Rung nhĩ là một dạng rối loạn nhịp tim thường gặp, làm tăng nguy cơ đột quỵ, suy tim và các bệnh về tim. Rung nhĩ là nguyên nhân gây ra khoảng 5% các trường hợp đột quỵ mỗi năm. Bệnh nhân suy tim có kèm theo rung nhĩ tỷ lệ tử vong tăng hơn đến 34%. Tỷ lệ rung nhĩ tăng dần theo tuổi, trung bình tỷ lệ mới mắc rung nhĩ khoảng 0,1% mỗi năm ở người dưới 40 tuổi nhưng tăng lên tới 1,5 - 2% ở người trên 80 tuổi.

Rung nhĩ là gì?

Thông thường, nhịp tim ổn định khoảng 60 – 100 nhịp/ phút nhờ có một trung tâm phát nhịp điều tiết nhịp đập của tim - trung tâm này được gọi là nút xoang (nằm tại tâm nhĩ phải của tim). Khi nút xoang phát xung động cũng là bắt đầu một nhịp đập mới của tim. Nút xoang hoạt động hiệu quả sẽ tạo ra nhịp tim bình thường để tim thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ của nó là duy trì hoạt động bơm và hút máu.

Rung nhĩ xuất hiện khi tâm nhĩ (hai buồng tim phía trên) và tâm thất (hai buồng tim phía dưới) đập nhanh bất thường với tần số không đồng bộ.

Ví dụ: Tâm nhĩ đập với rất nhanh và không đều với tần số > 300 lần/phút, trong khi đó tâm thất chỉ đập với tần số từ 100 – 200 lần/phút. Khi đó các buồng thất không có đủ thời gian giãn ra để được đổ đầy máu trong khi các tâm nhĩ lại không có khả năng bơm máu hiệu quả xuống tâm thất ở mỗi nhát bóp của tim.

Hình ảnh điện tâm đồ ở người bệnh rung nhĩ

Hình ảnh điện tâm đồ ở người bệnh rung nhĩ

Dấu hiệu cảnh báo rung nhĩ

Ở nhiều người, rung nhĩ không có dấu hiệu cảnh báo rõ ràng, có thể là một trong các dấu hiệu sau:
- Thường gặp nhất là biểu hiện đánh trống ngực do tim đập nhanh và không đều.
- Đau ngực và cảm giác ngộp thở.
- Trong một số trường hợp nếu nhịp tim quá nhanh sẽ gây triệu chứng mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, khó thở, thậm chí ngất xỉu.

Các biến chứng rung nhĩ

- Nhịp tim bất thường có thể dẫn đến các vấn đề như: Chóng mặt, khó thở, yếu và mệt mỏi, choáng ngất.
- Đột quỵ: Rung nhĩ làm giảm cung lượng tim và dần dần hình thành huyết khối (cục máu đông) – yếu tố gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khi nó di chuyển đến động mạch não gây đột quỵ, hoặc đến động mạch vành gây nhồi máu cơ tim. Bệnh rung nhĩ là một trong các yếu tố nguy hiểm nhất có thể dẫn đến đột quỵ.

Khi nào người bệnh rung nhĩ cần gọi 115?

Rung tâm nhĩ không phải là một trường hợp khẩn cấp nhưng biến chứng của rung nhĩ lại rất nguy hiểm. Vì vậy người bệnh rung nhĩ cần gọi cấp cứu (115) hoặc đến ngay các cơ sở y tế gần nhất nếu có bất kỳ triệu chứng nào dưới đây:
- Đau ngực nặng
- Hồi hộp, hoa mắt, đau ngực, và ngộp thở
- Dấu hiệu của một cơn đột quỵ não:
+ Đột nhiên nhìn mờ hoặc nhìn nhòe, có thể chỉ bị ở một bên mắt.
+ Bị yếu đột ngột ở một phần cơ thể (nửa người, nửa mặt, cảm giác nặng tay chân, không hoặc khó nâng lên được có cảm giác như tay chân của người khác).
+ Gặp khó khăn trong nói hoặc hiểu người khác.
+ Đột nhiên bị đau đầu dữ dội.

Yếu tố nguy cơ gây rung nhĩ khó kiểm soát

Các yếu tố phổ biến nhất bao gồm:
- Cao huyết áp
- Bệnh động mạch vành và thiếu máu cơ tim
- Suy tim
- Bệnh van tim
- Phẫu thuật tim: Đặt stent trong động mạch vành hoặc các loại phẫu thuật tim có thể gây ra rung nhĩ, nguy cơ đặc biệt tăng cao ở những người trên 65 tuổi. Khi rung nhĩ xảy ra sau khi phẫu thuật, nó cũng sẽ làm tăng nguy cơ các biến chứng khác.

- Trong một số trường hợp rung nhĩ có thể xuất phát từ các rối loạn tuyến giáp hoặc nhiễm trùng nghiêm trọng (như viêm phổi).    

Yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát

Ngoài bệnh tim, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển rung nhĩ. Một trong số này nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn:
- Giới và chủng tộc: Nam giới, người da trắng có nguy cơ rung nhĩ cao hơn nữ giới và các chủng tộc khác.
- Tuổi: Nguy cơ rung nhĩ tăng lên ở những người cao tuổi.
- Tiền sử gia đình có người bị rung nhĩ.

Yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát

- Bệnh béo phì
- Bệnh phổi
- Một số thuốc theo toa, như Albuterol
- Sử dụng quá nhiều chất kích thích (nicotin, cafein, rượu,…).

Các phương pháp chẩn đoán rung nhĩ

- Điện tâm đồ (EKG): Là cách chắc chắn nhất để phát hiện bệnh rung tâm nhĩ. Phương pháp này ghi lại hoạt động điện của tim và những bất thường của nhịp tim cho kết quả tương đối chính xác và nhanh chóng mà không gây đau đớn cho người bệnh.

