị thiếu máu cơ tim, giúp ngăn ngừa tiến triển của các mảng xơ vữa và giảm thiểu rủi ro nhồi máu cơ tim trong tương lai.

Tham khảo: http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/myocardial-ischemia/basics/lifestyle-home-remedies/con-20035096

BTV Lan Anh

Ích Tâm Khang –  Hỗ trợ giảm khó thở, hồi hộp, xơ vữa mạch vành ở người bệnh tim mạch, suy tim

Bình luận