Nhịp nhanh thất là dạng rối loạn nhịp tim nhanh với tần số trên 100 nhịp mỗi phút, xuất phát từ buồng tâm thất (buồng tim phía dưới) làm phá vỡ nhịp điệu bình thường của tim. Với bản chất  là một chuỗi các nhịp ngoại tâm thu liên tiếp nối liền nhau, dạng rối loạn nhịp này có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cần được theo dõi và điều trị sớm.

Nhịp nhanh thất gây ra triệu chứng gì?

Nhịp nhanh thất có thể chỉ kéo dài vài giây hoặc lâu hơn, và không phải lúc nào cũng gây ra triệu chứng. Nếu nhịp nhanh thất kéo dài đủ lâu, hiệu quả bơm máu của tâm thất sẽ bị giảm sút. Kết quả là các cơ quan không được nhận đủ máu theo nhu cầu, gây ra một số triệu chứng bao gồm:

- Chóng mặt

- Ngất xỉu

- Mệt mỏi

- Tức ngực

- Khó thở

Nhip-nhanh-that-dang-roi-loan-nhip-tim-nguy-hiem-nguy-co-cao-ngung-tim-dot-tu
Nhịp nhanh thất - dạng rối loạn nhịp tim nguy hiểm, nguy cơ cao ngừng tim, đột tử

Nguyên nhân gây nhịp nhanh thất?

Nguyên nhân chính xác gây nhịp nhanh thất không phải lúc nào cũng được xác định. Trong hầu hết các trường hợp, nó được kích hoạt bởi một bệnh lý tim mạch tiềm ẩn, chẳng hạn như:

- Bệnh cơ tim: dày thất, giãn thất, cơ tim phì đại

- Tổn thương tim sau cơn nhồi máu

- Thiếu máu cơ tim cục bộ

- Suy tim

Trong nhiều trường hợp hiếm hoi, nhịp nhanh thất có thể được gây ra bởi một số nguyên nhân khác như do thuốc, sử dụng quá nhiều caffein (có trong cà phê, nước ngọt, sô cô la), rượu bia, và tập thể dục với cường độ quá cao.

Nhịp nhanh thất có di truyền không?

Người ta đã tìm thấy một số trường hợp di truyền nhịp nhanh thất từ đời bố mẹ sang con cái, bao gồm:

- Nhịp nhanh thất đa hình

- Loạn sản thất phải

Tuy nhiên, rối loạn nhịp này di truyền hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố thuộc về môi trường như chế độ ăn uống, luyện tập.

Ai là người có nguy cơ cao bị nhịp nhanh thất?

Bạn có thể có nguy cơ cao mắc nhịp nhanh thất nếu thuộc một trong các đối tượng sau:

- Tuổi cao

- Có bệnh tim

- Đã có tiền sử đau tim trước đây

- Gia đình có tiền sử bị nhịp nhanh thất

Các dạng nhịp nhanh thất

Người ta phân loại các dạng nhịp nhanh thất dựa trên các yếu tố như thời gian kéo dài cơn, hình thái trên điện tâm đồ, khả năng ảnh hưởng tới huyết động hoặc quá trình bơm máu của tim. Trong đó, có các loại nhịp nhanh thất như sau:

- Nhịp nhanh thất không duy trì: cơn nhịp nhanh kéo dài dưới 30 giây và không gây ra vấn đề về huyết động.

- Nhịp nhanh thất duy trì: cơn kéo dài trên 30 giây, đã ảnh hưởng tới lưu lượng máu tuần hoàn.

- Nhịp nhanh thất đơn hình: hình ảnh các nhịp bất thường ghi lại trên điện tâm đồ giống nhau.

- Nhịp nhanh thất đa hình: các nhịp bất thường trên điện tâm đồ có nhiều hình thái khác nhau.

Nhịp nhanh thất có nguy hiểm không?

Nhịp nhanh thất là một rối loạn nhịp nguy hiểm, bởi nó có nguy cơ cao dẫn tới rung thất gây ngừng tim đột ngột và tử vong. Nhịp nhanh thất kéo dài không được điều trị có thể dẫn tới suy tim.

Để ngăn ngừa những biến chứng này xảy ra, người bệnh cần phải được áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp.

Điều trị nhịp nhanh thất

Mục tiêu trong điều trị nhịp nhanh thất là nhanh chóng ổn định nhịp tim và ngăn chặn các cơn loạn nhịp trong tương lai.

Điều trị khẩn cấp

Trong trường hợp khẩn cấp, điều trị nhịp nhanh thất có thể bao gồm:

- Hô hấp nhân tạo

- Khử rung điện

- Sốc điện

- Thuốc chống loạn nhịp giải phóng nhanh.

Điều trị duy trì

Điều trị dài hạn có thể bao gồm thuốc chống loạn nhịp đường uống, bao gồm các thuốc chẹn beta giao cảm, chẹn kênh canxi, chẹn kênh natri…  Tuy nhiên những loại thuốc này không phải luôn được chỉ định cho mọi trường hợp, bởi chúng có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng gây rối loạn nhịp.

Các phương pháp khác có thể được áp dụng bao gồm:

- Cấy máy khử rung tim: dặt dưới da vùng bụng hoặc ngực để sửa chữa nhịp tim bất thường.

- Đốt điện bằng đường ống thông: nhằm triệt phá mô tim gây ra nhịp đập bất thường.

- Cấy máy tạo nhịp tim: giúp đồng bộ hóa hoạt động co bóp của các buồng tim.

Nếu được phát hiện và điều trị sớm nhịp nhanh thất, những biến chứng nguy hiểm như ngừng tim, đột quỵ sẽ không còn là mối đe dọa tới sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, bạn đừng quên đi khám sức khỏe định kỳ, tuân thủ chế độ điều trị kết hợp với chế độ ăn uống khoa học, luyện tập thể dục thường xuyên để bảo vệ trái tim trước dạng rối loạn nhịp này.

Tham khảo: www.healthline.com/health/ventricular-tachycardia#risk-factors

Bình luận