Thuốc Amlor được sử dụng rất phổ biến trong điều trị tăng huyết áp và nhiều bệnh lý tim mạch khác. Người bệnh có thể phải gắn bó với Amlor trong một thời gian điều trị rất dài, do đó việc nắm rõ những thông tin của thuốc sẽ giúp bạn sử dụng một cách an toàn và hiệu quả hơn.

Hiểu rõ về thuốc cao huyết áp Amlor sẽ giúp bạn tăng hiệu quả điều trị

Hiểu rõ về thuốc cao huyết áp Amlor sẽ giúp bạn tăng hiệu quả điều trị

Amlor là thuốc gì? 

Amlor (Amlodipine) là thuốc chẹn kênh canxi có tác dụng làm giãn mạch, giảm sức cản của mạch máu, hạ huyết áp. Thuốc thường được chỉ định để điều trị tăng huyết áp, ngăn ngừa/giảm tần suất của các cơn đau thắt ngực. Ngoài ra, thuốc còn được sử dụng để ngăn ngừa đột quỵ, đau tim (nhồi máu cơ tim), giảm các biến chứng của bệnh mạch vành, hạn chế nguy cơ phải nhập viện. 

Thuốc Amlor được sử dụng cho người lớn và trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Hiện nay Amlor chỉ có một mức liều duy nhất là Amlor 5mg và được bán dưới dạng viên nang (Cap) hoặc viên nén (Tab).

Giá thuốc Amlor trên thị trường là 260.000 - 280.000 đồng cho một hộp 30 viên. Giá bán này có thể dao động tùy thuộc vào từng cửa hàng. Bạn có thể mua thuốc tại các hiệu thuốc Tây trên toàn quốc nếu có đơn kê của bác sĩ.

Liều dùng và cách dùng của Amlor

Amlor 5mg là một thuốc kê đơn, do đó liều dùng của nó cũng sẽ do bác sĩ quyết định. Liều dùng và cách dùng dưới đây chỉ mang tính tham khảo. Bạn không được tự ý sử dụng Amlor mà không thông qua ý kiến của chuyên gia y tế. 

Liều dùng

Liều dùng Amlor sẽ tùy thuộc vào độ tuổi của đối tượng sử dụng:

  • Liều dùng cho trẻ em từ 6-17 tuổi: liều điều trị tăng huyết áp là 2.5 - 5 mg 1 lần/ngày. Tương đương với ½ - 1 viên Amlor/ ngày.
  • Liều dùng cho người già trên 65 tuổi: Liều điều trị tăng huyết áp là 2.5 - 10 mg 1 lần/ngày tương đương với ½ - 2 viên Amlor/ngày. Liều điều trị đau thắt ngực là 5 - 10 mg 1 lần/ngày tương đương với 1-2 viên Amlor/ngày
  • Liều dùng cho người lớn 17-65 tuổi: Liều điều trị tăng huyết áp, đau thắt ngực và biến chứng bệnh mạch vành đều là 5 - 10 mg 1 lần/ngày tương đương với 1-2 viên Amlor/ngày.

Bạn nên dùng thuốc theo liều được chỉ định. Nếu muốn thay đổi liều cần bàn bạc trước với bác sĩ.

Bạn cần dùng thuốc hạ huyết áp Amlor 5mg theo đúng liều bác sĩ chỉ định

Bạn cần dùng thuốc hạ huyết áp Amlor 5mg theo đúng liều bác sĩ chỉ định

Cách dùng

Bạn có thể dùng Amlor trước hay sau ăn đều được. Tuy nhiên, bạn nên sử dụng thuốc vào cùng một thời điểm trong ngày, tốt nhất nên uống vào buổi tối để nồng độ thuốc ổn định và tránh quên thuốc.

Trong quá trình dùng thuốc, nếu vô tình quên uống hoặc uống quá liều, bạn hãy xử trí như sau:

  • Trường hợp quá liều: Bạn hãy theo dõi kỹ phản ứng của cơ thể. Nếu xuất hiện các triệu chứng: nhịp tim nhanh, hạ huyết áp trầm trọng, cảm giác đỏ hoặc nóng ở cánh tay hoặc chân, choáng váng, chóng mặt, ngất xỉu, cần đến bệnh viện ngay lập tức.
  • Trường hợp quên liều: Hãy dùng ngay liều tương tự khi nhớ ra. Nếu thời gian phát hiện cách liều trước đó 12h, thì bỏ qua liều đã quên và dùng tiếp tục liều kế tiếp. Không được dùng 2 liều liên tiếp nhau, sẽ dẫn đến những phản ứng nguy hiểm cho cơ thể. 

Tác dụng hạ huyết áp của Amlor thường thể hiện từ từ. Bạn không nên tự ngưng thuốc. Nếu thấy huyết áp hay các triệu chứng của mình chưa cải thiện như mong muốn, hãy gọi cho cho chuyên gia theo số 0981.238.219 để được tư vấn. 

