Hội chứng nút xoang - Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
Hội chứng nút xoang là gì?
Nút xoang nằm ở buồng tâm nhĩ phải là nơi phát xung điện đầu tiên và được xem là máy tạo nhịp tim tự nhiên của cơ thể. Thông thường nút xoang phát nhịp đều đặn, tạo ra một tốc độ ổn định của các xung điện trong trái tim, điều khiển nhịp tim bình thường. Ở những người mắc hội chứng nút xoang, nhiều loại rối loạn nhịp tim có thể biểu hiện như rối loạn nhịp nhanh, rối loạn nhịp chậm hoặc cả hai (hội chứng nhịp nhanh-chậm). Trong hội chứng nút xoang cũng có thể gặp rung nhĩ, cuồng nhĩ.
Có rất nhiều nguyên nhân gây hội chứng nút xoang như: tổn thương cơ tim sau phẫu thuật tim, huyết áp cao, khiếm khuyết trong cấu trúc van tim, hay do sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh tim mạch như chẹn kênh canxi, chẹn beta, thuốc chống loạn nhịp…
Dấu hiệu nhận biết hội chứng nút xoang
Hầu hết hội chứng nút xoang ban đầu đều không hoặc rất ít khi gây ra triệu chứng. Một số người thấy xuất hiện các dấu hiệu đến và đi bất thường như: cảm thấy nhịp tim đập chậm hơn hoặc nhanh hơn so với bình thường, người mệt mỏi, chóng mặt, ngất xỉu hoặc xỉu, khó thở, đau ngực, hồi hộp, đánh trống ngực….
Ngất đột ngột có thể là dấu hiệu cảnh báo hội chứng nút xoang
Nguyên nhân xuất hiện tình trạng trên là do rối loạn hoạt động của tim gây thiếu máu cung cấp lên não, tim và các bộ phận khác trong cơ thể. Về lâu dài, hội chứng nút xoang có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ và suy tim. Chấn thương cũng có thể xảy ra nếu bạn rơi vào trạng thái ngất xỉu. Vì vậy tốt nhất bạn nên thu xếp nhanh chóng đến gặp bác sỹ khi thấy ít nhất có một dấu hiệu trong các triệu chứng kể trên.
Hội chứng nút xoang gây ra những biến chứng gì?
Khi nút xoang – bộ phận phát nhịp tự nhiên của cơ thể không hoạt động bình thường, trái tim không thể bơm máu đều đặn và hiệu quả. Hội chứng nút xoang kéo dài theo thời gian có thể gây ra suy tim, do tim phải tăng hoạt động quá mức để đáp ứng nhu cầu sử dụng oxy của cơ thể. Khi trái tim đã bị suy, không chỉ việc điều trị rất khó khăn mà cả sinh hoạt bình thường của người bệnh đều trở nên đảo lộn.
Bên cạnh đó, bệnh nhân mắc hội chứng nút xoang còn gặp nguy cơ huyết khối do máu bị ứ lại tim. Cục máu đông di chuyển trong lòng mạch bị mắc lại ở đoạn động mạch nào sẽ khiến các cơ quan do đoạn động mạch đó chi phối bị tổn thương. Ví dụ như: tắc mạch máu não gây tai biến đột quỵ, tắc động mạch vành gây nhồi máu cơ tim…
Phương pháp điều trị hội chứng nút xoang
Bạn có thể chỉ cần thường xuyên tiến hành theo dõi sức khỏe định kỳ nếu hội chứng nút xoang không làm xuất hiện triệu chứng. Ngược lại, khi hội chứng nút xoang gây ra triệu chứng hoặc biến chứng, tiếp nhận điều trị là bắt buộc.
* Sử dụng thuốc điều trị hội chứng nút xoang
Bác sỹ sẽ lựa chọn cho bạn một số loại thuốc điều trị rối loạn nhịp tim như thuốc chống loạn nhịp, thuốc chẹn beta, chẹn kênh canxi.. Liều lượng thuốc và cách phối hợp thuốc sẽ được điều chỉnh tuỳ thuộc nguyên nhân, mức độ và tình trạng bệnh lý của bệnh nhân. Tuy nhiên có nhiều trường hợp dùng thuốc không đạt hiệu quả, hoặc các thuốc chống nhịp nhanh lại có thể làm nhịp tim trở nên quá chậm. Khi đó, người bệnh có thể được chỉ định cấy máy tạo nhịp tim.
* Cấy máy tạo nhịp tim
Cho dù được sử dụng thuốc điều trị nhưng đến cuối cùng người có hội chứng nút xoang đều cần đến một máy tạo nhịp tim nhân tạo để duy trì nhịp đập bình thường của trái tim. Thiết bị nhỏ này sẽ được cấy ghép dưới da gần xương đòn của bạn, từ đó có dây nối vào tim, và được lập trình sẵn để kích thích hoặc làm chậm nhịp đập của tim.
Việc sử dụng máy tạo nhịp một buồng hay hai buồng sẽ phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của bạn. Trong một số rối loạn chỉ cần sử dụng máy tạo nhịp tim một buồng, tức là chỉ có một dây nối để kích hoạt ở buồng tim phía trên hay phía dưới. Nhưng thông thường, các bác sỹ sẽ sử dụng máy tạo nhịp buồng kép tức là có hai dây dẫn để kích hoạt cả buồng tâm nhĩ và tâm thất.
Sau khi được lắp máy tạo nhịp tim, nếu nhịp tim của bạn vẫn nhanh, bạn có thể được chỉ định sử dụng thêm thuốc chống loạn nhịp. Nếu bạn bị rung nhĩ hoặc các loạn nhịp khác làm tăng nguy cơ đột quỵ, bác sỹ sẽ cho sử dụng thuốc chống đông máu (warfarin, aspirin) để làm giảm nguy cơ này. Bên cạnh đó, các phương pháp như triệt đốt nút nhĩ thất hoặc triệt đốt ổ gây rung nhĩ có thể được tiến hành nhằm kết hợp kiểm soát nhịp nhanh ở những người cấy máy tạo nhịp tim.
Phong cách sống giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị hội chứng nút xoang
Ngoài các phương pháp điều trị chính, các bác sỹ thường khuyên người bệnh nên thực hiện các lời khuyên sau đây:
- Tập thể dục điều độ từ 30 - 45 phút mỗi ngày và thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, ít chất béo
- Duy trì chỉ số cân nặng phù hợp
- Kiểm soát tốt giá trị huyết áp và cholesterol máu
- Không hút thuốc lá
- Nếu có uống rượu, hãy uống mức độ vừa phải, hoặc tốt nhất là ngừng uống rượu.
- Không nên sử dụng các chất kích thích như café, trà đặc, các chất gây nghiện
- Kiểm soát tinh thần, hạn chế căng thẳng trong cuộc sống
- Thăm khám bác sỹ thường xuyên và thông báo ngay nếu có triệu chứng bất thường, nhất là trong trường hợp bạn mang máy tạo nhịp
Cùng với các phương pháp điều trị, bạn có thể tham khảo sử dụng thêm các giải pháp hỗ trợ điều trị có nguồn gốc chính từ thiên nhiên giúp tăng cường chức năng tim mạch, hỗ trợ điều trị chứng rối loạn nhịp tim nói chung và hội chứng nút xoang nói riêng.
Bình luận