Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF), năm 2015 toàn thế giới có 415 triệu người trong độ tuổi 20 - 79 bị bệnh tiểu đường. Trong đó có khoảng 90 - 95% là tiểu đường tuýp 2. Phổ biến như vậy nhưng khá nhiều người còn chưa hiểu về bệnh. Vậy, những thông tin hữu ích trong bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp nhiều băn khoăn, thắc mắc về bệnh lý nguy hiểm này.

Tiểu đường tuýp 2 là gì?

Tiểu đường tuýp 2 là một bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với mức đường huyết tăng cao. Tiểu đường tuýp 2 xảy ra khi các tế bào ngăn cản hoạt động của insulin – loại hormon giúp đưa đường từ máu vào trong tế bào để sử dụng (tình trạng đề kháng insulin) hoặc tuyến tụy của cơ thể không sản xuất đủ lượng insulin cần thiết hoặc kết hợp cả 2 nguyên nhân.

Tiểu đường tuýp 2 thường xuất hiện ở người lớn tuổi (trên 40 tuổi), đặc biệt là những người béo phì, dưa cân, có vòng bụng lớn hoặc ít vận động thể lực. Hiện nay, bệnh tiểu đường tuýp 2 đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa bởi tốc độ xã hội hóa quá nhanh.

Dấu hiệu bệnh tiểu đường

Các triệu chứng bệnh tiểu đường tuýp 2 thường không đến rầm rộ. Bởi bệnh phát triển âm thầm từ 5 - 10 năm cho đến khi được chẩn đoán (giai đoạn tiền tiểu đường, chủ yếu do đề kháng insulin). Một số người bệnh chia sẻ họ có những biểu hiện mơ hồ như thường xuyên mệt mỏi vô cớ, cảm thấy cơ thể không có sức lực, da sậm màu tại các vùng có nếp gấp (nách, cổ, bẹn, khuỷu tay chân…), da khô ngứa, tê bì, châm chích tay chân, vết thương vết loét chậm liền…

Ở giai đoạn bùng phát, người bệnh thường có các triệu chứng điển hình sau đây:

- Cảm thấy đói liên tục

- Sút cân không rõ nguyên nhân

- Mệt mỏi triền miên

- Mắt mờ đi, nhìn không rõ

Mờ mắt, sút cân, mệt mỏi triền miên - triệu chứng điển hình tiểu đường tuýp 2

Mờ mắt, sút cân, mệt mỏi triền miên - triệu chứng điển hình tiểu đường tuýp 2

Đường huyết cao bao nhiêu thì bị tiểu đường?

Theo Tiêu chuẩn chẩn đoán tiểu đường (Hiệp Hội Đái tháo đường Mỹ - ADA năm 2017) một người được chẩn đoán mắc tiểu đường nếu có 1 trong các tiêu chuẩn sau đây:

- Chỉ số đường (glucose) huyết lúc đói (FPG),  ≥ 126 mg/dL (7 mmol/L)

- Chỉ số đường (glucose) huyết (OGTT), ≥ 200 mg/dL (11.1 mmol/L), sau khi thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 75g hoặc

- Chỉ số đường (glucose) huyết tương ở thời điểm bất kỳ ≥ 200 mg/dL (hay 11.1 mmol/L). Ở bệnh nhân có triệu chứng điển hình của tăng glucose huyết bao gồm: ăn nhiều, uống nhiều, đi tiều nhiều, sút cân nhanh…cũng đủ để chản đoán ĐTĐ tuýp 2

Nếu người bệnh không có các triệu chứng điển hình của bệnh tiểu đường, các xét nghiệm trên cần thực hiện ít nhất 2 lần (hai xét nghiệm cách nhau không quá 7 ngày).

