Cách chăm sóc trẻ F0 tại nhà [Bác sĩ BV Việt Pháp hướng dẫn]
Trong bài viết này, Bs CKII.Nguyễn Thị Kim Anh - Khoa Nhi và Nhi sơ sinh, Bệnh viện Việt Pháp sẽ giúp các bậc phụ huynh biết cách chăm sóc trẻ F0 tại nhà và xử trí đúng khi trẻ bị các triệu chứng sốt, ho, sổ mũi, tiêu chảy…
Phụ huynh cần biết cách chăm sóc trẻ F0 tại nhà “đúng”
Thiết bị y tế và thuốc cần thiết cho trẻ bị F0 tại nhà
Trang thiết bị: Khẩu trang, nước sát khuẩn (hoặc xà phòng), nhiệt kế, máy đo Sp02.
Thuốc điều trị cho trẻ bị F0:
- Thuốc hạ sốt Paracetamol cả dạng sủi, bột pha uống và dạng đặt hậu môn để tủ lạnh
- Siro ho thảo dược hoặc kẹo ngậm giảm ho
- Oresol dạng gói bột pha
- Vitamin C, kẽm, men vi sinh
- Nước muối sinh lý và dụng cụ hút mũi
Lưu ý: Phụ huynh không được tự ý mua hay dùng các loại thuốc sau nếu không có chỉ định của bác sĩ: Thuốc kháng virus, thuốc kháng sinh, thuốc chống đông, thuốc tiêu chảy, thuốc giảm nôn, thuốc giảm ho, thuốc loãng đờm, thuốc kháng histamin hay thuốc hạ sốt ibuprofen
Hướng dẫn chi tiết cách chăm sóc trẻ F0 tại nhà
Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách chăm sóc trẻ F0 tại nhà của BS Kim Anh từ cách test, cách vệ sinh mũi họng đến cách theo dõi trẻ.
Cách test nhanh tại nhà
Các bố mẹ chỉ nên test khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ như sốt và lần 2 là 5-7 ngày kể từ ngày bắt đầu sốt. Việc test quá nhiều vừa tốn kém vừa không giúp trẻ nhanh khỏi bệnh hơn.
Cách vệ sinh mũi họng cho trẻ
Hàng ngày, mỗi 2 - 4 tiếng/lần, phụ huynh nên nhỏ hoặc xịt mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý, nước muối biển, sau đó hút sạch bằng dụng cụ hoặc hướng dẫn trẻ xì mũi.
Lưu ý, phụ huynh không tự pha nước muối để rửa mũi họng cho trẻ, không tự bơm rửa mũi tại nhà. Bởi pha nước muối tại nhà sai nồng độ hoặc rửa mũi sai cách có thể gây hại cho niêm mạc mũi của trẻ.
Cách theo dõi nhịp thở của bé
Theo BS Kim Anh, việc theo dõi nhịp thở là điều mà phụ huynh bắt buộc phải làm để sớm phát hiện dấu hiệu trẻ chuyển nặng. Cách đếm nhịp thở như sau:
- Để trẻ nằm trên giường hoặc bế ngang trên tay, chú ý thực hiện đếm khi trẻ nằm ngủ hoặc nằm ngoan không quấy khóc, không sốt cao
- Kéo nhẹ áo để hở bụng trẻ
- Đặt đồng hồ hoặc điện thoại bấm giờ 1 phút bên cạnh
- Mắt vừa nhìn đồng hồ vừa nhìn chuyển động bụng của trẻ, tính 1 nhịp = 1 lần bụng di chuyển lên xuống
- Đếm trong 1 phút và có thể thực hiện 2-3 lần
Trẻ được đánh giá là thở nhanh (thở gấp) khi:
- Trẻ < 2 tháng: > 60 nhịp/ phút
- Trẻ từ 2 tháng - 1 tuổi: > 50 nhịp/ phút
- Trẻ từ 1 - 5 tuổi: > 40 nhịp/ phút
- Trẻ > 5 tuổi: > 30 nhịp/ phút
Hướng dẫn xử trí khi trẻ có triệu chứng
Trường hợp thứ nhất: Trẻ sốt
Khi trẻ có dấu hiệu khóc, quấy, mệt mỏi, không chịu ăn…, bố mẹ hãy kiểm tra nhiệt độ trẻ bằng cách sờ tay vào khoang nách và phần ngực, bụng, lưng để cảm nhận. Nếu thấy ấm ấm thì cần cặp nhiệt độ ngay xem bé có sốt không, không nên đợi bé sốt nóng mới đo nhiệt độ.
