Cách phòng virus corona “chuẩn” cho người tiểu đường, tim mạch
TS.BS Đặng Thị Xuân tư vấn về cách phòng ngừa virus corona cho người tiểu đường, tim mạch.
Virus corona là gì và nguy hiểm như thế nào?
Virus corona gây ra dịch viêm phổi Vũ Hán được viết tắt là 2019 - nCov. Trong đó, 2019 là năm phát hiện ra virus. N là viết tắt của từ “new” có nghĩa đây là một loại virus hoàn toàn mới, chưa có trong kho dữ liệu virus được tìm thấy trước đây.
Tỷ lệ tử vong do nCOv hiện tại là vào khoảng 3%, ít hơn tỷ lệ tử vong do dịch SARs trước đây (10%). Nếu chỉ so sánh dựa trên con số này, chúng ta sẽ thấy tiên lượng của nCoV tốt hơn. Tuy nhiên, số người mắc dịch SARs trong 8 tháng chỉ vào khoảng 8000 người. Con số này với nCoV đã lên tới 30.000 chỉ trong 2 tháng. Đây chính là lý do mà chúng ta không bao giờ được chủ quan với nCoV. Mỗi người phải chủ động áp dụng đúng các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Tại sao người tiểu đường, tim mạch cần cẩn trọng hơn với virus corona?
Bệnh tiểu đường, tim mạch và nhiều bệnh mãn tính khác sẽ làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Ví dụ như tiểu đường, đường huyết cao có thể gây biến chứng trên khắp các cơ quan quan trọng như tim, phổi, mắt, thận… Trên nền miễn dịch yếu như vậy, nếu có thêm sự xâm nhập của virus, người bệnh sẽ gặp nhiều rủi ro hơn.
Bên cạnh đó, hầu hết những người bị tim mạch, tiểu đường đều có tuổi khá cao. Khi này cơ thể đã lão hóa, cần sự hỗ trợ từ thuốc để cân bằng lại. Nếu có virus tấn công sẽ khiến cán cân bị nghiêng lệch và dẫn đến vòng xoáy bệnh lý rất khó điều trị. Thực tế thống kê cũng cho thấy, những người tử vong vì nCoV hiện tại chủ yếu rơi vào các đối tượng có bệnh nền như tiểu đường, tim mạch, phổi…
Người bệnh tiểu đường, tim mạch cần thực hiện đúng các biện pháp phòng virus corona.
Cách phòng tránh virus corona cho người tiểu đường tim mạch
Có rất nhiều cách phòng ngừa virus corona. Ví dụ như hạn chế đến nơi đông người, đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay, ăn uống lành mạnh, dùng các thực phẩm nấu chín. Tuy nhiên điều quan trọng là người bệnh cần biết cách áp dụng đúng thì mới có thể phòng virus hiệu quả.
Khi sử dụng khẩu trang cần lưu ý gì?
Hiện nay hầu hết mọi người đều đang đau đầu về việc tìm đâu ra khẩu trang. Nhưng có 3 lưu ý quan trọng phải nhớ khi sử dụng khẩu trang để phòng nCoV. Thứ nhất là lúc nào phải dùng, thứ hai là dùng thế nào cho đúng và cuối cùng là không bị khẩu trang “ru ngủ”.
Khẩu trang y tế, khẩu trang N95 chỉ thực sự cần thiết với những người tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh. Ví dụ như những người làm việc trong phòng thí nghiệm, bác sĩ, y tá hoặc khi vào bệnh viện khám bệnh, đi thăm người ốm. Còn nếu đến những nơi không quá đông người, không có nguy cơ lây nhiễm cao thì sử dụng khẩu trang vải thông thường cũng có thể cản được các giọt bắn chứa virus.
Khi sử dụng khẩu trang, nếu là khẩu trang y tế có 2 mặt thì nên đeo mặt màu xanh hoặc mặt bóng hơn ra bên ngoài. Bởi đây là mặt không ngấm nước, sẽ ngăn chặn các giọt bắn không đọng lại và xâm nhập vào bên trong. Khi đeo cần đeo trùm hết mũi. Đặc biệt phải nhớ khẩu trang y tế là dùng 1 lần, sau khi dùng xong phải tháo ở phần dây rồi cho vào sọt rác.
