Các biện pháp phòng tránh dịch viêm phổi Vũ Hán do Coronavirus
Các số liệu này được đưa ra vài giờ sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì dịch viêm phổi do nCoV đã lan đến hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Điều này gây ra sự lo lắng không hề nhỏ về sự bùng phát dịch bệnh ngay đầu năm 2020 trên toàn thế giới. Vậy làm thế nào để ngăn chặn bùng phát dịch bệnh? Đó là hiểu đúng về bệnh và có biện pháp bảo vệ bản thân khỏi sự lây nhiễm.
Coronavirus là gì?
Virus corona là một họ virus lớn, nó có thể gây bệnh từ cảm lạnh thông thường đến các bệnh nghiêm trọng hơn như Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) và Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). Chủng coronavirus năm 2019 (virus 2019-nCoV ) là một chủng mới chưa được xác định trước đây ở người.
Coronavirus gây viêm phổi lây lan qua đường tiếp xúc trực tiếp với dịch hô hấp của người bệnh
Nguồn gốc của 2019-nCoV từ đâu?
Giống như MERS và SR, tất cả đều có nguồn gốc từ vật chủ từ loài dơi. Virus corona là một họ virus lớn, phổ biến ở nhiều loài động vật khác nhau bao gồm lạc đà, mèo và dơi.
Trong kết quả nghiên cứu gần đây nhất cho thấy rắn có thể là vật chủ của virus 2019-nCoV và con này có thể đã tái tổ hợp với virus có nguồn gốc từ dơi. Tuy nhiên nhiều ý kiến của các nhà khoa học khác vẫn cho là chưa thuyết phục và họ nghi ngờ động vật khác thuộc loài có vú hoặc chim. Phân tích cây di truyền của virus này đang được tiếp tục để biết nguồn gốc cụ thể của virus, vì một loại coronavirus khác xuất hiện lây nhiễm cho người là SARS bắt nguồn loài từ cầy hương, trong khi một loại coronavirus khác lây nhiễm cho người là MERS lại bắt nguồn từ lạc đà.
Do vậy, cho đến hiện giờ thì việc tốt nhất là nên cấm đánh bắt và buôn bán các động vật hoang dã, ít nhất là rắn và dơi để hạn chế nguồn chứa virus tối đa.
Coronavirus có thể truyền lây truyền như thế nào?
Virus này ban đầu xuất hiện từ động vật hoang dã nhưng có khả năng cao lây lan từ người sang người. Điều này xảy ra khi người ta ăn thịt những động vật có mang virus, nhất là khi ăn sống hoặc không nấu chín kỹ. Sau khi người mắc bệnh, virus lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh như bị bắn dịch ho, hắt hơi, bắt tay, ôm hôn...
Virus cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt họ, ví dụ như nút bấm thang máy, tay nắm cửa, cửa taxi... Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh.
Các triệu chứng cảnh báo bệnh do virus corona là gì?
Các triệu chứng xuất hiện ở bệnh nhân mắc virus 2019-nCoV từ nhẹ đến nặng bao gồm sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi khởi phát, nCOV có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp tiến triển và tử vong.
Những ai là người dễ mắc và dễ tử vong khi nhiễm virus corona?
Đó là những người có hệ thống miễn dịch kém, người mắc bệnh mạn tính, bao gồm người cao tuổi, người bệnh tim mạch, tiểu đường, suy giảm miễn dịch, bị lupus ban đỏ mạn tính, người dùng thuốc ức chế miễn dịch, thuốc chống thải ghép, hoặc dùng corticoid trong điều trị bệnh xương khớp…
Chính vì vậy, những người trong nhóm đối tượng nhạy cảm này nên tránh tiếp xúc với người bệnh và bảo vệ bản thân không bị lây nhiễm thông qua các biện pháp ở phía dưới đây
Nếu có triệu chứng nhiễm virus corona thì nên tới trung tâm y tế ngay
Số điện thoại thông báo thông tin nhiễm bệnh tại Việt Nam?
Bộ Y tế công bố số điện thoại đường dây nóng cung cấp thông tin về bệnh Viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV 2019 là: 19003228.
Hoặc có thể liên hệ trực tiếp qua các đường dây nóng của các cơ sở y tế tại địa phương.
Cách nào để giảm tình trạng bệnh do Coronavirus?
