Bệnh tim mạch đang có xu hướng tăng nhanh, trở thành nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu. Bên cạnh đó, chi phí trực tiếp và gián tiếp cho công tác khám và chữa bệnh tim mạch cũng trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội. Nhân dịp Báo Sức khỏe & Ðời sống ra số chuyên đề về sức khỏe Tim mạch, phóng viên Báo có cuộc trao đổi với TS. Phạm Mạnh Hùng, Trưởng phòng can thiệp tim mạch, Tổng thư ký hội tim mạch học Việt Nam, về vấn đề này.

PV: Thưa TS, xin ông cho biết bệnh lý nào có số lượng gây tử suất và bệnh suất hàng đầu trong các bệnh tim mạch? TS có thể giới thiệu đôi nét về căn bệnh?

TS-Pham-Manh-HungTS. PHẠM MẠNH HÙNG (TS.PMH): Trong số các bệnh tim mạch mắc phải, bệnh lý động mạch vành (ĐMV) đã và đang trở thành một bệnh có tử suất và bệnh suất hàng đầu ở các nước phát triển và gia tăng nhanh chóng ở các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, thống kê tại Viện Tim Mạch – Bệnh Viện Bạch Mai cho thấy, số bệnh nhân bị bệnh ĐMV nhập viện đã gia tăng nhanh chóng: năm 1997 có khoảng 1,2%, đến năm 2003 là 12% và đến năm 2007 xấp xỉ 24% (nguồn: thống kê bệnh viện tại Viện Tim Mạch – Bệnh viện Bạch Mai). Do vậy, nhu cầu được chăm sóc sức khỏe tim mạch, đặc biệt là các bệnh lý động mạch vành đang rất cấp thiết và ngày một lớn.

PV: Chúng tôi được biết các thầy thuốc của Đơn vị Tim mạch can thiệp, Viện tim mạch Việt Nam đã đạt giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2010 với công trình khoa học “Kỹ thuật can thiệp động mạch vành bằng ống thông”. Tiến sĩ có thể nói tóm tắt về công trình khoa học mà nhóm đã đạt giải?

