Tiếp thêm sự sống cho những trái tim “lạc nhịp”
Đó là trường hợp may mắn của anh Nguyễn Đình T. (22 tuổi, ở Nghệ An). TS. Dương Đức Hùng, Trưởng đơn vị Phẫu thuật tim mạch, Viện Tim mạch Bạch Mai, Trưởng kíp mổ trên cho biết, anh T. bị dị tật hẹp đường ra của tâm thất trái và hẹp khít van động mạch chủ có nguy cơ đột tử nên buộc phải phẫu thuật.
Một ca phẫu thuật can thiệp tim mạch
Với kĩ thuật ghép van tự thân, các bác sĩ phẫu thuật đã lấy van động mạch phổi của chính bệnh nhân ghép vào đường ra thất trái để sửa chữa dị tật cho người bệnh. Đồng thời tạo hình van động mạch phổi từ màng tim đảm bảo cho hoạt động của trái tim hiệu quả, ổn định. Sau 3 giờ phẫu thuật, ca mổ trên đã thành công tốt đẹp.
Khu khám và điều trị kỹ thuật cao được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế với 03 phòng mổ tim hở, đơn vị hồi sức tim, 04 phòng tim mạch can thiệp, phòng siêu âm tim, điện tâm đồ gắng sức… Ðây là kết quả của dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Áo. Với các trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ các thầy thuốc đầu ngành về tim mạch sẽ đem lại nhiều thành công trong công tác khám và điều trị các bệnh lý tim mạch, ngang tầm với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khu khám và điều trị kỹ thuật cao cũng góp phần làm giảm tải cho bệnh viện, giảm chi phí cho bệnh nhân.
Mọi kết quả thăm khám sau mổ cho thấy bệnh nhân đã hồi phục tốt. Theo TS. Dương Đức Hùng, kĩ thuật ghép van tự thân để chữa dị tật tim có rất nhiều ưu điểm. Bệnh nhân được lợi hơn rất nhiều. Thông thường, với các ca ghép bằng van nhân tạo, tối thiểu một bệnh nhân phải tiêu tốn ít nhất là 24 triệu đồng cho một chiếc van, chưa kể chi phí thuốc thải ghép, thuốc chống đông máu và các loại thuốc khác để duy trì, nuôi dưỡng van nhân tạo hoạt động sau mổ.
Vì vậy, nếu ghép van tự thân thì bệnh nhân đã tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ trong việc này. Cộng với việc nếu thay van nhân tạo thì thời hạn sử dụng của chiếc van nhân tạo cũng hạn chế. Một chiếc van nhân tạo thường chỉ có thời hạn sử dụng khoảng 15 - 17 năm, chưa kể một số loại van nhân tạo làm từ nguồn gốc sinh học thời hạn sử dụng có thể còn ngắn hơn.
Khi chiếc van nhân tạo được ghép cho bệnh nhân đã hết hạn sử dụng thì bệnh nhân buộc phải phẫu thuật lại thì mới có thể kéo dài sự sống. Bên cạnh đó, đối với các ca ghép van nhân tạo, người bệnh buộc phải dùng thuốc chống đông suốt đời, khi dùng thuốc chống đông nếu thừa hoặc thiếu thuốc người bệnh có thể dễ dàng bị các biến chứng nặng thậm chí có thể tử vong.
Trong quá trình điều trị sau khi đã ghép van nhân tạo, bệnh nhân cũng buộc phải thường xuyên, liên tục, định kỳ đến bệnh viện để các bác sĩ kiểm tra và tiêm thuốc. Chính vì vậy, phương pháp ghép van tự thân để chữa bệnh tim sẽ khắc phục được hoàn toàn những nhược điểm trên. Vì sau khi ghép van tự thân, van này sẽ tự thích nghi lớn lên cùng cơ thể người nên bệnh nhân không cần phải sử dụng thuốc đông, thuốc để nuôi dưỡng van.
Đây cũng chính là một ưu điểm vượt trội mà các phương pháp ghép van nhân tạo thông thường không thể có được. Được biết, hiện trên thế giới số ca mổ tim thành công bằng phương pháp này chưa có nhiều. Việc Viện Tim mạch Việt Nam triển khai thành công kỹ thuật này mở ra nhiều triển vọng phát triển cho ngành tim mạch Việt Nam, cũng như mở ra thêm nhiều cơ hội sống cho các bệnh nhân mắc bệnh tim mạch.
Bình luận