Em mới mang thai và rất lo mình bị tiểu đường thai kỳ. Nguyên nhân gây ra bệnh này là gì ạ? Có cách nào giúp em không bị tiểu đường thai kỳ không?

Chào bạn

Tiểu đường thai kỳ được định nghĩa là tình trạng lượng đường trong máu cao xảy ra trong thời gian mang thai. Khoảng 3 – 5 % thai phụ sẽ mắc bệnh này. Và bạn có thể bị tiểu đường thai kỳ ngay cả khi trước đó bạn không có vấn đề gì với đường huyết.

Nguyên nhân gây tiểu đường thai kỳ

Trong khi mang thai, nhau thai - cơ quan cung cấp dinh dưỡng và oxy cho bé – sẽ giải phóng các nội tiết tố giúp bé phát triển. Một số trong số các hormon này ảnh hưởng đến khả năng hoạt động insulin (hay còn gọi là kháng insulin).

Để giữ cho lượng đường trong máu ổn định, tuyến tụy của bạn phải tạo ra nhiều insulin hơn gấp 3 lần bình thường. Nếu lượng insulin tiết ra không đủ, đường huyết sẽ tăng lên và bạn sẽ bị tiểu đường thai kỳ.

Ai có nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ?

Bạn sẽ dễ mắc tiểu đường thai kỳ nếu:

- Thừa cân trước khi bạn có thai.

- Tăng cân rất nhanh trong thời gian mang thai.

- Có cha mẹ hoặc anh chị em mắc tiểu đường tuýp 2.

- Có tiền sử mắc tiền tiểu đường hay tiểu đường thai kỳ trước đó.

- Đã bị tiểu đường thai kỳ trong thai kỳ vừa qua

- Trên 25 tuổi

- Sinh một em bé nặng hơn 4 kg

- Từng sinh non.

- Bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).

Cách phòng ngừa tiểu đường thai kỳ

Rất khó xác định chắc chắn bạn có bị tiểu đường thai kỳ trong tương lai hay không. Tuy nhiên có một số giải pháp phòng ngừa sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh của mình.

- Ăn uống lành mạnh: Nguyên tắc chung trong ăn uống là hãy hạn chế đồ ngọt và theo dõi lượng thức ăn giàu carbohydrate (cơm, bún, miến, phở, bánh mì trắng…) bạn ăn. Bổ sung thêm chất xơ từ rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt cũng giúp bạn giảm nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ.

- Vận động thường xuyên: Đi bộ hay tập yoga hàng ngày rất có lợi cho phụ nữ mang thai. Bạn không cần quá gắng sức, nhưng nên kiên trì tập đều đặn.

- Ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng stress.

Tiểu đường thai kỳ thường bắt đầu vào đầu tam cá nguyệt thứ ba. Do đó khoảng từ tuần 24 – 28, bạn nên tới bệnh viện kiểm tra đường huyết. Nếu bạn vô tình bị tiểu đường thai kỳ, đừng lo lắng. Khi bạn kiểm soát được lượng đường trong máu, bé sẽ ít có khả năng mắc bệnh tiểu đường hơn, được sinh ra với trọng lượng khỏe mạnh và ít nguy cơ mắc có các vấn đề về sức khỏe khác. Bạn chỉ cần trao đổi kỹ với bác sĩ về chế độ ăn, chế độ tập luyện phù hợp với mức đường huyết của bạn và thực hiện đúng.

Chúc bạn và bé luôn mạnh khỏe!

Bình luận