Tim gồm có 4 buồng: 2 tâm nhĩ và 2 tâm thất. 2 tâm nhĩ nằm ở phía trên, 2 tâm thất nằm ở phía dưới. Hoạt động lưu thông máu giữa các buồng tim, và giữa tim với các động mạch được điều hòa bởi các van.

Có 4 loại van tim:

- Van ba lá: nằm giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải.
- Van động mạch phổi: nằm giữa tâm thất phải và động mạch phổi.
- Van hai lá: nằm giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái.
- Van động mạch chủ: nằm giữa tâm thất trái và động mạch chủ.
Các van tim có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ cho dòng máu lưu thông theo một chiều nhất định, cho phép máu chảy từ nhĩ xuống thất và từ thất ra khỏi tim. Các van kiểm soát dòng chảy của máu qua tim bằng cách đóng mở mỗi khi tim co bóp. Các chức năng đóng mở của van được điều khiển bởi sự chênh lệch áp suất giữa các buồng tim và một số cơ nằm trong tim.

Cau-tao-trai-timCấu tạo trái tim

Hoạt động của van tim

Một chu kỳ tuần hoàn kết thúc bằng việc máu quay trở lại đổ vào tâm nhĩ phải của tim. Khi tâm nhĩ phải đầy, van ba lá mở ra, cho phép máu chảy vào tâm thất phải. Khi đã đổ đầy máu vào tâm thất phải thì áp lực trong tâm nhĩ phải và tâm thất phải sẽ thay đổi làm van ba lá đóng cửa. Lúc này, van động mạch phổi đang đóng sẽ được mở ra và tâm thất phải co bóp đẩy máu qua van động mạch phổi và vào phổi. Khi máu đã được bơm lên phổi, thì van động mạch phổi đóng lại, van 3 lá mở ra, cứ như thế chu trình được lập đi lặp lại để bơm máu lên phổi.

Máu ở phổi sau khi được trao đổi và nhận oxy sẽ được đưa xuống tâm nhĩ trái. Khi tâm nhĩ trái chưa được bơm đầy máu, van hai lá vẫn đóng, nhưng khi máu đã được bơm đầy tạo ra sự thay đổi áp lực giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái làm cho van hai lá mở ra, cho phép máu chảy vào tâm thất trái. Sau khi máu được bơm đầy, van hai lá đóng lại nhằm mục đích ngăn máu ở tâm thất trái chảy ngược trở lại phổi khi nó co bóp.

Tâm thất trái là buồng bơm phía bên trái của tim và là phần cơ bắp nhất của trái tim. Khi thất trái co bóp máu sẽ được bơm qua van động mạch chủ tới động mạch chủ và các động mạch đi nuôi cơ thể. Sau khi đẩy hết máu ra động mạch, van động mạch chủ đóng lại để giữ cho máu từ động mạch không chảy ngược lại vào tâm thất.

Chu trình tuần hoàn máu tại tim được lặp đi lặp lại, tiếp diễn như trên và đồng bộ bắt đầu từ nhĩ (nhĩ trái - nhĩ phải), sau đó là thất (thất trái - thất phải). Nhờ vào sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận van tim, cơ tim,... tim mới thực hiện tốt được chức năng của nó, cơ thể của chúng ta mới được cung cấp oxy và dưỡng chất một cách đầy đủ nhất.

Bệnh van tim

Các van tim chỉ có nhiệm vụ đóng và mở một cách tuần tự nhưng lại đặc biệt quan trọng đối với chức năng tim bình thường. Khi hoạt động của các van bị rối loạn, sẽ không kiểm soát được dòng máu vào tim và chảy qua tim. Những bệnh van tim thường gặp đó là hẹp, hở hoặc vôi hóa van tim.

Hẹp van tim là van bị thu hẹp lại, không mở hết như bình thường khiến lượng máu bơm qua van cho mỗi nhát bóp sẽ quá ít. Hở van tim là tình trạng van tim không đóng kín hoàn toàn, máu có thể trào ngược trở lại khi các buồng tim co bóp. Cũng có một số trường hợp, van tim vừa hẹp lại vừa hở. Trong tất cả các trường hợp trên, tim sẽ phải làm việc nhiều hơn để bơm đủ số lượng máu theo yêu cầu. Cơ của một hay nhiều vùng tim có thể bị dày lên hoặc giãn ra. Hậu quả là tim to ra làm cho khả năng co bóp yếu đi, khi đó tim không làm trọn chức năng của mình – gọi là suy tim.

Ở giai đoạn đầu, hầu hết các bệnh về van tim có rất ít hoặc không có triệu chứng rõ rệt. Trường hợp hẹp hở hai lá tiến triển sẽ gây khó thở, đau thắt ngực, mệt mỏi và những triệu chứng suy tim khác. Những rối loạn của van động mạch phổi gây da xanh tái, bàn chân và bàn tay lạnh. Hẹp van động mạch chủ có thể gây chóng mặt, thậm chí ngất xỉu khi gắng sức. Ngoài ra, các bệnh van tim có thể làm máu bị ứ trệ tại tim, hình thành cục máu đông. Cục máu đông có thể từ tim di chuyển ra cách mạch máu, gây tắc mạch; nếu cục máu đông di chuyển đến não - làm tắc các mạch máu não sẽ gây tai biến; cục máu đông di chuyển đến các mạch máu nuôi tim, gây nhồi máu cơ tim.

Tùy theo mức độ hẹp hở ở mỗi van sẽ gây ra những hậu quả khác nhau. Vì vậy, ngay khi phát hiện ra những dấu hiệu bất thường của tim, cần phải có những phương pháp điều trị hoặc can thiệp kịp thời để đảm bảo duy trì được sự hoạt động tốt nhất cho tim.

Út Thảo

Bình luận