PGS. TS Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ước tính mỗi năm nước ta có khoảng 300.000 ca đột quỵ. Đáng chú ý là đột quỵ não đang có xu hướng gia tăng ở nhóm người trong độ tuổi lao động.

benhnhandotquy

Cấp cứu cho bệnh nhân đột quỵ

Theo thống kê y tế, trong những năm gần đây, tỷ lệ người bị tai biến mạch máu não ở VN luôn thuộc dạng cao so với các quốc gia trong khu vực. Riêng tại BV Bạch Mai (Hà Nội), hàng năm BV tiếp nhận khoảng 3.000-4.000 bệnh nhân đến cấp cứu, điều trị liên quan đến đột quỵ.

Đáng lưu ý là số ca mắc không ngừng tăng, đặc biệt là đột quỵ não ở nhóm người trong độ tuổi lao động trong khi trước đây bệnh thường xuất hiện ở nhóm người cao tuổi. Đây chính là gánh nặng y tế gây tử vong, tàn tật, suy giảm lực lượng lao động cho cả quốc gia.

Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân và nâng cao kỹ thuật điều trị đột quỵ tại các tuyến, PGS. TS Nguyễn Thị Xuyên cho biết, Bộ Y tế hiện đang đề xuất xây dựng một số Trung tâm đột quỵ tại tuyến T.Ư, sau đó mở rộng ra các tuyến tỉnh.

Được biết, trong những năm qua, đã có khoảng 8.000 lượt bác sĩ thuộc các địa phương trên cả nước được tập huấn các kỹ thuật mới về điều trị đột quỵ dưới sự giúp đỡ của chuyên gia nước ngoài. 

Dấu hiệu của đột quỵ
- Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân. Các triệu chứng thường xảy ra một bên cơ thể, chẳng hạn yếu liệt tay và chân trái.
- Đột ngột không nói được, giọng nói bị thay đổi (nói ngọng, khó nghe) hoặc bệnh nhân nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói.
- Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt.
- Đột ngột nhức đầu dữ dội.
- Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn, đặc biệt khi chóng mặt đi kèm với bất kỳ triệu chứng trên.
Những người mắc bệnh cao huyết áp, hút thuốc lá, bệnh tim mạch, nghiện rượu, béo phì, tiểu đường… thường có nguy cơ đột quỵ cao.

Bình luận