Bệnh do nhiễm virus Corona thường sẽ tự hết khi tế bào miễn dịch của cơ thể nhận biết sự hiện diện của chúng trong cơ thể và tấn công các tế bào bị nhiễm. Số lượng virus trong cơ thể tăng trong giai đoạn đầu, nhưng sẽ giảm dần khi cơ thể có những đáp ứng của các tế bào miễn dịch. Cuối cùng, virus sẽ bị tiêu diệt hết bởi tế bào miễn dịch cho đến lúc cuối kỳ bệnh. Do vậy, cách để ngăn chặn dịch hiệu quả nhất mà các nước đang làm với loại virus này là “cô lập” người/nhóm người mắc bệnh để hỗ trợ điều trị, không cho virus có cơ hội nhiễm tiếp sang người khác. Do không có khả năng tự sinh sống ngoài môi trường và không còn ở được trong cơ thể người bệnh (do hệ miễn dịch đã nhận ra) nên virus sẽ bị tiêu diệt hết trong không gian bị cô lập này khi những người bệnh hồi phục.
Vì thế, trong tình trạng hiện nay, có một số bằng chứng cho thấy virus này có khả năng lây từ người sang người, khi bạn có dấu hiệu nhiễm bệnh thì không nên giấu, mà nên đến trung tâm Y Tế đã được chỉ định để được kiểm tra và cách ly nếu cần thiết. Việc này vừa bảo đảm cho bạn có sự trợ giúp Y tế thích hợp để vượt qua cơn bệnh một cách tốt nhất vừa có thể giúp bảo vệ cộng đồng để dịch bệnh không tiếp tục bùng phát.
Cách nào để phòng tránh bệnh hiệu quả?
Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng chủ động thực hiện tốt các biện pháp sau:
Hạn chế tối đa tiếp xúc với nguồn bệnh
- Tránh đến chỗ đông người, và nếu đến chỗ đông người thì nên đeo khẩu trang y tế.
- Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Tránh tiếp xúc gần với các động vật nuôi hoặc hoang dã.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà bông (Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn).
- Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay không rửa sạch.
- Tránh tiếp xúc gần với người bị sốt, ho, nên ở cách xa 2 mét trở lên, và đeo khẩu trang đầy đủ.
- Làm sạch và khử trùng các vật và bề mặt thường xuyên chạm vào (Ánh nắng mặt trời cũng là một nguồn năng lượng tốt để diệt các virus trong môi trường)
- Ăn đồ nấu chín, uống nước đun sôi để nguội.
- Tránh đi lại, du lịch nếu đang có sốt, ho hoặc khó thở. Đến ngay cơ sở y tế khi có triệu chứng nghi ngờ. Đồng thời, chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế.
- Khi ho, hắt hơi hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau khi sử dụng khăn giấy bỏ vào thùng rác rồi rửa tay sạch sẽ.
Tăng miễn dịch cho cơ thể để ngăn chặn virus xâm nhập
Tăng miễn dịch là biện pháp hiệu quả trong việc phòng và chống lại các loại virus, trong đó có virus Corona, những việc bạn cần làm bao gồm:
- Không hút thuốc lá, rượu bia, cà phê
- Ăn nhiều trái cây và rau củ quả tươi, như cam quýt, bưởi, táo, kiwi, nho, súp lơ, rau cải… để tăng chất chống oxy hóa tự nhiên cho cơ thể. Việc bổ sung các vitamin được quảng cáo là tăng miễn dịch như vitamin C, vitamin D, vitamin E qua đường uống là không cần thiết, bởi sự dư thừa các vitamin này cũng gây hại cho cơ thể, đặc biệt là các vitamin tan trong dầu như E, D dễ tích tụ trong cơ thể gây độc.
- Uống đủ nước mỗi ngày 2 lit nước ấm
- Ăn giảm mỡ, thịt đỏ, chất đường bột, muối để giảm bớt rác thải trong cơ thể
- Tập thể dục thường xuyên mỗi ngày ít nhất 30 phút bằng các môn thể thao vừa sức nhằm giúp máu lưu thông tốt hơn, nhờ đó chống viêm và stress oxy hóa tế bào hiệu quả hơn.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh, giảm cân nếu thừa cân
- Ngủ đủ giấc từ 6-8 tiếng mỗi ngày và không thức khuya
- Rửa tay thường xuyên và nấu thịt kỹ.
- Cố gắng giảm thiểu căng thẳng, stress, nên thư giãn tâm lý, bởi stress là yếu tố kích hoạt phản ứng viêm, khiến cho hệ miễn dịch suy giảm.
- Giữ ấm cơ thể, đặc biệt vùng cổ họng, không để khô miệng, viêm họng xảy ra, bở khi cơ thể nhiễm lạnh sẽ khiến hệ miễn dịch bị kích hoạt.
Giữ ấm cơ thể giúp bạn bảo vệ bản thân khỏi sự tấn công của virus
Sử dụng khẩu trang như thế nào là đúng cách để phòng tránh lây nhiễm coronavirus?
Đeo khẩu trang là ngăn ngừa các hạt nước có chứa virus văng ra từ người bệnh khi họ ho & hắt hơi. Có nhất thiết phải sử dụng khẩu trang N95 để ngăn nhiễm virus?
