Chia sẻ về cuộc sống trong 3 tháng sau mổ cắt túi mật
Phẫu thuật cắt túi mật nội soi là chỉ định phổ biến khi sỏi mật gây biến chứng
Tôi quyết định chia sẻ về hành trình phẫu thuật cắt túi mật của chính bản thân mình. So với tưởng tượng của nhiều người thì thực tế việc này khó khăn hơn rất nhiều. Đến khi viết ra những dòng này, tôi vẫn đang phải cố gắng cân bằng lại cuộc sống hàng ngày để làm quen với việc cơ thể không còn túi mật nữa.
Trước hết là một chút thông tin cá nhân của tôi. Hiện tôi đã 65 tuổi và nghỉ hưu được 2 năm. Từ trước khi phẫu thuật cắt túi mật, sức khỏe của tôi luôn tốt và lần duy nhất tôi phải nằm viện là khi phẫu thuật tai vào năm 2007.
Câu chuyện chính mà tôi muốn chia sẻ bắt đầu vào khoảng giữa tháng 8 năm 2009. Đó là một buổi sáng thứ 6, lúc đi vệ sinh sau khi ngủ dậy thì tôi thấy nước tiểu của mình sẫm màu hơn bình thường. Khi đó, tôi cũng chỉ nghĩ là cơ thể đang bị thiếu nước nên tự nhắc mình cần bổ sung nhiều hơn trong hôm nay. Thế nhưng đến tối, bỗng nhiên một cơn đau ngay dưới phần xương ức khiến tôi choáng váng, ban đầu chỉ hơi nhói nhói, sau cường độ đau tăng dần và liên tục âm ỉ. Tôi dùng ngay 1 viên giảm đau nhưng có vẻ không thấy hiệu quả mấy. Kết quả là tôi đã phải nhanh chóng gọi cho cấp cứu. Bác sĩ nói đã cho xe cấp cứu đến nhà tôi và các triệu chứng mà tôi mô tả thì không giống với một cơn đau tim.
Sau khi lên xe cấp cứu, tôi được nhân viên y tế đo điện tâm đồ và khẳng định chắc chắn cơn đau của tôi không phải do tim. Khi đến cổng bệnh viện thì kỳ lạ là cơn đau của tôi cũng đã giảm đi phần nào. Nối tiếp theo đó là một loạt các xét nghiệm máu và chụp X-quang. Sau 2 tiếng thì tôi nhận được chẩn đoán là tắc nghẽn ống mật do sỏi mật. Bác sĩ đề nghị tôi nên nằm viện thêm một ngày nữa để theo dõi thêm trước khi quyết định có cắt túi mật hay không. Tuy nhiên, tôi thực sự sợ hãi với việc phẫu thuật nên đã kiếm cớ để về nhà.
Vài ngày sau trải qua trong yên ổn thì vào một đêm, tôi bị sốt cao và người vã mồ hôi như tắm vậy. Bác sĩ nghe mô tả và chẩn đoán tôi có thể đã bị viêm đường mật. Cơn sốt kèm đau bụng kéo dài này thực sự là “đòn bẩy” khiến tôi quyết tâm cắt túi mật càng sớm càng tốt.
Hôm sau 8h30 sáng tôi đã có mặt tại bệnh viện. Đến 9h y tá hướng dẫn tôi đi lấy máu và chuẩn bị cho ca phẫu thuật nội soi cắt túi mật. Sau khi gây mê thì đến 10h30 tôi đã hồi phục sức khỏe. 11h tôi đã có thể ngồi uống một tách trà và nói chuyện với bác sĩ phẫu thuật. Sức khỏe tốt nên đến 15h30 tôi đã được xuất viện về nhà.
Bác sĩ đã kê cho tôi một loại thuốc giảm đau cường độ cao đủ dùng trong 4 ngày. Thế nhưng buổi tối đầu tiên sau phẫu thuật vẫn không dễ chịu chút nào. Tôi cảm giác mình bị đầy trướng bụng, dù có xoa bụng hay đi lại cũng không đỡ. Kéo theo đó, cảm giác khô miệng cũng đến ngay ngày hôm sau. Đặc biệt là các cơn đau quặn bụng âm ỉ khi đi ngủ buổi tối. May mắn là thói quen đi bộ và dùng kẹo bạc hà giúp làm giảm khô miệng mà bác sĩ khuyên tôi dùng cũng có hiệu quả.
Sau một tuần chật vật thì các triệu chứng khó chịu cũng thuyên giảm phần nào. Có lẽ chỉ còn cảm giác đau ở khu vực vết mổ. Vì thế, tôi quyết định ra ngoài và áp dụng lời khuyên của bác sĩ là “thẳng lưng, để đầu gối chịu lực giữ thăng bằng cơ thể, hạn chế dùng cơ bụng tránh ảnh hưởng đến vết mổ”.
Sau 10 ngày thì vết mổ cũng đã lành và có thể rửa sạch. Theo quan điểm của tôi thì cắt túi mật nội soi có ưu điểm là an toàn, ít xâm lấn. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp bị khởi phát nhiễm khuẩn từ bên trong (biến chứng nhiễm trùng sau phẫu thuật). Cách tốt nhất để phát hiện mình đang bị biến chứng này là đo nhiệt độ. Tôi đã ghi lại nhiệt độ cơ thể từ 2 ngày trước phẫu thuật và đến tận 1 tháng sau phẫu thuật. Nếu sốt trên 38 độ thì bạn nên nhanh chóng gọi cho bác sĩ để có cách xử trí kịp thời.
Có thể nói, sau khi không còn túi mật thì việc ăn uống phải kiêng khem hơn, kết hợp với dùng thuốc giảm đau nặng làm tình trạng táo bón của tôi diễn ra thường xuyên hơn. Bác sĩ khuyên tôi nên cắt giảm chất béo khỏi thực đơn hàng ngày và ăn nhiều rau xanh để cơ thể có thời gian làm quen với sự lưu thông dịch mật mới. Kết quả là 3 tháng sau phẫu thuật, cơ thể của tôi đã hoàn toàn trở về bình thường và không còn triệu chứng khó chịu nào nữa.
Hy vọng những chia sẻ của tôi sẽ giúp ích cho những ai sắp hoặc đã trải qua phẫu thuật cắt túi mật. Mong là bạn sẽ tìm được giải pháp cho bản thân từ câu chuyện của tôi để tránh được những biến chứng khó chịu trên đường tiêu hóa và nhanh hồi phục.
Biên tập viên sức khỏe Đông Tây
Bình luận