Nhiều người nghĩ chỉ cần đeo khẩu trang là đủ để ngăn các giọt bắn. Nhưng điều này rất sai lầm, bởi giọt bắn chứa virus có thể rơi vào các vật dụng hàng ngày và tồn tại ở đó đến 12 tiếng. Mà nhiều khi chúng ta hay có thói quen chạm tay vào sau đó đưa lên sờ vào mặt, mắt, mũi miệng khiến virus xâm nhập vào cơ thể. Vì vậy, bên cạnh khẩu trang, người ta mới khuyến cáo phải rửa thay thường xuyên và đúng cách.
Theo BS Xuân, để phòng virus corona, ngoài dùng khẩu trang, người bệnh cần rửa tay thường xuyên.
Rửa tay như thế nào là đúng cách?
Tại bệnh viện sẽ có những dung dịch sát khuẩn chuyên dụng. Nhưng ở nhà, chúng ta chỉ cần rửa tay kỹ bằng xà phòng trong ít nhất 20s. Khi rửa phải lấy ít nhất 1 - 2ml dung dịch rửa tay sau đó rửa theo đúng 6 bước Bộ Y Tế khuyến cáo, mỗi bước làm 5 - 6 lần. Có như thế mới đảm bảo tay đã được làm sạch.
Ngoài rửa tay, chúng ta cũng phải chú ý vệ sinh những nơi mà mình hay tiếp xúc. Ví dụ như bàn làm việc, sàn nhà, tay nắm cửa, điện thoại, chìa khóa… Có thể dùng cồn trên 60 độ hoặc chính dung dịch rửa tay để làm sạch.
Có cần đeo kính để phòng virus corona không?
Ở những nơi có nguy cơ nhiễm virus corona cao, ví dụ như bệnh viện, bác sĩ khi tiếp xúc với người bệnh sẽ có kính chuyên dụng, đồ bảo hộ để giảm nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên bình thường thì không phải lúc nào cũng cần đeo kính. Ngay cả trong khuyến cáo của WHO cũng chỉ dừng ở mức đeo khẩu trang. Thay vì băn khoăn với việc có cần đeo kính không, chúng ta nên chú ý đến việc sửa tay bên cạnh đeo khẩu trang.
Tinh dầu có phòng virus corona được không?
Muốn diệt virus thì phải có những chất chuyên dụng. Còn nhìn chung tinh dầu giúp tạo không khí thông thoáng là chính. Để sát khuẩn phòng virus corona, nên dùng dung dịch sát khuẩn, xà phòng nhiều lần trong ngày, đặc biệt sau khi tiếp xúc với những nơi có nguy cơ cao ví dụ như thang máy, bệnh viện…
BS Xuân chỉ ra các sai lầm khiến việc phòng virus corona không hiệu quả.
Tại sao phải giữ nhà cửa thông thoáng?
Virus họ corona dễ phát triển trong môi trường lạnh và kém thông gió. Kinh nghiệm chống dịch SARs cũng cho thấy, tại những nơi càng đóng kín thì nguy cơ lây nhiễm lại càng cao. Do vậy để chống dịch SARs lây lan, người ta phải mở cửa ra cho thông thoáng, một số nơi còn dùng bồ kết, sả xông. Quần áo thì phơi nắng hoặc sấy.
Nên ăn gì, tập luyện như thế nào để tăng sức đề kháng?
Thực tế thì người bệnh tiểu đường, tim mạch lúc nào cũng cần tăng sức đề kháng. Chứ không phải vì virus corona mới làm. Nhưng trong lúc mà dịch lây lan mạnh như hiện nay, chúng ta phải tuyệt đối tuân thủ các khuyến cáo.
Về ăn uống, nguyên tắc chung là phải ăn đủ dinh dưỡng và phù hợp với tình trạng bệnh. Nhiều người ăn uống kiêng khem quá lại khiến cơ thể không hấp thu được dưỡng chất, không tốt cho hệ miễn dịch và tim mạch.