Khi dịch virus Corona bùng nổ thì mọi người đổ xô đi mua khẩu trang từ đơn giản như khẩu trang y tế đến đặc biệt hơn và mắc tiền hơn là khẩu trang N95 được cho là có thể lọc bụi có đường kính từ 300-750 nano mét. Bạn cần lưu ý virus có cấu trúc rất đơn giản và có kích thước rất nhỏ, trung bình khoảng 100 nano mét. Với kích thước này chuyện virus lọt qua khẩu trang N95 là chuyện bình thường. Tuy nhiên, mục đích thực sự của khẩu trang trong việc ngăn ngừa việc truyền nhiễm bệnh là ngăn ngừa các hạt nước (droplet) có chứa virus văng ra từ người bệnh qua việc hắt xì hoặc ho. Theo một nghiên cứu năm 2013 thì các hạt dịch này có kích thước từ khoảng 75 đến 360 micro mét (1 micro mét = 1000 nano mét), do đó có thể dễ dàng bị giữ lại bởi các khẩu trang y tế thông thường với khả năng lọc hiệu quả các hạt có kích thước trên 5 micro mét trở lên. Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2016 về “hiệu quả của khẩu trang N95 so với khẩu trang y tế trong việc bảo vệ nhân viên y tế khỏi nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính” cho thấy “không đủ dữ liệu để chứng minh N95 tốt hơn”. Vì vậy, bạn có thể sử dụng khẩu trang y tế bình thường 3-4 lớp để ngăn virus xâm nhập qua đường hô hấp mà không cần khẩu trang n95. Tuy nhiên để có hiệu quả bạn cần lưu ý những điều sau:
- Khi đeo khẩu trang phải để mặt xanh ra ngoài do mặt màu xanh có tính chống nước, các giọt nước bọt lớn bắn vào sẽ không thấm vào trong. Mặt màu trắng có tính hút ẩm, nên quay vào trong, để hơi thở thoát ra thấm vào khẩu trang.
- Khẩu trang phải che kín cả mũi lẫn miệng. Khi mang khẩu trang tuyệt đối không sờ tay vào, vì động tác sờ tay, thậm chí chỉnh sửa khẩu trang sẽ vô tình làm cho bàn tay lây nhiễm virus và các tác nhân gây bệnh khác, sau đó truyền bệnh lại cho chính mình và những người xung quanh.
- Khi tháo khẩu trang chỉ được cầm vào dây đeo qua tai, tháo ra cho vào thùng rác an toàn. Tuyệt đối không dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra. Thói quen lấy tay vo khẩu trang lại sẽ gây lây nhiễm virus và các tác nhân gây bệnh khác cho bàn tay.
- Cần rửa tay với xà phòng và nước sạch ngay sau khi vứt bỏ khẩu trang.
Hướng dẫn sử dụng khẩu trang đúng cách
Bên cạnh khẩu trang, nếu bạn mang thêm mắt kính (bất cứ loại nào) nữa thì càng tốt.
Hướng dẫn cách rửa tay để phòng virus corona hiệu quả
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo việc rửa tay hay khử trùng trùng tay thường xuyên cũng có tác dụng ngăn ngừa các loại virus đường hô hấp.
Trong các khuyến cáo phòng lây nhiễm virus corona, Bộ Y tế đều khuyên người dân nên rửa tay thật kỹ bằng xà phòng thường xuyên, nhiều lần trong ngày đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng.
Các chuyên gia y tế cho biết, bàn tay là nơi trực tiếp tiếp xúc nhiều với dịch tiết cơ thể. Khi dịch tiết dính vào tay, chúng ta có thể vô tình đưa lên mắt, mũi, miệng. Ngoài ra, khi cầm nắm, đụng chạm vào các vật khác, virus gây bệnh có thể theo dịch tiết lan rộng ngoài cộng đồng.
Bộ Y tế đã tiến hành in tuyên truyền là 6 bước vệ sinh tay đúng cách được WHO khuyến cáo trong công tác vệ sinh cá nhân:
Bước 1: Làm ướt hai bàn tay bằng nước sạch. Thoa xà phòng vào lòng bàn tay. Chà xát hai lòng bàn tay với nhau.
Bước 2: Dùng ngón tay và lòng bàn tay này cuốn và xoay lần lượt từng ngón của bàn tay kia và ngược lại.
Bước 3: Dùng lòng bàn tay này chà xát chéo lên mu bàn tay kia và ngược lại.
Bước 4: Dùng đầu ngón tay của lòng bàn tay này miết vào kẽ giữa các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.
Bước 5: Chụm 5 đầu ngón tay của tay này cọ vào lòng bàn tay kia bằng cách xoay đi, xoay lại.
Bước 6: Xà cho tay sạch hết xà phòng dưới nguồn nước sạch. Lau khô tay bằng khăn hoặc giấy sạch.