Nếu bé sốt dưới 38.5 độ C: Chườm ấm cho bé bằng khăn cotton ấm, vắt kiệt nước hoặc các dụng cụ chườm ấm. Bố mẹ nên lau rộng cho bé ở các vị trí trán, nách, bẹn thay vì chỉ đắp cố định. Lau rộng sẽ giúp lỗ chân lông giãn ra và tỏa nhiệt tốt hơn.
Chườm ấm ngay từ khi trẻ sốt dưới 38.5 độ C
Nếu bé sốt trên 38.5 độ C: Hạ sốt với Paracetamol, liều 10-15mg/kg/lần, cách 4-6 tiếng/ lần nếu sốt lại. Lưu ý, bố mẹ không dùng quá 4000mg/ ngày (với trẻ lớn, thừa cân, béo phì) và 60mg/kg/ngày (với trẻ nhỏ).
- Trường hợp trẻ có tiền sử co giật thì dùng hạ sốt từ khi trẻ 38 độ
- Nới lỏng quần áo, mặc đồ mỏng nhẹ, dễ thấm mồ hôi
- Lau (chườm) nách, bẹn với nước ấm
- Uống nhiều nước (nước hoa quả, sữa, nước canh), bổ sung điện giải
Trường hợp thứ 2: Trẻ ho, đau họng
- Ưu tiên uống siro thảo dược hoặc ngậm kẹo, uống nước ấm pha mật ong với gừng
- Uống nhiều nước ấm, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý ấm
- Không dùng mật ong hay thuốc chứa codein để giảm ho cho trẻ dưới 12 tháng tuổi
Trường hợp thứ 3: Trẻ chảy mũi, ngạt mũi
- Xịt mũi, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý
- Hút mũi sau khi nhỏ hoặc xịt mũi, tránh bơm rửa mũi ở trẻ nhỏ
- Tránh làm dụng xông hơi, xông thảo dược hay xông tinh dầu, đặc biệt không đánh cảm, cạo gió cho trẻ dưới 2 tuổi
Trường hợp thứ 4: Trẻ nôn, tiêu chảy và ăn kém
- Bổ sung oresol theo đúng hướng dẫn, uống từng thìa hoặc chén nhỏ, liên tục, rải đều trong ngày. Dung dịch oresol đã pha chỉ dùng trong ngày, không nên dùng loại đóng chai pha sẵn
- Bổ sung kẽm: Trẻ dưới 12 tháng: 5 mg kẽm/ngày. Trẻ từ 12 tháng: 10 mg kẽm/ngày
- Có thể bổ sung men vi sinh
- Tiếp tục cho trẻ bú mẹ và ăn uống bình thường, chia thành nhiều cữ hoặc bữa nhỏ
- Ưu tiên đồ ăn lỏng, nguội, mát
Cần kiên nhẫn khi trẻ rối loạn tiêu hóa do COVID-19
Các dấu hiệu trẻ trở nặng cần gọi bác sĩ
Dưới đây là các trường hợp trẻ trở nặng cần báo bác sĩ hoặc nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện:
- Trẻ uống hạ sốt nhưng vẫn sốt cao trên 39 độ không hạ, sốt kéo dài trên 5 ngày
- Ho và đau rát họng ngày càng nặng với mức độ tăng dần
- Trẻ có dấu hiệu mất nước: ăn uống rất kém, bỏ ăn bỏ bú, người li bì, hôn mê, tiểu ít hoặc giảm số lần thay bỉm, môi miệng khô, mắt trũng…
- Trẻ phát ban, nổi mẩn
- Trẻ thở nhanh, đau ngực, rút lõm lồng ngực hoặc phập phồng cánh mũi, thở rên, môi tím tái, tím đầu ngón tay chân, chân tay lạnh và nổi vân tím, nhịp tim nhanh, Sp02<94%
Trên đây là toàn bộ thông tin được Bác sĩ Kim Anh chia sẻ trong buổi giao lưu cùng cộng đồng nhà thuốc. Hy vọng có thể giúp các bậc phụ huynh dễ dàng chăm sóc trẻ F0 tại nhà khi chẳng may trẻ nhiễm COVID-19.
Tham khảo tư vấn của BS Kim Anh - BV Việt Pháp
Bình luận