Cùng với sự phát triển của điều kiện kinh tế xã hội mà môi trường sống hiện nay của chúng ta cũng có nhiều thay đổi, kéo theo đó là hàng loạt bệnh lý có xu hướng gia tăng. Và trong các bệnh lý đó thì không thể không nhắc tới bệnh tiểu đường type 2. Ở nước ta, mỗi năm phát hiện mới hàng chục nghìn người mới mắc. Để điều trị bệnh hiệu quả thì vai trò của người bệnh trong việc tự giác dùng thuốc, thay đổi lối sống là hết sức quan trọng. Chính vì vậy, việc trang bị cho mình những kiến thức về bệnh là rất cần thiết, đặc biệt là đối với những người mới mắc chưa hiểu nhiều về bệnh lý nguy hiểm này.

Tiểu đường type 2 là gì và nguyên nhân gây bệnh?

Trước hết để hiểu về bệnh tiểu đường type 2 bạn cần hiểu về vai trò của insulin. Cụ thể, insulin là một hormon được sản xuất bởi tuyến tụy có tác dụng chuyển hóa carbohydrate (chất bột đường) thành đường glucose. Bên cạnh đó, insulin còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình đưa đường glucose vào trong tế bào nhằm tạo ra năng lượng cho tế bào hoạt động.

Tiểu đường type 2 là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa đặc trưng bởi tình trạng lượng đường glucose trong máu (đường huyết) tăng cao do một trong các nguyên nhân sau :

- Cơ thể không sản xuất đủ lượng Insulin cần thiết

- Các tế bào không sử dụng hiệu quả insulin mà tuyến tụy sản xuất ra

(kháng insulin)

Nhiều trường hợp người bệnh có sự kết hợp của cả hai nguyên nhân trên.

Triệu chứng tiểu đường type 2

Người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng sau :

- Mệt mỏi thường xuyên

- Đi tiểu nhiều hơn

- Thường xuyên cảm thấy đói

- Hay cảm thấy khát nước

- Giảm cân không rõ nguyên nhân

Tiểu đường type 2 chủ yếu xuất hiện ở những người trung và cao tuổi (trên 45 tuổi). Bệnh không tiến triển rầm rộ nhưng tiểu đường type 1 thường phát triển chậm qua nhiều năm. Do phát triển chậm, cơ thể có nhiều thời gian thích nghi với bệnh, nên trong nhiều trường hợp người bệnh có thể không nhận biết được các triệu chứng khiến cho bệnh diễn biến nhiều năm mà không được phát hiện.

 Mệt mỏi, sút cân, đi tiểu thường xuyên có thể là triệu chứng của tiểu đường type 2

Mệt mỏi, sút cân, đi tiểu thường xuyên có thể là triệu chứng của tiểu đường type 2

Tiểu đường type 2 có nguy hiểm không?

Sự nguy hiểm của bệnh tiểu đường đến từ các biến chứng do bệnh gây ra. Sự xuất hiện của các biến chứng tiểu đường ảnh hưởng nặng nề tới chất lượng cuộc sống và nhiều biến chứng thậm chí còn có thể kiến người bệnh tử vong. Các biến chứng thường gặp nhất của bệnh tiểu đường bao gồm :

- Biến chứng trên thận dẫn tới suy thận

- Biến chứng trên mắt làm suy giảm thị lực, một số người diễn biến nặng có thể dẫn tới mù lòa

- Biến chứng trên tim, trong đó thường gặp nhất là bệnh mạch vành với hệ quả cuối cùng là nhồi máu cơ tim. Đây là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở người bệnh tiểu đường.

- Các biến chứng về bàn chân, thực tế đã có nhiều người phải cắt bỏ chân vì biến chứng này.

