HbA1c 9.5%, đường huyết 15.9mmol/l là bệnh tiểu đường tuýp mấy?
Chào bạn,
Đường huyết của bạn hiện đang rất cao, cần giảm xuống để tránh nguy cơ nhiễm toan máu. Với kết quả đo như vậy, cộng thêm số tuổi của bạn hiện là 41 thì khả năng cao là bệnh tiểu đường tuýp 2 ( đái tháo đường không phụ thuộc insulin).
Tiểu đường tuýp 2 có nghĩa là gì?
Trong tổng số người mắc bệnh tiểu đường, 90 - 95% là người tiểu đường tuýp 2. Bệnh có một số điểm đặc trưng như thường xuất hiện ở người lớn tuổi (trên 40), tỷ lệ cao hơn so với tuổi thanh thiếu niên; mức đường huyết tăng cao âm thầm, khi phát hiện thường chỉ số đường máu lúc đói, HbA1c tăng cao; tỷ lệ mắc bệnh cao hơn với người dư cân, béo phì, dân văn phòng ít vận động, người thường xuyên bị căng thẳng, stress…
Tiểu đường tuýp 2 xảy ra do tuyến tụy giảm khả năng sản xuất insulin hoặc insulin làm việc không tốt hoặc là kết hợp cả 2. Insulin là hormon do tuyến tụy sản xuất chức năng là đưa đường từ máu vào tế bào để tạo ra năng lượng cho cơ thể sử dụng. Khi thiếu insulin hoặc insulin không hoạt động, đường sẽ bị “ứ” lại trong máu, dẫn tới tình trạng tăng đường huyết.
Cách hạ và ổn định đường huyết hiệu quả
Sau khi đã xác định bệnh tiểu đường, các bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn cách thức điều trị để giúp hạ đường huyết, sau đó là ổn định chỉ số này để giảm thiểu nguy cơ biến chứng trên các cơ quan khác của cơ thể.
Nếu bác sĩ đang kê đơn thuốc thì bắt buộc bạn phải tuân thủ dùng đúng, đủ liều và tái khám sức khỏe định kỳ. Bên cạnh dùng thuốc, chế độ ăn cũng rất quan trọng. Bạn có thể áp dụng thêm các mẹo sau để đường huyết giảm nhanh hơn:
- Ăn rau xanh vào đầu bữa ăn.
- Ăn đúng giờ, ăn chậm.
- Chia 3 bữa chính thành 5 bữa nhỏ. Bữa phụ có thể uống sữa ít đường hoặc ăn trái cây.
- Tập thể dục 30 phút mỗi ngày.
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi tới bạn, nếu có thêm bất kỳ thắc mắc hoặc băn khoăn nào, bạn có thể tiếp tục liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ.
Chúc bạn nhiều sức khỏe!
Bình luận