7 bài tập phục hồi chức năng phổi cho F0 tại nhà
Phục hồi chức năng phổi cho người bệnh COVID-19 rất quan trọng
Theo bác sĩ Calvin Q Trịnh (Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM): “COVID-19 có thể gây tổn thương phổi và ảnh hưởng đến chức năng hô hấp của tất cả những người mắc phải, kể cả các F0 thể nhẹ, trung bình và người đã điều trị khỏi COVID-19. Luyện tập các bài tập phục hồi chức năng phổi tại nhà là cách đơn giản nhất để khắc phục tình trạng này. Mỗi ngày bệnh nhân nên thực hiện các bài tập dưới đây vài lần. Mỗi bài tập thực hiện từ 8 - 10 lần.
Các bài tập phổi không chỉ tốt cho người nhiễm COVID-19. Những người đang thực hiện cách ly (F1, F2...), có vấn đề hô hấp, thường xuyên mệt mỏi… cũng nên thực hiện để bảo vệ lá phổi của mình.”
Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách thực hiện 7 bài tập phục hồi chức năng phổi. Hãy lưu lại và bắt đầu áp dụng ngay từ hôm nay.
Bài 1: Kỹ thuật thở ra (kéo dài hơi thở khi thở ra)
- Kỳ thở ra kéo dài: Hít vào bằng mũi và thở ra bằng đường miệng, khi thở ra thì kéo dài hơi thở.
- Kỳ thở ra mạnh: Hít vào bằng mũi và thở ra bằng đường miệng, khi thở ra thì thở ra mạnh. Thở ra mạnh sẽ tạo phản xạ ho, điều này giúp khai thông đường thở.
Thở ra đúng cách sẽ giúp F0 tăng cường lưu thông khí, giảm khó thở
Bài 2: Mở lồng ngực, thở chúm môi và kiểm soát nhịp thở
- Động tác 1: Hít vào, đưa 2 cánh tay ra sau hết cỡ. Khi thở ra thì thở từ từ, cùng lúc đó đưa 2 tay về vị trí cũ.
- Động tác 2: Đưa 2 cùi trỏ tay ra phía trước, hít vào và xoay hết cỡ cùi trỏ tay ra phía sau. Sau đó, từ từ thở ra và xoay cùi trỏ về vị trí ban đầu.
Bài 3: Tăng cường vận động cơ hô hấp
- Kỹ thuật thở ngực: Đặt 1 tay lên ngực và 1 tay lên bụng. Hít vào, đồng thời hóp bụng và giữ chặt tay ở bụng để lồng ngực mở ra hết cỡ. Sau đó thở ra từ từ bằng miệng. Cách thở đúng là giữ bụng hóp lại, không phình ra trong lúc thở.
- Kỹ thuật thở bụng: Đưa 2 tay lên bụng, hít vào và cảm nhận bụng phình ra hết cỡ. Sau đó, thở ra từ từ đến khi bụng sẽ xẹp lại.
Bài 4: Loại bỏ dung tích cặn thừa trong phổi
Động tác thổi bóng (tương đương việc thở ra hết sức): Bạn hãy chuẩn bị 1 quả bóng rồi thổi một hơi kéo dài, cố gắng thở hết sức trong một lần thổi. Không thở thành nhiều lần hay thở nhát gừng.
Hướng dẫn thực hiện các bài tập phổi cho F0 tại nhà
Bài 5: Tăng cường sức bền của cơ hô hấp (cơ vai, ngực, cánh tay)
- Cánh chim bay: 2 tay cầm tạ rồi buông theo thân mình. Khi hít vào thì nâng 2 cánh tay sang hai bên, sau đó thở ra từ từ và hạ tay xuống. Nếu không có tạ thì bạn có thể thay bằng 2 chai nước.
- Cánh tay đan chéo: 2 cánh tay cầm tạ đưa sang ngang và bắt đầu hít vào. Sau đó, thở ra với hai tay đan chéo phía trước.
- Giơ tay qua đầu: Hít vào và đưa 2 cánh tay cầm tạ lên qua đầu. Sau đó, thở ra và hạ tạ tay xuống
Bài 6: Tăng dung tích thùy phổi
- Thùy phổi giữa: Vòng khăn từ sau lưng ra trước ngực (vị trí dưới nách). Sau đó, cánh tay cầm khăn đan chéo lại. Bắt đầu hít vào sâu và siết khăn lại, sau đó buông khăn ra đột ngột và thở ra.
- Thùy phổi dưới: Làm tương tụ bên trên nhưng dịch khăn xuống vị trí dưới ngực. Lưu ý, buông khăn trước khi bắt đầu thì thở ra.
Bài 7: Vũ điệu nhịp thở
- Động tác 1: Đứng thẳng người, hai chân dang rộng bằng vai. Hít vào và đưa 2 cánh tay, lòng bàn tay úp vào nhau. Sau đó, thở ra và đưa tay về vị trí cũ.
- Động tác 2: Cúi xuống, hai chân rộng bằng vai, cánh tay đan chéo. Hít vào và vươn người lên và cánh tay chụm vào nhau, cuối cùng thở ra và đưa tay về vị trí cũ.
Trong quá trình tập, hãy theo dõi và dừng tập nếu có những dấu hiệu như tức ngực, khó thở hay mệt mỏi bất thường. Và đừng quên thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của chính phủ để giữ an toàn cho bản thân và chung tay đẩy lùi đại dịch COVID - 19 cùng đất nước.
Thông tin hữu ích cho bạn: Những điều cần biết khi phải cách ly tại nhà vì dịch COVID-19
BTV Đông Tây
Nguồn tham khảo: hochiminhcity.gov.vn, hopkinsmedicine
Bình luận