Đinh lăng có tên khoa học là Polyscias fruticosa, thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae), còn gọi là cây gỏi cá, nam dương sâm.

Đinh lăng có tên khoa học là Polyscias fruticosa, thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae), còn gọi là cây gỏi cá, nam dương sâm.  

Bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu là rễ. Rễ đinh lăng được thu hái vào mùa đông, ở những cây đã có từ 4-5 tuổi trở lên, cỡ độ tuổi này, rễ mới có nhiều hoạt chất. Khi đào lấy rễ, rửa sạch, cắt bỏ phần rễ sát với góc thân. Rễ nhỏ thì dùng cả, nếu rễ to thì dùng phần vỏ rễ. Thái nhỏ, phơi khô chỗ râm mát, thoáng gió để bảo đảm mùi thơm của dược liệu và bảo đảm hoạt chất của rễ. Khi dùng, để nguyên hoặc tẩm rượu gừng 5% rồi sao qua, tẩm thêm 5% mật ong, sao vàng thơm. Tính chất dược liệu: có vị đắng, ngọt, tính mát, mùi thơm, không độc. Thành phần hoá học chính là Saponin triterpenic.
Đinh lăng có tên khoa học là Polyscias fruticosa

Theo Đông y:

- Rễ đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát có tác dụng: Thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết, tăng cường sinh lực, dẻo dai, tăng cường sức chịu đựng. Trong y học cổ truyền Việt Nam, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã dùng rễ đinh lăng sao vàng, khử thổ, sắc cho phụ nữ uống sau khi sinh đẻ để chống đau dạ con và làm tăng tiết sữa cho con bú. Theo các nhà dinh dưỡng, trong rễ đinh lăng có chứa nhiều saponin có tác dụng như nhân sâm, nhiều sinh tố B1, ngoài ra rễ còn chứa khoảng 13 loại axit amin cần thiết cho cơ thể, nhờ đó đinh lăng còn giúp tăng trí nhớ, tăng sức đề kháng cho cơ thể.

- Lá đinh lăng được dùng theo kinh nghiệm dân gian, chống bệnh co giật cho trẻ em, lấy lá non và lá già phơi khô đem lót vào gối hoặc trải giường cho trẻ nằm. Lá non đinh lăng còn được dùng làm rau ăn sống, làm gỏi cá v.v... và cũng là vị thuốc bổ tốt cho cơ thể.

- Thân cành Đinh lăng sắc uống với liều từ 20-30g, chữa được bệnh đau lưng, mỏi gối, tê thấp, dùng phối hợp với rễ cây xấu hổ (ngủ ngày), cúc tần, cam thảo dây.

Theo nghiên cứu của Học viện Quân sự Việt Nam:

Đinh lăng có tác dụng tăng biên độ điện thế não, tăng tỉ lệ các sóng alpha, bêta và giảm tỉ lệ sóng delta, những biến đổi này diễn ra ở vỏ não mạnh hơn so với ở thể lưới. Tăng khả năng tiếp nhận của các tế bào thần kinh vỏ não với các kích thích ánh sáng. Tăng nhẹ quá trình hưng phấn khi thực hiện phản xạ trong mê lộ, tăng hoạt động phản xạ có điều kiện gồm phản xạ dương tính và phản xạ phân biệt. Dưới tác dụng của cao đinh lăng, vỏ não được hoạt hóa nhẹ và có tính đồng bộ, các chức năng của hệ thần kinh về tiếp nhận và tích hợp đều tốt hơn.

Viện Y học quân sự đã dùng viên bột rễ Đinh lăng cho bộ đội tập luyện hành quân. Kết quả cho thấy khả năng chịu đựng và sức dẻo dai của họ được tăng lên rõ rệt. Các nhà khoa học Việt Nam và Nga cũng nhận thấy rễ Đinh lăng có tác dụng tốt đối với các nhà du hành vũ trụ khi luyện tập.

DS Thu Thảo

 

Bình luận