Cắt túi mật: Tất cả những thông tin bạn cần biết
Khi nào cần cắt bỏ túi mật?
Sỏi mật là nguyên nhân phổ biến dẫn đến cắt túi mật. Bạn sẽ được chỉ định cắt túi mật nếu sỏi gây ra các triệu chứng/biến chứng sau:
- Sỏi gây đau và viêm túi mật mạn tái đi tái lại nhiều lần
- Sỏi mật gây vàng da và vàng tròng trắng của mắt
- Sỏi gây viêm túi mật cấp đe dọa thủng túi mật, hoại tử túi mật, áp xe túi mật…
- Sỏi nhiều, chiếm 2/3 diện tích của túi mật
- Túi mật bị vôi hóa (túi mật sứ) không còn chức năng dự trữ dịch mật
Một số nguyên nhân khác cũng dẫn tới khả năng phải cắt túi mật như: polyp túi mật, ung thư túi mật, viêm túi mật cấp không do sỏi…
Cắt túi mật nên tiến hành trong các trường hợp cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh
Có những phương pháp phẫu thuật cắt túi mật nào?
Phẫu thuật cắt túi mật được tiến hành theo hai cách:
- Cắt túi mật nội soi: Túi mật được lấy ra từ một đường rạch nhỏ ở bụng, thông qua các thiết bị nội soi. Ngày nay, phẫu thuật cắt túi mật nội soi được sử dụng rộng rãi vì tính an toàn, ít biến chứng và phục hồi nhanh.
- Cắt túi mật mở: Túi mật được loại bỏ thông qua một vết mổ lớn ở bụng, đây là phương pháp mổ truyền thống hiện nay chỉ áp dụng đối với những bệnh nhân không đủ điều kiện phẫu thuật nội soi (phụ nữ mang thai, người bệnh sỏi mật đã bị biến chứng…)
Cần chuẩn bị gì cho phẫu thuật cắt túi mật?
Trước một ca phẫu thuật cắt túi mật, chắc hẳn bạn không tránh khỏi tâm trạng lo lắng và hồi hộp. Tuy nhiên, bạn chỉ cần thực hiện theo lời dặn của bác sĩ và không nên quan trọng hóa vấn đề. Nếu cảm thấy lo lắng hay không chắc chắn về điều gì, hãy mạnh dạn hỏi bác sĩ hoặc y tá để được giải đáp.
Một ca cắt túi mật nội soi không kéo dài quá lâu nhưng bạn buộc phải ở lại bệnh viện ít nhất một đêm để theo dõi. Phẫu thuật nội soi thường gây mê toàn thân, có nghĩa là bạn sẽ ngủ trong suốt quá trình loại bỏ túi mật. Đồng thời, bạn cũng không được ăn hay uống bất kỳ thứ gì trong vòng 6 giờ trước khi phẫu thuật, điều này để đảm bảo dạ dày của bạn trống rỗng, không bị sặc hít trong khi gây mê, thức ăn từ dạ dày trào ngược vào khí quản gây tắc nghẽn đường hô hấp.
Ngoài ra, tất cả những gì bạn cần làm là thực hiện theo yêu cầu của bác sĩ, chẳng hạn như đeo tất y khoa (compression stockings, để ngăn ngừa cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch ở chân), hoặc uống thuốc kháng sinh để ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn sau phẫu thuật.
Quá trình phẫu thuật được diễn ra như thế nào?
Ngày nay, phẫu thuật nội soi được sử dụng phổ biến hơn cả. Trong phẫu thuật này, bác sĩ sẽ tạo một vết mổ nhỏ ở bụng, sau đó làm phồng bụng bằng khí carbon dioxide để tạo không gian (điều này giúp camera nội soi ghi được hình ảnh dễ dàng hơn). Tiếp theo, bác sĩ phẫu thuật sẽ luồn ống nội soi vào trong bụng thông qua vết mổ để có thể nhìn thấy túi mật trên màn hình được kết nối với camera ở đầu ống nội soi. Thông qua hình ảnh trên màn hình và kỹ thuật nội soi, bác sĩ sẽ nhanh chóng lấy túi mật ra khỏi cơ thể người bệnh.
