Đây là một kỹ thuật được thử nghiệm trong nhánh nghiên cứu áp dụng kỹ thuật ghép tế bào gốc điều trị cho bệnh nhân tim mạch được thực hiện tại Viện Tim mạch Quốc gia.

Sau gần 4 năm được điều trị bằng ghép tế bào gốc điều trị, ông N.Đ.S., giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội tỏ vẻ rất khoẻ mạnh. Theo ông S., cuối tháng 12/2007, ông bị cơn đau thắt ngực và phải đi cấp cứu. Các bác sĩ ở Viện Tim mạch Quốc gia chẩn đoán ông bị nhồi máu cơ tim cấp và chỉ định đặt stent. Tuy nhiên, sau khi đặt stent, dùng thuốc phối hợp, chỉ số tống máu (EF) chỉ đạt 30% (người bình thường phải đạt 55%). Do đó, các bác sĩ đã rất lo ngại với khả năng tiến triển bệnh của ông. Với tình hình này thì khả năng suy tim của bệnh nhân là rất cao. Cuối cùng, các bác sĩ quyết định điều trị bổ sung bằng tiêm tế bào gốc.

78314924

Bác sĩ Phạm Mạnh Hùng - Viện Tim mạch Quốc gia, người chủ trì triển khai kỹ thuật này cho biết, phương pháp điều trị cho bệnh nhân S. là lấy 200ml tủy của bệnh nhân, đem tách chiết tại Bệnh viện 108 được 10ml tế bào gốc rồi tiêm vào động mạch vành. Sau 4 năm được điều trị, ông S. cho hay, sức khỏe hiện tại vẫn cho phép ông một tuần dạy 8-12 tiết, hướng dẫn làm luận văn, dạy kèm cho con cháu chuẩn bị thi đại học mà không bị mệt mỏi.

Ông S. là bệnh nhân có kết quả tiến triển tốt nhất trong số 6 bệnh nhân được điều trị bằng tiêm tế bào gốc. Nhưng cả 6 bệnh nhân đều có kết quả điều trị cải thiện rõ ràng hơn so với 6 bệnh nhân cũng bị nhồi máu cơ tim nhưng không điều trị bằng tiêm tế bào gốc. Tuy nhiên, TS. Hùng cũng lưu ý số lượng bệnh nhân được điều trị thí điểm mới có 6 bệnh nhân, chưa có ý nghĩa so với nhóm chứng và thành công mới chỉ là ban đầu.

Trong số 6 bệnh nhân này, ông Q., 63 tuổi, ở Hà Nội là bệnh nhân có kết quả điều trị kém khả quan nhất. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy tim nặng, có hiện tượng phù phổi cấp. Mặc dù đã được bác sĩ điều trị bằng các biện pháp can thiệp thông thường (đặt stent và dùng thuốc phối hợp), chỉ số EF của bệnh nhân chỉ đạt 20%. Sau khi tiêm tế bào gốc, chức năng co bóp tim của bệnh nhân tăng không đáng kể, chỉ đạt 39-40%, tuy nhiên, các bác sĩ giải thích do bệnh nhân có nhiều bệnh lý kèm theo nên chức năng co bóp tim đã quá yếu và mới chỉ nhích lên chút ít.

ChuyenDenNghienCuuVaUngDungTeBaoGocOVietnamHiVongDaGieo2
Nghiên cứu tế bào gốc

Theo thống kê tại Viện Tim mạch Quốc gia, tỷ lệ bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Trước đây, mỗi ngày chỉ có 1-2 bệnh nhân nhồi máu cơ tim vào Viện Tim mạch Quốc gia, nhưng hiện nay, con số này là 5-6 bệnh nhân/ngày. Trong số này, có 10-20% bị biến chứng suy tim, chức năng tim không được cải thiện sau khi sử dụng các biện pháp thông thường. Chính vì vậy, nếu áp dụng mở rộng điều trị bằng tiêm tế bào gốc, bệnh nhân sẽ có hy vọng cải thiện sức khoẻ được nhiều hơn, nhất là những trường hợp bị suy tim kèm các bệnh lý nguy hiểm khác.

Vẫn cần nghiên cứu thêm để đánh giá kết quả

Theo GS.TS. Nguyễn Lân Việt – Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia thì mặc dù tiến bộ của các kỹ thuật hiện đại đã cho phép chữa khỏi rất nhiều bệnh tim mạch hoặc cải thiện đáng kể tiên lượng bệnh, nhưng vẫn có nhiều bệnh nhân tim mạch tiến triển tới giai đoạn muộn, khó có biện pháp can thiệp hoặc không can thiệp được. Trong số đó phải kể đến những bệnh lý nặng như suy tim do bệnh động mạch vành (ĐMV) không can thiệp được (mổ, nong ĐMV) hoặc thậm chí can thiệp được nhưng vẫn còn tồn tại suy tim, bệnh cơ tim giãn, bệnh mạch ngoại vi mạn tính không can thiệp được…

tiem-te-bao-goc
Bác sĩ tiêm tế bào gốc vào vùng cơ tim bị tổn thương

Các tiến bộ trong y sinh học, đặc biệt là tế bào gốc đã thúc đẩy một hướng tiếp cận mới trong điều trị những vấn đề nan giải trên với giả thiết là liệu chúng ta có thể làm tăng sinh, khôi phục tế bào cơ tim, mạch máu nuôi tim, mạch máu nuôi cơ đã bị mất chức năng không? Đã có nhiều nghiên cứu của thế giới trên thực nghiệm và trên người với kết quả ban đầu rất đáng khích lệ để trả lời cho câu hỏi này.

Tuy nhiên, GS. Việt cũng cho biết, phương pháp điều trị tế bào gốc tỏ ra có triển vọng và hứa hẹn nhất định, song những kết quả thu được mới chỉ là bước đầu và rất cần có sự tiếp tục chung sức phối hợp nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để có thể có được những kết luận đầy đủ và toàn diện hơn trong việc phối hợp điều trị tế bào gốc với các phương pháp điều trị kinh điển khác để mở thêm những hy vọng mới cho những bệnh nhân tim mạch, nhất là những trường hợp nhồi máu cơ tim cấp đã được can thiệp ĐMV mà chức năng thất trái vẫn còn bị suy giảm nhiều.

Thông tin từ Viện Tim mạch Quốc gia, vừa qua đã có thêm 30 bệnh nhân được lựa chọn áp dụng liệu pháp điều trị bổ sung này. Đây cũng là hướng đi để tiến tới mở rộng ứng dụng kỹ thuật tại Việt Nam.

Bình luận