Hẹp van tim 2 lá là bệnh van tim có tỷ lệ mắc cao trong số các bệnh tim mạch hiện nay ở Việt Nam, với nguyên nhân chủ yếu là do thấp tim. Bệnh cần được phát hiện và điều trị kịp thời để tránh gặp phải tình trạng khó thở, mệt mỏi, đau ngực do thiếu máu nuôi tim, phù phổi.., đích tiến triển cuối cùng của bệnh là suy tim.

Hẹp van tim 2 lá là bệnh van tim có tỷ lệ mắc cao trong số các bệnh tim mạch hiện nay ở Việt Nam, với nguyên nhân chủ yếu là do thấp tim. Bệnh cần được phát hiện và điều trị kịp thời để tránh gặp phải tình trạng khó thở, mệt mỏi, đau ngực do thiếu máu nuôi tim, phù phổi.., đích tiến triển cuối cùng của bệnh là suy tim.

Hẹp van tim 2 lá là gì?

Van 2 lá nằm ở phía bên trái của tim, ngăn cách giữa tâm nhĩ và tâm thất. Ở mỗi nhịp đập của tim, khi tâm nhĩ co, van 2 lá mở ra để máu được bơm từ nhĩ trái xuống tâm thất trái, sau đó van đóng lại để tâm thất co, đẩy máu vào động mạch chủ đi nuôi các cơ quan trong cơ thể. Chính vì thế, van 2 lá được ví như cánh cửa đóng mở nhịp nhàng theo từng nhịp tim, có nhiệm vụ giúp máu lưu thông tuần tự theo định hướng, đặc biệt ngăn không cho máu trào ngược trở lại.
Hẹp van tim 2 lá là tình trạng van mở không hết khi có một lý do nào đó khiến lá van trở nên dày, cứng hoặc bị sẹo, gây cản trở sự lưu thông máu, nên buộc tim phải bơm mạnh hơn để máu có thể qua chỗ hẹp này.

Trên 90% trường hợp hẹp van 2 lá do thấp tim

Trên 90% các trường hợp hẹp van 2 lá có nguyên nhân do thấp tim (sốt thấp khớp). Đây là bệnh viêm cấp tính do liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A gây ra, thường khởi phát bằng viêm đường hô hấp trên ở trẻ từ 5 – 15 tuổi. Kháng thể sinh ra chống lại liên cầu tấn công nhầm van tim và khớp gây viêm tim, viêm khớp. Viêm tim có thể tự khỏi nhưng sau 2 năm thường để lại di chứng gây hẹp hoặc hở van tim. Khoảng 10% nguyên nhân gây hẹp van 2 lá còn lại là do bẩm sinh, vôi hoá van hoặc bệnh tự miễn khác như lupus ban đỏ hệ thống.

Hep-van-2-la-la-nguyen-nhan-gay-suy-tim
Hẹp van 2 lá là nguyên nhân gây suy tim

Triệu chứng của hẹp van tim 2 lá

Những người bị hẹp van 2 lá có thể xuất hiện các biểu hiện như:

- Mệt mỏi, do cung lượng tim giảm.
- Khó thở khi gắng sức, khi nằm do ứ dịch ở phổi làm giảm sự trao đổi khí khi gắng sức
- Ho ra máu
- Đau ngực do tăng áp lực động mạch phổi.
- Hồi hộp, đánh trống ngực do loạn nhịp tim.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hẹp van hai lá có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, hoặc chỉ xuất hiện khi tập thể dục. Các triệu chứng sẽ trở nặng hơn trong những điều kiện đặc biệt như bị bệnh nhiễm trùng, mang thai.

Hẹp van tim 2 lá có nguy hiểm không ?

Hẹp van tim 2 lá nhẹ thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào và không cần phải điều trị. Tuy nhiên bệnh nhân cần được theo dõi sức khỏe định kỳ và có biện pháp phòng thấp tim để tránh tổn thương van tim tiến triển.

Với các trường hợp hẹp van 2 lá nặng đã gây triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, đau ngực…thì nếu không điều trị dễ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như: suy tim, rung tâm nhĩ, viêm nội tâm mạc, phù phổi, … có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Hep-van-tim-2-gay-phu-phoi-voi-trieu-chung-ho-kho-tho-tuc-nguc
Hẹp van tim 2 gây phù phổi với triệu chứng ho, khó thở, tức ngực

Chẩn đoán hẹp van 2 lá

Để chẩn đoán hẹp van tim 2 lá, bác sỹ sẽ dựa trên các triệu chứng của bệnh nhân, kết hợp với kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng.

Khám lâm sàng bằng cách nhìn, sờ, gõ, nghe có thể phát hiện những bất thường nếu có như lồng ngực biến dạng, tím môi… trong đó nghe tim là yếu tố quan trọng nhất để chẩn đoán.

Thăm khám cận lâm sàng thường được thực hiện với nhiều xét nghiệm bao gồm:

- Điện tim: giúp đánh giá hoạt động điện của tim.

- Siêu âm tim: phát hiện mức độ hẹp của van bằng cách nhận định chính xác kích thước lỗ van hai lá, thông tin quan trọng về kích thước buồng nhĩ và thất trái, phát hiện huyết khối ở nhĩ trái và những thay đổi áp suất buồng tim, lượng máu chảy qua. Đây là phương pháp chẩn đoán có giá trị nhất.