Một số người không phù hợp làm phẫu thuật nội soi sẽ phải làm phẫu thuật cắt túi mật mở. Phẫu thuật mở sẽ tạo ra vết mổ lớn ở bụng để loại bỏ túi mật.
Một số rủi ro có thể gặp phải sau phẫu thuật cắt túi mật
Tuy hiếm khi xuất hiện biến chứng, nhưng người bệnh vẫn nên biết một số rủi ro có thể gặp phải sau mổ để có biện pháp phòng ngừa:
- Phản ứng dị ứng với thuốc tê hoặc kháng sinh
- Chảy máu quá nhiều ở vết mổ
- Xuất hiện cục máu đông sau mổ
- Tổn thương mạch máu, đường ống dẫn mật
- Nhịp tim nhanh
- Nhiễm trùng
- Viêm tụy
- Biến chứng sau phẫu thuật trên đường tiêu hóa như tiêu chảy, đầy trướng, chậm tiêu, táo bón…
Người bệnh nên quay lại bệnh viện nếu thấy các dấu hiệu bất thường sau khi cắt túi mật
Những gì cần làm sau phẫu thuật cắt túi mật
Sau phẫu thuật, bạn sẽ được chuyển xuống phòng hồi sức. Tại đây sẽ có đội ngũ nhân viên y tế túc trực theo dõi thường xuyên các chỉ số như nhịp tim, huyết áp, dấu hiệu nhiễm trùng, sốt hoặc xuất huyết.
Thông thường, bạn sẽ được ra viện sau 3 ngày nếu mổ nội soi, từ 1 - 2 tuần đối với mổ hở. Bạn sẽ hoàn toàn bình phục sức khỏe trong khoảng 4 - 6 tuần. Khi về nhà, bạn nên thực hiện theo một số lời khuyên sau để giảm nguy cơ gặp biến chứng:
- Tích cực đi bộ để ngăn ngừa cục máu đông
- Uống nhiều nước để tránh mất nước
- Không mang vác vận nặng trong vòng 4 - 6 tuần đầu
- Rửa tay trước và sau khi chạm vào vết mổ
- Thay băng thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ
- Tránh mặc quần áo chật có thể cọ xát vào vết thương
- Nên tắm vòi hoa sen trong vòng 1 tuần đầu sau mổ
- Trong tuần đầu tiên, nên lựa thức ăn mềm, dễ tiêu như cháo lỏng, súp, các món luộc, hấp, tránh các thực phẩm nhiều dầu mỡ.
Lựa chọn thay thế cho phẫu thuật cắt túi mật
Nếu bạn bị sỏi mật không có triệu chứng, bạn không cần điều trị. Tuy nhiên, bạn cần điều chỉnh chế độ ăn và theo dõi sức khỏe một cách chặt chẽ. Trong thời gian này, bạn có thể tham khảo sử dụng thêm sản phẩm hỗ trợ bệnh sỏi mật có nguồn gốc từ thảo dược để ngăn ngừa sỏi phát triển và phòng biến chứng.
Nếu sỏi mật nằm trong ống mật, chúng có thể bị loại bỏ bằng phương pháp nội soi tụy mật ngược dòng (ERCP). Những người bị ung thư túi mật có thể phải điều trị bằng hóa trị và xạ trị thay vì phẫu thuật.
Phải cắt bỏ một bộ phận trên cơ thể, đó là điều bất kỳ ai cũng cảm thấy sợ hãi khi nghĩ đến. Nhưng trong những trường hợp bắt buộc, cắt túi mật lại là điều cần thiết phải tiến hành để bảo vệ sức khỏe của bạn.
Biên tập viên sức khỏe Đông Tây
Bình luận