Tuổi mắc đái tháo đường ngày càng trẻ
Những thông tin này được các chuyên gia nội tiết đưa ra tại ngày hội “Dinh dưỡng và vận động hợp lý trong phòng ngừa đái tháo đường” do Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM kết hợp với nhãn hàng DiabetCare của Công ty NutiFood tổ chức tại TPHCM ngày 12-11, nhằm hưởng ứng ngày Thế giới Phòng chống đái tháo đường (14-11).
Ở nước ta, kết quả điều tra gần đây cho thấy tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường là 5% dân số (riêng TPHCM là 7%), tỉ lệ tiền đái tháo đường là 27%. Điều đáng lo ngại là 65% người bệnh không hề biết mình bị bệnh.
Theo số liệu của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, mặc dù đã có rất nhiều tiến bộ trong phương pháp điều trị nhưng người bệnh đái tháo đường vẫn có nhiều biến chứng nguy hiểm khiến tỉ lệ tử vong và tàn phế cao hơn gấp 2-4 lần so với người bình thường. Các biến chứng nguy hiểm thấy rõ nhất là thiếu máu cơ tim, tai biến mạch máu não, mù lòa, loét bàn chân, suy thận… Chi phí để điều trị đái tháo đường đang chiếm khoảng 3% - 6% ngân sách dành cho ngành y tế.
Vào năm 2006, Liên Hiệp Quốc đã công bố nghị quyết với thông điệp: Các quốc gia thành viên xây dựng chính sách quốc gia để phòng chống, điều trị bệnh đái tháo đường phù hợp với sự phát triển bền vững của hệ thống chăm sóc sức khỏe có tính đến tính thống nhất mục tiêu phát triển quốc tế, bao gồm cả mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
Ở nước ta, ngày 17-6-2002, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt chương trình phòng một số bệnh không lây giai đoạn 2002-2010, trong đó nhấn mạnh mục tiêu “giảm tỉ lệ mắc, biến chứng và tử vong của bệnh đái tháo đường. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt dự án quốc gia với các giải pháp dự phòng bệnh đái tháo đường, từ Trung ương đến tuyến y tế cơ sở.
Tại TPHCM, chương trình phòng chống bệnh đái tháo đường được UBND TP triển khai từ năm 2003 giao cho Trung tâm Dinh dưỡng và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương phụ trách. Thông qua các chương trình tập huấn, hội thi, nói chuyện chuyên đề, lập các câu lạc bộ bệnh nhân đái tháo đường… đã quy tụ đông đảo bệnh nhân và những người có yếu tố nguy cơ duy trì sinh hoạt thường xuyên hằng tháng, tạo được hiệu quả tích cực trong cộng đồng và xã hội.
“Hãy kiểm soát đái tháo đường ngay từ bây giờ”. Đó là thông điệp nhân ngày Thế giới Phòng chống đái tháo đường năm 2011 nhằm ứng phó với xu hướng gia tăng nhanh chóng bệnh đái tháo đường và tình trạng tuổi mắc ngày càng trẻ hóa ở nước ta. Đái tháo đường là bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa, hạn chế thông qua việc thay đổi lối sống (bao gồm dinh dưỡng hợp lý; tăng cường vận động; kiểm soát cân nặng, huyết áp, đường huyết).
Bình luận