Ngoài các xét nghiệm trên, có thể chẩn đoán bệnh tiểu đường bằng xét nghiệm xác định HbA1c. Nếu HbA1c ≥ 6.5%  ở lần xét nghiệm sau, cũng đủ cơ sở chẩn đoán mắc ĐTĐ

Xét nghiệm HbA1c giúp đánh giá đường huyết trung bình của một người trong vòng 90 ngày qua mà không phụ thuộc vào thời điểm lấy máu là lúc đói hay lúc no. Tuy nhiên, để kết quả được chính xác, xét nghiệm này cần làm tại các phòng xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế.

Chỉ số đường huyết: Mức nào được coi là an toàn

Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo, chỉ số đường huyết an toàn ở người bệnh tiểu đường (người lớn và không mang thai) nên kiểm giới hạn ở mức:

- Đường huyết lúc đói 80 - 130 mg/dl (4.4  7.2 mmol/L)

- Đường huyết sau ăn < 180 mg/dL (10 mmol/L)

- HbA1c < 7% (53 mmol/mol)

Tuy nhiên, tùy vào lối sống, các bệnh lý mắc kèm và cơ địa của từng bệnh nhân cụ thể mà các bác sĩ có thể điều chỉnh mức chỉ số đường huyết an toàn cao hơn để tránh nguy cơ bị hạ đường huyết có thể đe dọa trực tiếp tới tính mạng của người bệnh.

Bệnh tiểu đường tuýp 2 nặng hay nhẹ?

Nhiều người bệnh nghĩ rằng tiểu đường tuýp 2 là nặng hơn so với tiểu đường tuýp 1. Nhưng điều này là không đúng bởi đây chỉ là tên gọi của bệnh ĐTĐ theo nguyên nhân gây bệnh. Mức độ nặng nhẹ của cả tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 không phụ thuộc vào tên gọi của nó mà phụ thuộc vào từng giai đoạn tiến triển của bệnh.

Bệnh tiểu đường có lây nhiễm không?

Bệnh tiểu đường nói chung và bệnh tiểu đường tuýp 2 nói riêng không phải là bệnh truyền nhiễm và không lây qua bất cứ con đường nào do vậy, bạn hoàn toàn có thể yên tâm khi tiếp xúc với người bệnh.

Tiểu đường có di truyền không?

Bệnh tiểu đường  tuýp 2 không phải là bệnh truyền nhiễm tuy nhiên, đây là một bệnh có liên quan tới yếu tố gia đình. Cụ thể, một người sẽ có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 cao hơn những người bình thường nếu có người thân trong gia đình (bố mẹ, anh chị em ruột) mắc bệnh này.

Ngoài yếu tố di truyền thì một số điều kiện khác như lối sống ít vận động, căng thẳng tâm lý, mắc các bệnh: cao huyết áp, rối loạn lipid máu, đặc biệt là béo phì cũng làm tăng nguy cơ xuất hiện bệnh tiểu đường tuýp 2.

Tiểu đường tuýp 2 có liên quan tới yếu tố gia đình

Tiểu đường tuýp 2 có liên quan tới yếu tố gia đình

Thuốc tiểu đường tuýp 2: lọai nào thông dụng nhất?

Meformin (biệt dược là Glucopha), đây là loại thuốc thông dụng và phổ biến nhất, được dùng trong tất cả các giai đoạn của bệnh ĐTĐ. Sau mỗi 3 tháng điều trị, nếu không đạt mục tiêu HbA1c, bác sỹ điều trị có thể phải phối hợp thêm 1 hay 2 cho đến 3 loại thuốc tác động với nhiều cơ chế khác nhau nhằm kiểm soát đường huyết và biến chứng tốt nhất.

Tuy nhiên, việc điều trị cần được cá thể hóa ở mỗi người, tùy theo mục tiêu điều trị và các bệnh cơ hội đang mắc phải. Do vậy, người bệnh không nên tự mua thuốc để điều trị tại nhà mà cần có chỉ định của bác sĩ.

Đường trong máu cao có nguy hiểm không?

