Tôi bị bệnh tiểu đường tuýp 2 đã 16 năm nay, đang chích insulin sáng và tối. Tháng trước kiểm tra tại bệnh viện đường huyết 14 mmol/l nhưng HbA1c chỉ có 7%. Xin hỏi sao lại chênh lệch nhiều như vậy? Tôi hơi béo bụng, có mỡ máu, gan nhiễm mỡ thì nên ăn gì?

Chào bạn,

Chúng tôi gửi bạn câu trả lời của bác sĩ Thúy Hằng - Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội:

Trong cơ thể có một số chỉ số không ổn định. Ví dụ như nhịp tim, khi lo lắng, hồi hộp thì nhịp tim sẽ tăng và đường huyết cũng vậy. Đường huyết là giá trị nhất thời tại thời điểm đo, có thể lên đến 14 mmol/l là do hôm trước người bệnh mất ngủ, hoặc ăn nhiều hơn vào bữa chiều hôm trước, hoặc ăn muộn vào buổi tối… Nhưng chỉ số đường huyết tại thời điểm đó không có nhiều tin cậy, bạn nên kiểm tra chỉ số HbA1c, tức là đường glucose được gắn với hemoglobin hồng cầu liên tục trong 3 tháng. Do đó, giá trị HbA1c sẽ cho biết quá khứ của việc kiểm soát đường huyết trong 3 tháng trước của bạn. Và với sự chênh lệch như thế này thì không đáng lo ngại lắm bởi chỉ số HbA1c của bạn vẫn ổn.

Bạn có béo bụng, kèm theo tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, gan nhiễm mỡ. Vì vậy trong khẩu phần ăn phải ăn nhạt hơn một chút; ăn giảm gan, trứng, mỡ, phủ tạng động vật, da gà và phải tăng cường luyện tập thể dục. Tập thể dục để giúp làm giảm bớt mỡ ở vùng bụng. Các nước châu Á thể trạng không cao lớn như các nước châu Âu nhưng mỡ tạng lại rất nhiều. Đây là đặc trưng của người châu Á và cũng là nguyên nhân gây đề kháng insullin. Kháng insulin gây nhiều khó khăn trong điều trị và người bệnh có thể phải tăng liều thuốc liên tục. Nếu như tình trạng sức khỏe cho phép, bạn nên chơi một môn thể thao mà mình yêu thích. Có thể môn thể thao đối kháng như cầu lông, bóng bàn hoặc đi bộ, tập Yoga hoặc các bài tập dưỡng sinh.

Bình luận