TS. PMH: Đây là lần đầu tiên chúng tôi tham gia giải thưởng Nhân tài Đất Việt và đoạt giải. Sau nhiều năm chúng tôi theo dõi và đánh giá đây là một giải uy tín đã được tổ chức hàng năm và thu hút nhiều nhà khoa học trẻ say mê với các công trình nghiên cứu. Và hầu hết những công trình khoa học đó đều có tính ứng dụng thực tiễn cao.
Kỹ thuật này thì tốn rất ít thời gian và mang lại hiệu quả to lớn cho người bệnh. Chẳng hạn người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp thì việc thông động mạch vành đòi hỏi phải chạy đua với thời gian, mở thông động mạch vành càng sớm càng tốt thì mới có cơ hội cứu sống người bệnh. Những kỹ thuật thông động mạch vành trước đây là mổ mở, hay dùng thuốc tiêu huyết khối có những hạn chế riêng của nó.
Nhờ việc thông động mạch vành nên các thể loại bệnh trước đây không làm gì được ví như bệnh “trên nhồi máu tim cấp” hoặc các thể bệnh động mạch vành khác thì nay ít nhất cũng có thể phát hiện và khẳng định có hay không tắc, hẹp động mạch vành ở thể trạng ra sao để đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất.
Tuy nhiên, đây là một biện pháp can thiệp ở trình độ công nghệ cao nên chi phí theo cách tính đơn thuần ở một khía cạnh thì thấy khá tốn kém. Nhưng tính hiệu quả cho cuộc sống của bệnh nhân về lâu dài thì chi phí đó hoàn toàn hợp lí và mang lại hiệu quả tốt hơn so với các biện pháp can thiệp khác trước đó từng làm.
Việc điều trị bệnh ĐMV đòi hỏi phải tác động tổng thể trên nhiều phương diện từ các biện pháp điều chỉnh các yếu tố nguy cơ tim mạch, thay đổi lối sống, điều trị bằng thuốc và biện pháp tái thông lại động mạch vành bị hẹp và tắc bao gồm can thiệp qua đường ống thông hoặc phẫu thuật cầu nối chủ - vành. Trong số đó, phương pháp can thiệp ĐMV qua đường ống thông (bao gồm nong/đặt stent ĐMV) là một phương pháp điều trị rất hiệu quả và đã mở ra một kỷ nguyên mới trong điều trị các bệnh lý ĐMV.
Phương pháp can thiệp động mạch vành qua đường ống thông được Gruntzig (Thụy Sỹ) khởi xướng từ năm 1978 và đã trở thành một vũ khí quan trọng trong điều trị bệnh ĐMV. Cùng với sự phát triển của khoa hoc kỹ thuật, kỹ thuật can thiệp ĐMV ngày càng được cải tiến và phát triển mang lại lợi ích đáng kể cho người bệnh góp phần không chỉ cứu sống nhiều người bệnh và mang lại chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Về nguyên lý cơ bản của phương pháp này là: qua đường ống thông nhỏ (đường kính cỡ khoảng > 2mm), được luồn từ một vị trí chọc từ ngoài vào từ động mạch đùi hoặc động mạch quay, đưa tới miệng (lỗ xuất phát) của nhánh động mạch vành bị hẹp hoặc tắc, sau đó sẽ luồn một dây dẫn nhỏ (đường kính khoảng 0,3mm) qua chỗ hẹp/tắc, sau đó luồn bóng với đường kính tương ứng mạch vành nơi tổn thương trên dây dẫn đến chỗ hẹp/tắc và bơm bóng lên áp lực quy định, sau đó có thể luồn stent để đặt tại chỗ hẹp, định vị, bơm bóng stent để stent nở ra áp vào chỗ hẹp, sau đó làm xẹp bóng và rút bóng ra, stent được nằm tại vị trí hẹp ở trạng thái nở hoàn toàn và giúp cho mạch vành được thông .
Trong nhồi máu cơ tim cấp: Can thiệp động mạch vành qua đường ống thông, góp phần đưa tuổi thọ của người Việt Nam tiến thêm một bước, cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống về sau.

PV: TS đánh giá thế nào về khả năng can thiệp các bệnh về tim mạch hiện nay ở nước ta cả về trình độ chuyên môn cũng như trang thiết bị phục vụ?

TS.PMH: Hiện tại trình độ kỹ thuật, chuyên môn của nhóm can thiệp có thể sánh ngang các nước trong khu vực và các nước tiên tiến trên thế giới như Singapore, Hoa kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, cụ thể: các bác sỹ can thiệp trong nhóm đã được mời làm chủ tọa đoàn, báo cáo viên và trình diễn kỹ thuật tại nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế, đã có nhiều học viên quốc tế đến học tại trung tâm, các bác sĩ tại trung tâm cũng đã đi giúp đỡ triển khai kỹ thuật can thiệp tại một số nước như: Nhật Bản, Myanmar… Đặc biệt, nhóm can thiệp đã chữa bệnh cho nhiều bệnh nhân nước ngoài: Hoa Kỳ, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Lào…
Tất cả các bác sĩ đều được đào tạo cơ bản ở các nước tiên tiến. Các y tá và kỹ thuật viên đều được đào tạo cơ bản trong nước và một số ở nước ngoài.

PV: Còn về công tác nghiên cứu khoa học, chúng ta đã và đang làm những gì, để phục vụ công tác điều trị ngày một tốt hơn, thưa TS?