- Các biến chứng khác : Biến chứng răng miệng, biến chứng trên đường tiêu hóa, biến chứng trên thể thần kinh, biến chứng cao huyết áp…vv

Bên cạnh đó thì đường huyết tăng cao hay quá mức hay bị giảm nghiêm trọng (do sử dụng thuốc điều trị tiểu đường và chế độ ăn không hợp lý) có thể gây nguy hiểm trực tiếp tới tính mạng của người bệnh nếu không được cấp cứu kịp thời.

Bệnh tiểu đường type 2 sống được bao lâu?

Thực tế, không thể có một con số chính xác cho câu hỏi này đối với một người bệnh cụ thể bởi vì tuổi thọ của người bệnh sẽ phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố như : mức độ bệnh, khả năng tuân thủ điều trị, yếu tố môi trường xã hội… Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhìn chung bệnh tiểu đường type 2 làm giảm đáng kể tuổi thọ của người bệnh tiểu đường. Theo Tổ chức Bệnh tiểu đường Anh quốc (Diabetes UK) trung bình người bệnh bị giảm khoảng 10 năm tuổi thọ so với người bình thường.

Bệnh tiểu đường type 2 và cách điều trị

Người bệnh nếu được điều trị để kiểm soát tốt đường huyết sẽ giúp giảm rất nhiều nguy cơ xuất hiện và tiến triển của các biến chứng, đồi thời kéo dài tuổi thọ. Để điều trị hiệu quả bắt buộc phải có sự kết hợp đồng thời của chế độ ăn uống, tập luyện khoa học và thuốc điều trị.

Người bệnh tiểu đường type 2 nên ăn gì?

Việc thay đổi chế độ ăn uống với người bệnh là rất quan trọng. Người bệnh được khuyến cáo ăn uống khoa học theo nguyên tắc:

- Giảm bớt các thực phẩm chứa carbohydrate (chất bột đường)

- Giảm lượng calo trong chế độ ăn (ăn với lượng vừa phải)

- Tăng cường sử dụng các thực phẩm giàu chất xơ

- Sử dụng các nguồn chất béo và chất đạm lành mạnh

- Sử dụng các loại thực phẩm sạch không chứa chất phụ gia, chất bảo quản

Người bệnh tiểu đường type 2 nên thực hiện các hoạt động thể chất như thế nào?

Người bệnh có thể lựa chọn bất kỳ hình thức vận động yêu thích nào như làm vườn, tập thể dục, chơi thể thao, tập yoga… Tuy nhiên điều quan trọng nhất là cần duy trì đều đặn mỗi ngày.

Bệnh tiểu đường type 2 uống thuốc gì ?

Tất cả các loại thuốc đều cần có sự chỉ định và cân nhắc, điều chỉnh liều lượng bởi bác sỹ. Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo đúng chỉ định về liều lượng và thời gian sử dụng, tuyệt đối không tự mua thuốc điều trị bởi vì điều này có thể dẫn tới nguy hiểm cho chính người bệnh.

 Lối sống lành mạnh giúp điều trị và phòng ngừa bệnh tiểu đường type 2

Lối sống lành mạnh giúp điều trị và phòng ngừa bệnh tiểu đường type 2

Bệnh tiểu đường type 2 có di truyền không ?

Tiểu đường type 2 là bệnh lý có yếu tố di truyền. Điều đó không có nghĩa là nếu cha mẹ hay anh chị em ruột… của bạn mắc tiểu đường thì chắc chắn bạn sẽ mắc mà chỉ là trong trường hợp đó bạn sẽ có nguy cơ cao hơn những người khác. Nếu bạn có người thân mắc bệnh tiểu đường thì việc thực hiện một lối sống khoa học ngay từ hôm nay sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ phát triển bệnh trong tương lai.

Biên tập viên sức khỏe Đông Tây

Nguồn:

https://patient.info/health/type-2-diabetes

https://www.diabetes.co.uk/type2-diabetes.html

https://www.everydayhealth.com/type-2-diabetes/symptoms/dangers-of-diabetes/

Bình luận