Điện tâm đồ là công cụ tiêu chuẩn để chẩn đoán rung nhĩ

Điện tâm đồ là công cụ tiêu chuẩn để chẩn đoán rung nhĩ

- Xét nghiệm: Nếu hình ảnh điện tâm đồ cho thấy bạn bị rung nhĩ, bác sĩ có thể cho bạn 1 số xét nghiệm bổ sung để có kết quả chẩn đoán chính xác hơn. Một số xét nghiệm thường làm:
+ Xét nghiệm máu
+ Điện giải đồ
+ Men tim
+ Chức năng tuyến giáp
+ Định lượng nồng độ digoxin trong máu
+ Định kượng nồng độ ethanol
+ Xét nghiêm hàm lượng thuốc trong nước tiểu
- XQ tim phổi
- Siêu âm tim

Các phương pháp điều trị rung nhĩ

- Điều trị bệnh liên quan: Những người mới phát hiện rung nhĩ, các triệu chứng có thể đến và đi nhanh chóng (nhịp tim bất thường có thể kéo dài từ vài giây đến vài tuần sau đó trở lại bình thường). Nhưng khi bệnh nặng lên rung nhĩ có thể kéo dài dai dẳng và trở thành mãn tính.

Nếu nguyên nhân gây rung nhĩ được xác định là một vấn đề của tuyến giáp, viêm phổi, hoặc bệnh khác thì rung nhĩ sẽ biến mất khi nguyên nhân được điều trị.

- Sốc điện: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cố gắng để phục hồi nhịp tim bình thường với một cú sốc điện hoặc dùng thuốc. Phương pháp này được gọi là sốc. Nếu bạn đã có rung nhĩ hơn 48 giờ, nhịp tim có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.

- Dùng thuốc: Thuốc được sử dụng trong trường hợp rung nhĩ nhẹ, chưa cần cấp cứu. Các nhóm thuốc hay được sử dụng là thuốc chống loạn nhịp và thuốc chống đông.

+ Thuốc chống loạn nhịp (Thuốc chẹn canxi, chẹn bêta hoặc digoxin) nhằm ức chế nút nhĩ thất, ổn định nhịp tim. Tuy nhiên khi sử dụng cần thận trọng trong những trường hợp bệnh nhân bị co thắt phế quản và không sử dụng nếu nhịp tim nhỏ hơn 100 lần/phút hoặc nhịp tự chuyển về nhịp xoang.

+ Thuốc chống đông: nhằm ngăn ngừa nguy cơ huyết khối.

- Cắt đốt bằng sóng tần số vô tuyến: Nếu nhịp tim và thuốc không kiểm soát được các triệu chứng của rung nhĩ, cắt đốt bằng tần số vô tuyến là một lựa chọn.

Phương pháp này sử dụng năng lượng tần số vô tuyến để tiêu diệt các mô tim phát các tín hiệu điện bất thường. Vì không đòi hỏi phải phẫu thuật tim mở nên hạn chế một số rủi ro. Nó chỉ nên dùng cho những người có các triệu chứng nghiêm trọng đã được điều trị nội khoa không hiệu quả.

- Phẫu thuật: Các bác sĩ thực hiện một vết cắt nhỏ để tạo ra mô sẹo trong tâm nhĩ. Các mô sẹo ngăn chặn các xung điện bất thường gây ra rung nhĩ. Phương pháp này thường được thực hiện bằng phẫu thuật tim mạch.

- Đặt máy tạo nhịp tim: Máy tạo nhịp tim là một thiết bị chạy bằng pin nhỏ điều chỉnh nhịp tim của bạn bằng cách phát ra tín hiệu điện. Nó có tác dụng hữu ích cho những người có nhịp tim rất chậm và làm giảm các triệu chứng như mệt mỏi và khó thở.

Cấy một máy tạo nhịp tim trong lồng ngực được coi là phẫu thuật nhỏ và thường mất khoảng một giờ.

Tiên lượng bệnh rung nhĩ

Những người bệnh rung nhĩ ở mức độ nhẹ thường không cảm thấy bệnh ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của mình, tuy nhiên với nhiều người khác rung nhĩ lại gây ra những phiền hà rất lớn, chẳng hạn như yếu cơ, khó thở hoặc ngất xỉu.

Tuy nhiên trong cả hai trường hợp thì bệnh nhân bị rung nhĩ vẫn nên có biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ đột quỵ.

Ngăn ngừa rung nhĩ

- Thay đổi lối sống: Lối sống phù hợp góp phần vào việc điều trị rung nhĩ cũng như giảm thiểu các triệu chứng. Một số biện pháp cần áp dụng:

Thay đổi lối sống để phòng ngừa rung nhĩ

Thay đổi lối sống để phòng ngừa rung nhĩ

+ Kiểm soát tốt huyết áp và nồng độ mỡ máu.
+ Ăn nhạt, ăn ít muối và ít chất béo.
+ Không uống rượu và cà phê vì những chất kích thích này có thể làm xấu hơn tình trạng rối loạn nhịp.
+ Không hút thuốc lá. Nicotine có trong thuốc lá là một chất kích ứng mạnh, có thể làm rung nhĩ trầm trọng hơn.
+ Tập thể dục đều đặn.

- Kiểm tra sức khỏe tim mạch định kỳ: Là một trong những biện pháp hữu hiệu để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây rung nhĩ - đặc biệt nếu bạn trên 55 tuổi hoặc có các yếu tố nguy cơ đột quỵ.

Nguồn: http://www.medicinenet.com

Bình luận