Thông điệp nhân Ngày Tim mạch Thế giới
Từ đó hàng năm, các hoạt động của “Ngày Tim mạch Thế giới” đều được hưởng ứng với rất nhiều các hoạt động khác nhau tại trên 100 nước thành viên của Liên đoàn Tim mạch Thế giới, trong đó có Việt Nam.
Năm nay là năm thứ 11 tổ chức “Ngày Tim mạch Thế giới” này.
Như chúng ta đã biết, mô hình bệnh tật ở nước ta hiện nay đã có những thay đổi to lớn. Các bệnh không lây nhiễm, trong đó có các bệnh tim mạch đang có khuynh hướng tăng lên rất rõ ở nước ta.
Trong số những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất ở nước ta thì những nguyên nhân hàng đầu là: bệnh lý tim mạch, đột qụy và ung thư.
Trong các bệnh lý tim mạch thì tăng huyết áp là loại bệnh phổ biến nhất và tỷ lệ mắc bệnh này cũng ngày càng gia tăng. Theo điều tra gần đây nhất (2008) của Viện Tim mạch Việt Nam, thì tỷ lệ tăng huyết áp của người từ 25 tuổi trở lên ở nước ta đã là 25,1%. Vì tỷ lệ tăng huyết áp tăng quá cao và nhanh như vậy nên tỷ lệ các biến chứng của tăng huyết áp như: tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận, nhồi máu cơ tim, phình tách thành động mạch chủ… cũng ngày càng gia tăng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sức lao động của người dân trong cộng đồng một cách rất rõ rệt. Đặc biệt, trong những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hóa với rất nhiều đối tượng đang trong độ tuổi lao động mắc bệnh này.
Tại Viện Tim mạch Quốc gia, hàng ngày, các thầy thuốc phải đối mặt với bệnh lý nhồi máu cơ tim, một biến chứng nguy hiểm thường gặp của tăng huyết áp, độ tuổi bị nhồi máu cơ tim cũng có khuynh hướng trẻ hóa, thậm chí có những thanh niên 28, 30 tuổi đã mắc căn bệnh nguy hiểm này.
Bên cạnh đó, biến chứng phình tách thành động mạch chủ do tăng huyết áp cũng ngày càng được phát hiện nhiều. Đây là một biến chứng rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong có thể tăng tới 50% trong 24 giờ đầu tiên nếu không được phẫu thuật cấp cứu kịp thời.
Như vậy, rõ ràng là chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc chiến thực sự chống lại bệnh lý tim mạch, trong đó có tăng huyết áp. Chính vì vậy, Chương trình mục tiêu phòng chống tăng huyết áp quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đã được triển khai tích cực tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc với mục tiêu cụ thể:
- Nâng cao nhận thức của nhân dân về dự phòng và kiểm soát bệnh THA. Phấn đấu đạt chỉ tiêu 50% người dân hiểu đúng về bệnh THA và các biện pháp phòng, chống bệnh THA.
- Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực làm công tác dự phòng và quản lý bệnh THA tại tuyến cơ sở. Phấn đấu đạt chỉ tiêu 80% cán bộ y tế hoạt động trong phạm vi dự án được đào tạo về biện pháp dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và quản lý bệnh THA.
- Xây dựng, triển khai và duy trì bền vững mô hình quản lý bệnh THA tại tuyến cơ sở.
- Phấn đấu đạt chỉ tiêu 50% số bệnh nhân THA được phát hiện sẽ được điều trị đúng theo phác đồ do Bộ Y tế quy định.
Nhân Ngày Tim mạch Thế giới năm 2011, Ban Điều hành chương trình phòng chống tăng huyết áp quốc gia - Bộ Y tế, Viện Tim mạch Việt Nam phối hợp cùng các cơ quan Trung ương như: Đài THVN, Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Sức khỏe & Đời sống… tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền giáo dục sức khỏe với thông điệp: “ Vì một trái tim khỏe”. Với thông điệp này, chúng tôi mong muốn tất cả mọi người hãy thực hiện một lối sống lành mạnh, không có khói thuốc lá ở trong gia đình cũng như ngay tại công sở nơi mình làm việc để có thể đạt được hiệu quả cao nhất trong công cuộc phòng chống các bệnh tim mạch.
10 lời khuyên để bảo vệ trái tim cho bạn, gia đình bạn và cộng đồng (Theo khuyến cáo của Liên đoàn Tim mạch Thế giới).
1. Chế độ ăn uống hợp lý, khẩu phần ăn có nhiều rau xanh, trái cây. Hạn chế ăn các chất béo bão hòa. Không nên ăn mặn.
2. Tập thể dục thường xuyên: mỗi ngày tập từ 30 - 60 phút sẽ giúp phòng chống các bệnh lý tim mạch và sức lao động sẽ được cải thiện hơn.
3. Không hút thuốc lá, thuốc lào vì hút thuốc lá, thuốc lào là nguyên nhân trực tiếp gây nhồi máu cơ tim, đột qụy và nhiều bệnh lý tim mạch khác.
4. Duy trì cân nặng hợp lý, cần giảm cân (nếu thừa cân) sẽ làm giảm huyết áp, giảm các biến cố do bệnh lý tim mạch gây nên.
5. Nên khám sức khỏe định kỳ để biết được số huyết áp động mạch, hàm lượng cholesterol, hàm lượng đường trong máu, chỉ số vòng eo/vòng mông, chỉ số khối cơ thể (BMI).
Nếu biết mình có nhiều yếu tố nguy cơ thì bạn càng cần phải có kế hoạch thực hiện lối sống lành mạnh một cách tích cực hơn để cải thiện sức khỏe của mình.
6. Hạn chế uống rượu, bia: vì uống nhiều rượu, bia làm huyết áp tăng và trọng lượng của bạn cũng tăng lên.
7. Tạo môi trường sạch sẽ, không có khói thuốc ở gia đình và công sở.
8. Cần có thời gian thư giãn, tập luyện nhẹ nhàng (nếu có thể) ngay tại chính nơi mình làm việc.
9. Tại nơi công sở cũng cần tránh ăn uống quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn hay các loại thức ăn nhanh.
10. Tránh căng thẳng, lo âu quá mức. Hãy cùng nhau xây dựng một môi trường làm việc đoàn kết, lành mạnh và hiệu quả.
Bình luận