Tác dụng phụ của thuốc huyết áp Amlor

Các phản ứng phụ có thể xảy ra khi dùng Amlor mà bạn cần lưu ý bao gồm: 

Tác dụng phụ thường gặp

  • Đau đầu
  • Chóng mặt, choáng váng
  • Mệt mỏi
  • Đỏ bừng mặt
  • Đau bụng
  • Tim đập nhanh, đánh trống ngực
  • Phù chân, phù mắt cá chân

Đây là các tác dụng phụ hay gặp của Amlor (Amlodipin), đa phần sẽ biến mất trong vài ngày hoặc vài tuần. Nếu nhận thấy các triệu chứng này không biến mất hoặc nghiêm trọng hơn, hãy nói với bác sĩ để được điều chỉnh phù hợp. 

Tác dụng phụ hiếm gặp

  • Đau dạ dày dữ dội, có thể kèm hoặc không kèm đi tiêu ra máu, buồn nôn và nôn. Đây có thể là dấu hiệu của viêm tụy
  • Da vàng, lòng trắng của mắt chuyển sang màu vàng. Đây có thể là dấu hiệu của các vấn đề về gan. 
  • Cơn đau ngực trở nên nặng hơn, toát mồ hôi lạnh, khó thở. Đây có thể là dấu hiệu của cơn đau tim. 

Các tác dụng phụ hiếm gặp kể trên là những tác dụng nguy hiểm, bạn nên đến bệnh viện ngay để được xử trí đúng cách. 

Vàng da là một trong những tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc hạ áp Amlor

Vàng da là một trong những tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc hạ áp Amlor

Những lưu ý cần nhớ khi sử dụng Amlor

Người bệnh tăng huyết áp phải sử dụng Amlor 5mg trong một thời gian dài. Do đó họ thường băn khoăn làm thế nào để có thể sử dụng thuốc đạt hiệu quả cao nhất và an toàn nhất. Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp Amlor. 

Các đối tượng cần thận trọng khi dùng Amlor

Một số đối tượng cần thận trọng khi sử dụng Amlor. Các đối tượng đó bao gồm:

  • Suy tim sau nhồi máu cơ tim cấp hoặc suy tim chưa được điều trị ổn định.
  • Người bị suy gan
  • Bệnh nhân suy thận
  • Phụ nữ có thai hoặc cho con bú

Nếu bạn nằm trong các đối tượng này, hãy theo dõi kỹ sức khỏe và thường xuyên trao đổi với bác sĩ hơn.

Chế độ ăn, lối sống khi sử dụng Amlor

Amlor chỉ là một phần của quá trình điều trị tăng huyết áp. Bạn nên kết hợp thêm với việc điều chỉnh chế độ ăn theo hướng có lợi cho tim mạch, tập thể dục thường xuyên, kiểm soát cân nặng và sử dụng thêm các sản phẩm hỗ trợ tim mạch. 

Chế độ ăn uống

  • Nên xây dựng một chế độ ăn ít muối, ít natri
  • Bổ sung rau củ và trái cây tươi trong bữa ăn
  • Hạn chế thức ăn nhanh, thức ăn cay nóng và nhiều dầu mỡ
  • Không nên uống rượu bia và các đồ uống có cồn khác

Lối sống

  • Tập thể dục đều đặn, ít nhất 150 phút/ tuần. Lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga. 
  • Bỏ thuốc lá, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng.
  • Bảo quản thuốc trong lọ kín, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp và để xa tầm tay trẻ em

Để giảm nguy cơ “nhờn thuốc” và bảo vệ gan thận, nhiều người bệnh đã lựa chọn sử dụng thêm thảo dược. Các thảo dược như Đan sâm, Hoàng đằng, Tam thất… đã được chứng minh có tác dụng giúp giảm huyết áp, cải thiện đau thắt ngực và ngăn ngừa nhồi máu cơ tim, suy tim. Tuy nhiên khi lựa chọn các sản phẩm chứa các thảo dược này, bạn nên chọn sản phẩm có nguồn gốc uy tín, tốt nhất là có bệnh viện kiểm chứng hiệu quả.

Kết hợp sản phẩm thảo dược được kiểm chứng sẽ giúp người bệnh hạ huyết áp, giảm đau ngực tốt hơn

Kết hợp sản phẩm thảo dược được kiểm chứng sẽ giúp người bệnh hạ huyết áp, giảm đau ngực tốt hơn

Tránh dùng chung Amlor với những thuốc nào?