TS. PMH: Chúng ta cũng rất vui mừng là đã có nhiều thành tựu khoa học thuộc lĩnh vực y học hiện đại, góp phần hiểu biết sâu hơn về bệnh ĐMV, cho phép phòng bệnh tốt hơn và điều trị một cách có hiệu quả bệnh lý động mạch vành.

bai-phong-vanMot-ca-phau-thuat-can-thiep-dong-mach-vanh-qua-ong-thong

Nhờ mạnh dạn ứng dụng và triển khai các kỹ thuật chuyên sâu trong can thiệp ĐMV, Nhóm can thiệp đã tham gia triển khai nhiều để tài Nghiên cứu khoa học có giá trị: 5 đề tài cấp nhà nước, 4 đề tài cấp bộ, 20 đề tài cấp cơ sở. Có nhiều bài báo khoa học đã được đăng tại các tạp chí trong nước và thế giới. Đạt nhiều giải thưởng cao quý trong nghiên cứu: Giải thưởng Khoa học Công nghệ Nhà nước năm 2005, 5 lần liên tục giải nhất, giải hội thảo Khoa học Kỹ thuật tuổi trẻ ngành Y (2005-2010), giải thưởng các nhà nghiên cứu trẻ Đông Nam Á (2004, 2008), giải thưởng các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam (2000 – 2010).
Xuất phát ban đầu từ một số bác sĩ chính được trực tiếp hấp thụ kỹ thuật và được đào tạo ở nước ngoài cũng như tại chỗ do các chuyên gia nước ngoài đến hướng dẫn, hiện nay đội ngũ can thiệp ĐMV của Viện Tim Mạch – Bệnh Viện Bạch Mai đã có bước phát triển và trưởng thành đáng kể, có thể sánh ngang với các nước tiên tiến trên thế giới về kỹ thuật này.
Đội ngũ hiện tại bao gồm: 7 bác sĩ can thiệp mạch vành chính, 10 bác sĩ có khả năng can thiệp ĐMV, 10 kỹ thuật viên, y tá chuyên ngành.
Các bác sĩ và các kĩ thuật viên có thể thực hiện được thành thạo với hiệu quả cao các kỹ thuật trong can thiệp động mạch vành bao gồm: chụp động mạch vành, nong và đặt stent động mạch vành với các tổn thương từ đơn giản đến phức tạp, hút huyết khối, khoan phá (rotablator) mảng xơ vữa, làm siêu âm trong lòng ĐMV (IVUS), đo dự trữ dòng chảy ĐMV (FFR)… Can thiệp ĐMV cũng góp phần cải thiện tốt chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân, nhất là sau NMCT cấp và các bệnh lý ĐMV nặng khác.
Vấn đề quan trọng là bệnh nhân của chúng ta đã được hưởng lợi trực tiếp từ kỹ thuật này ngay tại trong nước với chi phí hợp lý và hiệu quả cao nhất là vấn đề thời gian, vì đối với bệnh nhân NMCT cấp, thời gian là vàng và là sự sống của người bệnh, cũng như không thể vận chuyển bệnh nhân đến các nước khác trong tình trạng như vậy.

PV: Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh tim mạch ngày một gia tăng của nhân dân, trong tương lai chúng ta cần làm những việc gì để phục vụ công tác khám chữa bệnh ngày một tốt hơn thưa TS?

TS. PMH: Tiếp tục phát huy thế mạnh để phục vụ cho nhiều bệnh nhân với chất lượng ngày một tăng theo tôi cần:
- Hoàn thiện, xây dựng các quy trình kỹ thuật chuẩn để có thể áp dụng rộng rãi trong cả nước.
- Mở rộng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực Can thiệp tim mạch, tiếp tục phát triển mạnh về các tuyến đảm bảo phục vụ kịp thời và rộng rãi cho người bệnh trong cả nước.
- Triển khai tiếp một số kỹ thuật cao khác bên cạnh các kỹ thuật đã thành thạo như: Can thiệp trường hợp khó (tắc mạn tính hoàn toàn), can thiệp chỗ chia nhánh… triển khai các loại stent thế hệ mới (stent tự tiêu, stent chỗ chia nhánh…); triển khai nội soi ánh sáng trong lòng mạch; triển khai rộng rãi tế bào gốc… Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác hội nhập quốc tế.

PV: Xin cảm ơn TS!

Bình luận