Cần chú ý thêm là thời gian cho mỗi lần rửa tay tối thiểu là 1 phút, các bước 2, 3, 4, 5 lặp lại tối thiểu 5 lần mỗi bước. Như vậy, chỉ cần ít nhất 1 phút thực hiện hành vi nêu trên, từng người đều có thể bảo vệ sức khỏe cho mình, người thân, cũng như cộng đồng vì hành vi này đã tiêu diệt tối đa vi khuẩn, giảm khả năng mắc và lây lan bệnh tật qua những bàn tay bẩn.
Rửa tay là cách phòng tránh lây nhiễm virus hiệu quả
Những người mới từ Trung Quốc trở về cần lưu ý những gì?
Những người từ Trung Quốc trở về Việt Nam cần tự cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày. Cần khai báo với cơ quan y tế gần nhất để được hỗ trợ khi cần thiết.
- Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang, thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Khi đến cần gọi điện trước để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ.
Có nên đi du lịch hoặc đến Trung Quốc vào thời điểm này?
- Nếu không có việc cần thiết hoặc công việc đột xuất, không nên đi du lịch, tụ tập đông người, đặc biệt là không nên đến Trung Quốc trong dịp này, cho đến khi công bố hết dịch.
- Trường hợp bắt buộc, phải hạn chế ra khỏi nhà, thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
- Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang, thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Có phải Virus không sống được ở nhiệt độ trên 25°C?
Đây là nhận định sai lầm, cơ thể của con người lúc nào cũng duy trì ở nhiệt độ 37°C và lúc sốt chúng ta có thể lên đến 40°C hoặc hơn. Ở nhiệt độ đó virus vẫn có thể sống tốt trong cơ thể vật chủ. Virus chỉ chết trong cơ thể khi hệ miễn dịch của chúng ta nhận biết ra chúng, tấn công tiêu diệt chúng và các tế bào chứa chúng.
Bên ngoài môi trường vật chủ, virus sẽ dễ bị chết sớm, thông thường chúng chết chỉ trong vài phút cho đến vài giờ nếu ở nhiệt độ từ 25°C trở lên. Tuy nhiên, ở các điều kiện môi trường như nhiệt độ thấp và độ ẩm thấp có thể kéo dài thời gian chúng sống. Trong một nghiên cứu năm 2011 về khả năng sống của virus SARS ngoài môi trường thì người ta cho thấy virus khô trên bề mặt nhẵn giữ được khả năng tồn tại trong hơn 5 ngày ở nhiệt độ 22-25°C, độ ẩm 40-50% (đây là môi trường phòng máy lạnh). Tuy nhiên, khả năng sống của virus bị giảm nhanh chóng ở nhiệt độ cao và độ ẩm cao hơn (ví dụ: 38°C và độ ẩm > 95% làm khả năng sống của virus giảm hơn 1000 lần). Ánh sáng mặt trời cũng là một nguồn năng lượng tốt để tiêu diệt virus ở ngoài tự nhiên. Do vậy, đây cũng là một điều đáng mừng cho những nước có khí hậu nóng ẩm và có nhiều nắng như ở Việt Nam trong việc hạn chế thời gian tồn tại của virus này ở môi trường ngoài cơ thể.
Làm thế nào để kiểm tra một người có nhiễm virus 2019-ncov hay không?
Tại thời điểm này, các kiểm tra chẩn đoán chính xác 2019-nCoV chỉ có thể được tiến hành tại các cơ sở y tế được phép thực hiện xét nghiệm. Kỹ thuật xác định chủng 2019-nCov đó là kỹ thuật Real time RT - PCR với bệnh phẩm là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản được thu thập bằng tăm bông và bảo quản trong môi trường phù hợp. Trong trường hợp người mới nghi nhiễm virus Corona, các cơ sở y tế sẽ làm thủ tục lưu mẫu máu để chuyển đến các đơn vị được Bộ Y tế cho phép khẳng định.
Ngày 28/1/2020, Bộ Y tế đã có văn bản 362/BYT-KCB gửi Bệnh viện, Sở Y tế, y tế các bộ, ngành thực hiện việc tiếp nhận, thu dung, điều trị và quản lý người nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do chủng mới của virus Corona với phân tuyến khu vực cho các Bệnh viện, Viện cụ thể tại đây
https://drive.google.com/file/d/17FasUIEoyx4a8ybbbGd6136BTV6RXCYB/view?usp=sharing
Mặc dù dịch viêm phổi do virus corona nguy hiểm, nhưng không phải không có cách phòng tránh nó. Và chìa khóa để ngăn chặn bệnh lan rộng chính là việc đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng. Bạn hãy hiểu rõ về bệnh cũng như cách phòng tránh lây lan, để chung tay ngăn chặn dịch bệnh này cùng người dân cả nước nhé!
Biên tập viên sức khỏe Đông Tây tổng hợp
Bình luận