Nhịp tim nhanh: Chớ nên coi thường!
Nhịp tim nhanh là bệnh gì?
Nhịp tim nhanh thường không phải là bệnh, mà là dấu hiệu, triệu chứng xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đó có thể là những phản ứng khi bạn lo lắng, căng thẳng hoặc tâm trạng hưng phấn quá mức. Hiện tượng này thường biến mất sau khi tâm lý bình tĩnh trở lại. Ngoài ra, nhịp tim nhanh còn xuất hiện khi chúng ta chạy, đi bộ, lao động, hoặc khi bị sốt, nhiễm trùng.
Rất nhiều phụ nữ trong thai kỳ cũng có biểu hiện nhịp tim nhanh. Do cơ thể phải đáp ứng oxy cho cả mẹ và bé. Đây cũng là triệu chứng xuất hiện do sự thay đổi nồng độ hormon xảy ra trong cơ thể người mẹ, nhất là những tháng đầu của thai kỳ.
Nhịp tim nhanh trong những trường hợp trên được gọi là nhịp tim nhanh sinh lý, không đáng lo ngại và không cần điều trị. Chúng thường chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn, sau đó sẽ nhanh chóng trở về bình thường khi nghỉ ngơi, thư giãn.
Nhưng nếu tim của bạn thường xuyên đập nhanh, ngay cả khi không có tác động của các yếu tố kể trên thì bạn cần cẩn trọng, bởi đó có thể là dấu hiệu của tình trạng rối loạn nhịp tim nhanh bệnh lý, do mắc phải một số bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, rối loạn nội tiết, miễn dịch… cần sớm được thăm khám và điều trị.
Có những dạng rối loạn nhịp tim nhanh nào?
Rối loạn nhịp tim nhanh thường được đặt tên theo vị trí xuất hiện và tính chất của cơn loạn nhịp.
- Nhịp xoang nhanh hay nhịp nhanh xoang: Nhịp xoang là nhịp tim bình thường của cơ thể. Khi nút xoang - nút phát nhịp tự nhiên của cơ thể bị kích thích quá mức, sẽ làm tăng nhịp tim, ví dụ ở những người có bệnh về tuyến giáp, thiếu máu, huyết áp thấp… bị chấn thương hoặc nhiễm trùng…
- Nhịp nhanh nhĩ: Tim bị kích thích ở phần tâm nhĩ do sự xuất hiện của các ổ phát nhịp bất thường ngoài nút xoang (rung nhĩ, cuồng nhĩ…)
- Nhịp nhanh thất: Là một trong những dạng rối loạn nhịp tim nguy hiểm nhất, có thể dẫn tới đột tử do tâm thất có nhiệm vụ tống máu đi nuôi khắp các cơ quan trong cơ thể.
- Nhịp nhanh nhĩ - thất: Việc dẫn truyền xung động điện ở giữa tâm nhĩ và tâm thất là nút nhĩ thất. Khi chúng bị kích thích, sẽ dẫn tới rối loạn nhịp tim nhanh.
Nhịp tim nhanh là bao nhiêu?
Một người khỏe mạnh, trưởng thành nhịp tim có thể dao động từ 60 - 100 lần/phút, tùy theo vào lứa tuổi và giới tính. Thường phụ nữ sẽ có nhịp tim nhanh hơn nam giới, ở trẻ em sẽ cao hơn người lớn.
Nhịp tim nhanh là khi chúng vượt qua ngưỡng giới hạn trong bảng sau:
Nhịp tim nhanh có nguy hiểm không?
Mức độ nguy hiểm của nhịp tim nhanh phụ thuộc vào dạng rối loạn nhịp tim mắc phải và các bệnh kèm theo.
Ảnh hưởng lớn nhất mà những người thường xuyên bị nhịp tim nhanh gặp phải chính là các triệu chứng gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.
- Đánh trống ngực: Là triệu chứng phổ biến, bạn có thể cảm nhận tiếng tim đập rất lớn và mạnh ở trong lồng ngực.
- Khó thở: Tim đập nhanh khiến máu chưa kịp đổ đầy về tim đã phải co bóp, điều này gây ứ máu tại tim, tại phổi, khiến khó khăn khi hít thở, hơi thở nông và nhanh.
- Mệt mỏi thường xuyên: Do cơ thể thiếu nguồn cung cấp năng lượng.