- Rau củ quả: Nên ăn các loại như súp lơ, rau cải, ớt chuông, rau lá màu xanh sẫm, quả bơ, cam quýt - các loại chứa nhiều vitamin như vitamin C. Một số người hay bổ sung vitamin C bằng đường uống, tiêm truyền thay cho việc ăn rau củ. Tuy nhiên việc bổ sung vitamin cũng cần lộ trình và liều lượng. Không phải cứ uống vào là sức đề kháng tăng luôn. Cái gì quá tải cũng không tốt.
- Chất béo: Nên ăn chất béo từ thực vật. Bởi chất béo sẽ giúp hấp thu các vitamin tan trong dầu tốt cho hệ miễn dịch như A, E. Nếu ăn kiêng dầu mỡ quá thì cơ thể không hấp thu được các vitamin này.
- Tinh bột: Cần hạn chế những thực phẩm chứa nhiều tinh bột đã qua tinh chế như bánh kẹo hoặc trái cây nhiều đường (mít, nhãn…). Thay vào đó ăn nhiều các loại hạt như hạnh nhân...
- Chất đạm: Ăn giảm các loại thịt đỏ.
- Gia vị: ưu tiên các gia vị có tính ấm hoặc được coi là kháng sinh tự nhiên như gừng, tỏi. Tuy nhiên, cũng không nhất thiết phải ngậm tỏi sống hàng ngày như nhiều người vẫn làm. Bởi tỏi có mùi khá nặng, đồng thời nếu muốn sát khuẩn họng cũng có các loại nước sát khuẩn chuyên dụng như nước muối sinh lý. Đặc biệt, người tim mạch, huyết áp cao phải tiếp tục ăn giảm muối.
- Đồ uống: nên uống nước ấm để họng không bị khô, không nên uống rượu. Lượng nước trung bình mỗi ngày nên rơi vào khoảng 1 - 2 lít, trừ trường hợp bị suy tim, có khuyến cáo khác của bác sĩ về lượng nước phải uống/ngày
Người bệnh nên bổ sung vitamin C bằng chế độ ăn thay vì các viên uống TPCN.
Về tập luyện, người bệnh cần duy trì tập thể dục mỗi ngày để tăng lưu thông máu, giảm stress căng thẳng. Việc tập luyện cần phù hợp với thể lực và sức khỏe của mỗi người. Đôi khi chỉ cần đi bộ nhẹ nhàng, tập vẩy tay, không nhất thiết cứ phải chạy hay bằng mọi giá phải đi được 3km chẳng hạn. Thậm chí, việc quét nhà, làm việc nhà cũng được coi là thể dục ở mức độ nhẹ.
Nhìn chung với người bệnh tiểu đường, tim mạch, điều quan trọng nhất để phòng ngừa virus corona là phải có sức đề kháng tốt, kết hợp điều trị các bệnh lý nền (đường huyết, mỡ máu, huyết áp…) tốt. Muốn điều trị các bệnh lý nền tốt thì người bệnh phải dùng thuốc theo đúng hướng dẫn. Ví dụ thuốc huyết áp, có người phải dùng buổi sáng, có người lại dùng buổi trưa chiều. Đó là tùy thuộc vào cơ địa, nhịp sinh học của mỗi người nên phải tuân thủ chặt. Có như vậy thuốc mới phát huy tác dụng đúng vào thời điểm mà huyết áp tăng cao được.
Virus corona vẫn đang tiếp tục lây lan và chưa có thuốc điều trị. Mọi người, đặc biệt là người tiểu đường, tim mạch không nên chủ quan nhưng cũng không nên lo lắng thái quá với virus này. Bởi việc lo lắng sẽ khiến đường huyết, huyết áp tăng, gây hại cho hệ miễn dịch - hàng rào bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của virus. Với những kiến thức mà BS Đặng Thị Xuân chia sẻ kể trên, tin rằng sẽ giúp bạn khống chế được dịch bệnh nCoV một cách hiệu quả.
Biên tập viên Đông Tây
Tổng hợp theo tư vấn của BS Đặng Thị Xuân
Bình luận