Đường trong máu tăng cao dễ gây nguy hiểm - nếu không được điều trị kịp thời bằng thuốc kết hợp với thay đổi lối sống tích cực và kiểm soát chế độ ăn khoa học. Sau đây là một số hậu quả của tình trạng này:

- Hệ miễn dịch bị ức chế và hoạt động không hiệu quả. Vì lẽ đó, người bệnh ĐTĐ dễ bị viêm nhiễm và thời gian điều trị thường bị kéo dài hơn, đáp ứng với thuốc cũng kém hơn người bình thường.

- Vết thương, vết loét lâu liền do vi khuẩn có môi trường thuận lợi để phát triển.

- Các cơ quan đích như tim, thận, mắt, thần kinh bị tổn thương do thiếu máu nuôi dưỡng, bởi mạch máu bị chít hẹp

- Các bệnh cơ hội như bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu và bệnh mạch vành làm tăng nguy cơ đột quị não, nhồi máu cơ tim.

Bị tiểu đường tuýp 2 sống được bao lâu?

Không có một con số chính xác cho câu hỏi này bởi vì tuổi thọ của người bệnh tiểu đường sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc họ có điều trị tốt bằng thuốc, thay đổi lối sống cũng như các sản phẩm hỗ trợ để kiểm soát đường huyết hiệu quả hay không? Có những người bệnh chỉ sống được một vài năm kể từ khi phát hiện bệnh do ăn uống rượu bia thường xuyên, ăn uống không kiểm soát, uống thuốc không đều, nhưng cũng có những người nhờ thực hiện nghiêm chỉnh chế độ điều trị mà vẫn sống khỏe với tuổi thọ như người bình thường.

Bệnh tiểu đường tuýp 2 có sinh con được không?

Hầu hết phụ nữ mắc tiểu đường nói chung và tiểu đường tuýp 2 nói riêng đều có thể sinh con nếu kiểm soát đường huyết tốt. Còn ngược lại, nếu kiềm soát đường huyết không tốt thì khi mang thai và sinh con thì cả mẹ và bé sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ như: Dị tật bẩm sinh ở thai nhi ảnh hưởng tới não, cột sống, tim… với tỷ lệ khá cao, tiền sản giật, cao huyết áp, nhiễm trùng khi sinh, con có cân nặng quá cao gây khó khăn khi sinh, hạ đường huyết, sinh non, thai chết lưu. Chính vì vậy, kiểm soát tốt đường huyết là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ mắc bệnh tiểu đường muốn mang thai và sinh con.

Thực phẩm cho người tiểu đường tuýp 2?

Có thể nói rằng đối với người bệnh tiểu đường tuýp 2, thực phẩm đóng vai trò quan trọng tương với thuốc điều trị. Người bệnh sẽ không thể kiểm soát được đường huyết nếu ăn uống không kiêng khem. Các chuyên gia khuyến cáo người bệnh tiểu đường tuýp 2 cần thực hiện một chế độ ăn uống khoa học bao gồm: giảm các thực phẩm với thành phần là chất bột đường được chuyển hóa nhanh như cơm, cháo, bánh mì… trong chế độ ăn và thay thế bằng các loại ngũ cốc nguyên hạt, tăng cường sử dụng thực phẩm giàu chất xơ như khoai lang (lá, củ), rau đay, mùng tơi, đậu xanh, đậu tương, đậu đen… Tránh sử dụng các loại nước ngọt chứa nhiều đường, thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, chất béo, thực phẩm chế biến, đóng gói sẵn.

Cùng với chế độ ăn thì việc vận động thể chất đều đặn mỗi ngày cũng rất quan trọng trong việc giúp người bệnh kiểm soát đường huyết và hạn chế biến chứng.

Ds. Cao Ngọc Hải

Nguồn:

https://www.drugs.com/mcd/type-2-diabetes

http://www.diabetes.org/living-with-diabetes/treatment-and-care/blood-glucose-control/checking-your-blood-glucose.html?referrer=https://www.google.com.vn/

https://www.cdc.gov/pregnancy/diabetes-types.html

Bình luận