Bệnh tiểu đường tuýp 2 rất nguy hiểm, bởi chúng có thể dẫn tới các biến chứng không chỉ gây khó khăn tới đời sống sinh hoạt hàng ngày, mà còn làm giảm tuổi thọ và có thể cướp đi tính mạng của nhiều người mắc bệnh.

Câu hỏi: Tôi là nam giới, năm nay 45 tuổi. Tôi phát hiện bệnh tiểu đường tuýp 2 cách đây 5 tháng, hiện đường huyết lúc đói 9.0 mmol/l. Tôi đang sử dụng thuốc bác sĩ kê, chưa có biến chứng nào. Xin hỏi bệnh tiểu đường tuýp 2 có nguy hiểm không?

Điều trị tiểu đường không đúng cách có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm

Điều trị tiểu đường không đúng cách có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm

Chuyên gia trả lời:

Khi mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, đường huyết tăng cao trong một thời gian dài làm quá trình oxy hóa diễn ra mạnh mẽ, kết hợp quá trình viêm mạn tính trong cơ thể. Điều này gây hủy hoại mạch máu, khiến các mạch máu bị chít hẹp, làm giảm nuôi dưỡng tới các cơ quan, khiến các cơ quan này dễ bị tổn thương, hệ quả dẫn tới các biến chứng mạn tính. Đây là lý do vì sao biến chứng tiểu đường lại là “quy luật tất yếu” mà người bệnh khó tránh khỏi.

Các biến chứng tiểu đường thường gặp

Những biến chứng mạn tính phổ biến ở người tiểu đường tuýp 2:

  • Biến chứng trên tim (nhồi máu cơ tim)

  • Biến chứng đột quỵ não (tai biến mạch máu não)

  • Biến chứng mắt (bệnh võng mạc do tiểu đường)

  • Biến chứng thận (bệnh thận do tiểu đường)

  • Biến chứng thần kinh ngoại vi (tê bì, châm chích, nóng bỏng rát tay chân có thể dẫn tới hoại tử, đọan chi); biến chứng thần kinh tự chủ (nuốt nghẹn, nuốt khó, tiểu són tiểu dắt, đầy trướng khó tiêu...).

  • Biến chứng khác: biến chứng rối loạn cương (gặp 30 - 50% nam giới) kết hợp giữa biến chứng mạch máu và thần kinh; khô ngứa da, nhiễm nấm, vết thương chậm liền, bệnh nha chu, rụng răng, co cứng cơ khớp...

Tuy nhiên, không phải người bệnh nào cũng gặp tất cả các biến chứng tiểu đường giống nhau. Biến chứng xuất hiện sớm hay muộn, nặng hay nhẹ phụ thuộc vào việc người bệnh đó có kiểm soát được đường huyết và các bệnh mắc kèm (huyết áp cao, rối loạn mỡ máu...) hay không? Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo rằng, nếu kiểm soát tốt đường huyết lúc đói, đường huyết sau ăn và HbA1c sẽ giúp làm chậm lại quá trình phát sinh biến chứng.

Ngoài biến chứng mạn tính, người bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể gặp phải biến chứng cấp tính như hạ đường huyết hoặc nhiễm toan ceton, hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu (ít gặp).

Theo thông tin anh cung cấp, đường huyết khi đói của anh hiện tại khá cao, dù anh đã điều trị được 5 tháng. Anh cần phải rà soát lại việc dùng thuốc, chế độ ăn, tập luyện đã đúng hướng dẫn hay chưa? Nếu chưa anh cần nghiêm khắc điều chỉnh lại, đồng thời anh quay lại bệnh viện khám để bác sĩ đưa ra lời khuyên cụ thể trong việc điều trị. Mục tiêu điều trị của anh nên đưa đường huyết lúc đói dưới 7 mmol/l, nếu có kiểm tra HbA1c, thì giá trị này cần dưới 6.5 %.

Biên tập viên sức khỏe Đông Tây

Nguồn: https://www.sharecare.com/health/diabetes-complications/other-diabetes-complications-occur-diabetes

Bình luận