- X-quang lồng ngực: để phát hiện sự thay đổi cấu trúc của tim: to lên, ứ máu, dày thất…và tình trạng tắc nghẽn (nếu có) của phổi.

- Thông tim: giúp đánh giá chính xác nhiều thông số khác như áp lực động mạch phổi, chênh lệch áp lực giữa nhĩ trái và thất trái. Tuy nhiên kỹ thuật xâm lấn này ít được sử dụng để chẩn đoán hẹp van 2 lá.

Hẹp van hai lá được điều trị như thế nào?

Tuỳ mức độ hẹp van 2 lá mà bệnh nhân sẽ được chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Người bệnh hẹp van 2 lá nhẹ nhưng có triệu chứng khi gắng sức được khuyên nghỉ ngơi, có chế độ ăn giảm muối và có thể cân nhắc cho dùng thuốc để giảm triệu chứng. Tuy nhiên với những người hẹp 2 lá nặng, điều trị nội khoa là bắt buộc, cùng với chỉ định can thiệp nong van hoặc phẫu thuật sửa, thay van.

Điều trị nội khoa

Mục tiêu của việc điều trị bằng thuốc là làm giảm sự tái phát của sốt thấp khớp, dự phòng viêm nội tâm mạc, giảm triệu chứng tắc nghẽn mạch phổi, điều chỉnh nhịp thất nếu xảy ra rung nhĩ và ngăn ngừa biến chứng huyết khối. Các thuốc có thể được chỉ định là:

- Thuốc dự phòng sốt thấp khớp thứ cấp.
- Thuốc chống đông: làm loãng máu, ngăn ngừa hình thành cục máu đông
- Thuốc lợi tiểu: để giảm sự tích tụ dịch ở phổi.
- Thuốc chống loạn nhịp: điều trị nhịp tim bất thường, giúp ổn định nhịp tim
- Thuốc chẹn beta giao cảm: giúp làm chậm nhịp tim, kiểm soát nhịp tim và hạ huyết áp.
- Thuốc giãn mạch: giúp tăng cường lưu thông máu

Nong van 2 lá bằng bóng qua da

Là chỉ định ưu tiên hàng đầu cho bệnh nhân hẹp van 2 lá vừa và nặng. Thủ thuật được thực hiện bằng một ống thông có gắn quả bóng ở đầu đưa qua tĩnh mạch đùi vào tới vị trí van tim bị hẹp. Tiếp đó, bóng được bơm lên với kích thước chọn trước giúp tách rộng van tim. Kỹ thuật này có thể tiến hành nhiều lần nếu van lại bị hẹp lại, tuy nhiên chỉ áp dụng khi van 2 lá còn mềm mại và không có huyết khối trong buồng tim.

Phẫu thuật thay hoặc sửa van 2 lá:

Được áp dụng khi bệnh nhân hẹp van 2 lá nặng hoặc có triệu chứng nặng nhưng có chống chỉ định nong van.

- Sửa chữa van hai lá để van hoạt động trở lại như bình thường bằng cách cắt hoặc sửa các mép van bị dính, các khuyết tật của van, loại bỏ cặn canxi… Phương pháp này giúp hạn chế nguy cơ bị nhiễm trùng sau phẫu thuật và tốn ít chi phí điều trị hơn thay van.

- Thay van 2 lá mới bằng van tim cơ học (làm bằng vật liệu tổng hợp hoặc kim loại) hoặc van sinh học (lấy từ mô tim người, động vật) chỉ khi van cũ không còn khả năng sửa chữa. Nhược điểm của phương pháp này là chi phí đắt và phức tạp hơn, bên cạnh đó bệnh nhân phải dùng thuốc chống đông máu cả đời nếu thay bằng van cơ học (do máu dính vào van dễ hình thành cục máu đông).

Thay đổi lối sống để phòng ngừa suy tim do hẹp van 2 lá

Việc phải thay đổi lối sống với người bệnh hẹp van tim 2 lá dù đã phẫu thuật hay chưa là hết sức quan trọng, không những giúp họ giảm các triệu chứng mà còn hạn chế các rủi ro sức khỏe trong tương lai. Vì vậy, bạn nên khám sức khỏe định kỳ/ tổng quát để nắm bắt được tình trạng sức khỏe của trái tim, đặc biệt là khi thấy xuất hiện các triệu chứng khó thở, mệt mỏi, đau tức ngực, đồng thời tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sỹ, và có thể sử dụng thêm các giải pháp hỗ trợ từ thiên nhiên giúp máu lưu thông qua van tốt hơn, phòng ngừa suy tim sau này. Bên cạnh đó, bạn cần duy trì một trọng lượng phù hợp, có chế độ ăn giảm muối, giảm các chất kích thích như rượu, caffeine. Tập luyện thể dục rất tốt cho sức khoẻ nhưng cần được tư vấn bác sỹ vì tập quá sức hoặc hình thức không phù hợp có thể khiến các triệu chứng của bạn trở nặng hơn.

Theo nguồn: healthline.com

Bình luận