Đường huyết 8 mmol/l và HbA1c 8.3% bị đái tháo đường tuýp 2 chưa?
Chào bạn,
Việc xác định mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 hay không, ngoài việc kiểm tra đường huyết, còn cần dựa vào độ tuổi mắc bệnh, triệu chứng mà bạn đang gặp phải.
Hiện nay chúng tôi thấy rằng bạn đang nhầm lẫn giữa đái tháo đường tuýp 2 và đái tháo đường không phụ thuộc insulin là 2 bệnh khác nhau. Nhưng thực tế, đó đều chỉ chung cho 1 loại bệnh, chỉ là cách nói khác nhau. Ví dụ đái tháo đường tuýp 1 chính là đái tháo đường phụ thuộc insulin.
Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Tiêu chí chẩn đoán bệnh đái tháo đường tuýp 2
Bệnh đái tháo đường được chẩn đoán khi có 1 trong 4 tiêu chí sau đây phù hợp:
1. Đường huyết lúc đói: ≥ 126 mg/dL (hay 7 mmol/L).
2. Đường huyết đo sau 2 giờ uống 75 gam đường glucose: ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L).
3. HbA1c ≥ 6,5%
4. Đường huyết ở thời điểm bất kỳ ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L) + có triệu chứng tăng đường huyết (ăn nhiều, uống nhiều, sụt cân nhanh, tiểu nhiều).
Đối chiếu với chỉ số đường huyết và HbA1c bạn cung cấp thì bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường. Để xác định cụ thể là bạn bị đái tháo đường tuýp 1 hay tuýp 2 thì chúng tôi không khẳng định được. Bởi chúng tôi cần biết độ tuổi, cân nặng và một số chỉ số khác. Tuy nhiên, có một số tiêu chí mà bạn có thể đối chiếu như sau:
- Đái tháo đường tuýp 1: Thường xuất hiện ở trẻ em + tuổi vị thành niên. Dấu hiệu tăng đường huyết xuất hiện đột ngột và trầm trọng. Bác sĩ khi khám sẽ kết luận là đái tháo đường tuýp 1 hoặc đái tháo đường phụ thuộc insulin và đơn thuốc dùng là insulin chỉ định tiêm suốt đời.
- Đái tháo đường tuýp 2: Thường xuất hiện ở người trưởng thành, có thể từ 25 tuổi trở lên đã mắc bệnh. Đường huyết tăng chậm, ít triệu chứng, hoặc triệu chứng không rõ ràng. Thường là do tình cờ đi kiểm tra thì phát hiện bệnh. Hoặc khi phát hiện bệnh đã đến giai đoạn nặng, đường huyết đã tăng cao trong thời gian dài. Kết quả ghi trong phiếu khám là đái tháo đường tuýp 2 hoặc đái tháo đường không phụ thuộc insulin (chữa đái tháo đường thường được viết tắt là ĐTĐ, tuýp có thể ghi là tip hoặc type tùy bệnh viện).
Lời khuyên giúp bạn giảm và ổn định đường huyết
Bỏ qua việc bạn bị đái tháo đường loại nào, hiện chúng tôi nhận thấy chỉ số đường huyết và HbA1c của bạn đều rất cao. Điều này về lâu dài sẽ rất nguy hiểm, bởi bạn sẽ có nguy cơ xuất hiện nhiều biến chứng. Vì vậy để giúp bạn kiểm soát đường huyết, chúng tôi khuyên bạn nên làm sớm 5 điều này:
- Điều chỉnh chế độ ăn: ăn giảm lượng cơm, bún, phiến, phở... trong mỗi bữa, ăn tăng rau xanh, giảm đồ ngọt và chia nhỏ bữa ăn trong ngày. Cụ thể bạn đọc thêm trong bài viết: Chế độ ăn cho người tiểu đường tuýp 2
- Tăng cường tập luyện 30 phút mỗi ngày để giúp giảm đường huyết, tăng sử dụng đường tại gan và cơ.
- Dùng thuốc đều đặn theo khuyến cáo của bác sĩ.
- Giảm căng thẳng, stress bằng cách nghe nhạc, tập thiền, yoga hoặc tập hít sâu, thở chậm.
Chúc bạn nhiều sức khỏe!
Bình luận