Một số thuốc có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng của thuốc Amlor trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị và có nguy cơ làm tăng các tác dụng phụ của Amlor. Vì thế hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn có sử dụng một trong những thuốc sau:

  • Thuốc kháng nấm: ketoconazole, Itraconazole
  • Kháng sinh: Erythromycin, Clarithromycin
  • Chẹn kênh canxi: Verapamil, Diltiazem
  • Vitamin tổng hợp
  • Thuốc điều trị cholesterol máu: Simvastatin, Atorvastatin
  • Thuốc trị cương dương: Sildenafil, Tadalafil
  • Thuốc chống động kinh: Carbamazepine, Phenytoin, Primidone

Cách làm giảm nhẹ tác dụng phụ của thuốc Amlor

Biết cách xử trí khi gặp tác dụng phụ của Amlor 5mg sẽ giúp bạn hạn chế sự nguy hại mà các tác dụng phụ đó gây ra. Cụ thể như sau:

  • Nhức đầu: Nghỉ ngơi và uống thêm nước là biện pháp đơn giản nhất giúp bạn cải thiện triệu chứng này. Bên cạnh đó, bạn có thể dùng thêm thuốc giảm đau nếu cần. 
  • Chóng mặt, choáng váng: Khi cảm thấy bị chóng mặt, choáng váng hãy tạm ngưng công việc và ngồi xuống nghỉ ngơi cho đến khi bạn cảm thấy tốt hơn. Để hạn chế tình trạng này, bạn nên đứng dậy từ từ khi đang ở tư thế ngồi hoặc nằm.
  • Cảm giác bốc hỏa: Hãy thử cắt giảm trà, cà phê và rượu, đây có thể là nguyên nhân làm nặng thêm tác dụng phụ của Amlor. Ngoài ra, bạn có thể hạ nhiệt độ trong phòng bằng cách sử dụng quạt hoặc điều hòa; vỗ nước mát lên mặt, lau mặt bằng khăn mát cho đến khi bạn cảm thấy đỡ hơn. 
  • Dị ứng (phát ban, ngứa, sưng đau): Ngưng sử dụng thuốc và báo ngay cho bác sĩ để được điều chỉnh thay thế thuốc. 
  • Sưng, phù ở bàn tay, bàn chân, mắt cá hoặc cẳng chân: Để hạn chế tình trạng này bạn nên dùng thuốc vào buổi tối, nâng cao chân khi ngồi và khi ngủ. 

Kê cao chân khi ngủ là cách giảm phù tốt nhất khi dùng thuốc Amlor 5mg

Kê cao chân khi ngủ là cách giảm phù tốt nhất khi dùng thuốc Amlor 5mg

Giải đáp một số câu hỏi thường gặp về Amlor

Dưới đây là giải đáp cho một số câu hỏi mà người bệnh thường thắc mắc khi sử dụng thuốc hạ áp Amlor.

Thuốc Amlor có dùng được cho phụ nữ có thai và phụ nữ cho con bú không?

Đa phần phụ nữ có thai sẽ không được dùng Amlor 5mg và các thuốc chứa Amlodipin khác. Bởi chưa có nhiều bằng chứng chứng minh độ an toàn của Amlor trên thai phụ và thai nhi.

Với phụ nữ cho con bú, lượng Amlor bài tiết theo đường sữa mẹ là khá ít, do đó mẹ sử dụng Amlor có thể không cần phải ngừng cho con bú. Tuy nhiên, việc sử dụng Amlor trên phụ nữ cho con bú cần được sự cho phép của bác sĩ với liều lượng phù hợp.

Thuốc huyết áp Amlor có gây ảnh hưởng đến việc lái xe không?

Amlor có thể gây ảnh hưởng nhỏ đến khả năng lái xe của bạn, đặc biệt là khi mới bắt đầu sử dụng. Vì vậy, trong thời gian đầu sử dụng thuốc, bạn cần thận trọng khi vận hành máy móc nguy hiểm và tránh tự lái xe một mình để giảm thiểu rủi ro. 

Tôi phải dùng thuốc cao huyết áp Amlor trong bao lâu?

Đối với người bệnh cao huyết áp, họ có thể phải sử dụng Amlor suốt phần đời còn lại, trừ khi họ gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc không còn đáp ứng với thuốc. 

Thuốc Amlor có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản không?

Chưa có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy thuốc hạ áp Amlor gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam hay nữ giới. Do đó bạn có thể yên tâm sử dụng.

Hy vọng với những thông tin mà bài viết cung cấp, bạn có thể nắm được cách sử dụng thuốc huyết áp Amlor 5mg một cách an toàn và hiệu quả. Nếu cần thêm thông tin về Amlor hay bất kỳ thuốc điều trị bệnh lý tim mạch nào khác, bạn hãy liên hệ với các chuyên gia của chúng tôi theo số 0981.238.219 để được giải đáp.

ITK-219.png

Tài liệu tham khảo: drugs.com, medicines.org.uk, reference.medscape.com, nhs.uk

BTV Lan Anh

Ích Tâm Khang –  Hỗ trợ giảm khó thở, hồi hộp, xơ vữa mạch vành ở người bệnh tim mạch, suy tim

Bình luận