- Đau nhói ngực: Cơ tim không có đủ máu có thể gây đau nhói ở ngực, khác với cơn đau do bệnh mạch vành là nặng ngực, tức ngực.
Ngoài ra, ở một số người còn có biểu hiện choáng váng khi đi lại, hoặc lúc thay đổi tư thế. Ngất cũng là biểu hiện thường gặp khi bị rối loạn nhịp tim nhanh.
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, nhịp tim nhanh làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng sau:
- Cục máu đông: Thường gặp ở người rung nhĩ do sự xuất hiện của cục máu đông, từ đó làm tăng nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
- Suy tim: Tim đập nhanh thường xuyên trong thời gian dài sẽ khiến cơ tim suy yếu, làm giảm khả năng bơm và hút máu của tim, gây ra các triệu chứng điển hình như ho, phù, khó thở, mệt mỏi…
- Đột tử:Hiếm khi xảy ra. Đột tử thường xảy ra ở người có hội chứng brugada hoặc rung thất.
Nhịp tim nhanh và cách điều trị
Trong hầu hết các trường hợp, nhịp tim nhanh sẽ tự biến mất mà không cần phải điều trị. Nhưng khi chúng xuất hiện liên tục ở những người mắc các bệnh lupus ban đỏ, thiếu máu mạn tính, cường giáp… đặc biệt là những người có bệnh tim mạch (bệnh cơ tim, van tim, tăng huyết áp, bệnh mạch vành), hoặc nhồi máu cơ tim, biến chứng sau can thiệp tim mạch (đặt stent, phẫu thuật bắc cầu, thay van tim) thì việc điều trị sớm là cần thiết để ngăn ngừa biến chứng.
Thuốc điều trị nhịp tim nhanh
Thuốc không chữa khỏi hoàn toàn nhịp tim nhanh, nhưng sẽ giúp cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm do nhịp nhanh gây ra. Các thuốc thường được chỉ định gồm thuốc chống loạn nhịp (concor, betaloc, betaloc zok, amidarone…); thuốc ngăn ngừa huyết khối (plavix, wafarin) hoặc thuốc điều trị nguyên nhân gây loạn nhịp (thuốc hạ huyết áp, giảm mỡ máu, thuốc tiểu đường, cường giáp…). Việc sử dụng thuốc cần tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ, bởi trong một số trường hợp, dùng thuốc có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng rối loạn nhịp tim.
Các phương pháp khác
Nếu nhịp tim nhanh không đáp ứng với thuốc điều trị, bạn có thể được can thiệp hoặc phẫu thuật tim mạch:
- Triệt đốt điện tim: Sử dụng năng lượng của sóng cao tần, thông qua các ống thông tim được luồn ở động mạch hoặc tĩnh mạch háng, bác sĩ sẽ triệt phá cá ổ phát nhịp bất thường hoặc những đường dẫn truyền tín hiệu phụ trong tim.
- Đặt máy tạo nhịp hoặc máy khử rung với da: Chi phí để sử dụng thiết bị này là không hề rẻ, đi kèm với đó chúng có thể gây ra một số rủi ro về sau. Tuy nhiên, ở những người bệnh các triệu chứng quá nghiêm trọng, thì đây là lựa chọn duy nhất có hiệu quả.
- Can thiệp đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu: Áp dụng trong trường hợp nhịp tim nhanh do bệnh mạch vành.
- Phẫu thuật maze: Được chỉ định cho người rung nhĩ, bằng cách rạch những đường rạch nhỏ ở tâm nhĩ trái và phải để ngăn chặn các xung động gây ra tín hiệu điện bất thường trong tim.
Bên cạnh việc dùng thuốc và can thiệp tim mạch để điều trị nhịp tim nhanh, thì chế độ ăn, lối sống và tập luyện cũng đóng góp một phần không nhỏ trong việc ổn định nhịp tim. Vì lẽ đó mà bạn nên cùng với bác sĩ, xây dựng một kế hoạch điều trị dài hạn với đầy đủ các bước, nội dung cần thực hiện, từ đó giúp nhịp tim luôn trong tầm kiểm soát.
Biên tập viên sức khỏe Đông Tây
Nguồn:
https://www.drugs.com/mcd/tachycardia
http://emedicine.medscape.com/article/151456-overview#a4
http://www.innerbody.com/diseases-conditions/tachycardia
Bình luận