Bạn đã chuẩn bị gì phòng khi dịch covid - 19 bùng phát?
Đầu tiên, giữ thái độ bình tĩnh, lạc quan nhưng không chủ quan
Theo thống kê về tình hình dịch Covid-19, có đến 81% trường hợp nhiễm nhẹ và sau đó tự khỏi nhờ hệ miễn dịch của cơ thể đã diệt được virus. Chỉ có 14% trường hợp người nhiễm bị viêm phổi rất nặng phải điều trị hỗ trợ và 5% bệnh trạng rất nặng, có thể tử vong. Vì thế, bạn không có điều gì phải lo lắng, chỉ cần làm theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đặc biệt cần chú trọng các biện pháp phòng dịch cho người già trên 60 tuổi - đối tượng dễ bị nhiễm virus corona nhất và rủi ro cũng cao hơn các lứa tuổi khác.
Thứ hai, kiểm tra để đảm bảo đủ thuốc và các dụng cụ y tế cần thiết
Thực tế thời gian qua cho thấy, khi biết mình sống gần khu vực có người nhiễm Covid - 19, người dân đều chỉ “chăm chăm” dự trữ thực phẩm. Tuy nhiên, đó không phải là ưu tiên hàng đầu. Việc đảm bảo đủ thuốc và các dụng cụ y tế cần thiết cho các thành viên trong gia đình thực sự cần kíp hơn cả.
Dưới đây là bản danh sách những loại thuốc và dụng cụ y tế hữu ích bạn nên chuẩn bị trước :
- Thuốc theo đơn: cần chuẩn bị tối thiểu thuốc đủ dùng trong 30 ngày nếu bạn hay người nhà mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, đái tháo đường, viêm tắc phế quản phổi mãn tính…
- Thuốc hạ sốt và giảm đau (Paracetamol hoặc Ibuprofen):chuẩn bị vài liều theo loại cho người lớn và trẻ nhỏ. Tốt nhất, với Paracetamol nên mua dạng sủi để dễ hấp thu và tác dụng nhanh hơn.
- Thuốc ho và cảm lạnh thông thường: mỗi loại một ít (Cảm Xuyên Hương, Bổ phế hoặc 1 số loại siro ho...)
- Thuốc chống tiêu chảy (men tiêu hóa và Berberin)
- Dung dịch cung cấp chất điện giải: khoảng 10 gói Oresol để bù nước khi cơ thể mất nước.
- Muối hạt: khoảng 1kg để pha nước súc họng cho cả gia đình, giúp sát khuẩn và phòng lây nhiễm virus.
- Xịt mũi phun sương hoặc nước muối biển sâu: 1 - 2 lọ để làm sạch, hạn chế khả năng virus xâm nhập qua đường niêm mạc mũi.
- Nước muối sinh lý: khoảng 10 lọ, dùng để vệ sinh cả mắt và mũi đều được.
- Nhiệt kế điện tử là tốt nhất và nên chuẩn bị khoảng 2 cái để dự phòng.
- Máy đo huyết áp/ máy đo đường huyết và que thử/ máy khí dung - nếu gia đình có người bị tăng huyết áp hoặc tiểu đường, viêm tắc phế quản phổi mãn tính (COPD)...
- Cồn y tế (có độ cồn từ 70 độ trở lên): 0,5 - 1 lít để vệ sinh các bề mặt trong gia đình như tay nắm cửa, mặt bàn,...
- Găng tay y tế: 1 hộp, dùng khi vệ sinh nhà cửa, nếu không mua được có thể thay bằng vài chiếc găng tay nilon, găng tay cao su.
- Khẩu trang y tế/ khẩu trang kháng khuẩn 3 lớp/ khẩu trang vải: 2 hộp hoặc 2 cái/người, đeo thường xuyên để đề phòng lây nhiễm.
Xà phòng, nước rửa tay: chai đủ dùng cho gia đình để vệ sinh tay sạch sẽ, đặc biệt là sau mỗi khi ho hay hắt hơi.
Đảm bảo tủ thuốc gia đình luôn đầy đủ và các loại thuốc được sắp xếp theo nhóm
Thứ ba, chuẩn bị thực phẩm và một số nhu yếu phẩm cơ bản
Chúng ta đều biết nên hạn chế ăn thực phẩm đông lạnh vì mức độ ngon và độ dinh dưỡng đều kém hơn so với thực phẩm tươi sống, nhưng trong điều kiện cách ly việc dự trữ thực phẩm trong khoảng 2 tuần đến 1 tháng giúp bạn chủ động trong mọi tình thế. Dưới đây là danh sách một số loại thực phẩm gợi ý cho bạn:
- Thịt, cá, tôm: nên mua cả đồ tươi để cấp đông và một ít đồ đóng hộp như thịt hộp, cá hộp…
- Rau, củ quả: nên chọn các loại có thể bảo quản được dài ngày như bí đao, bí ngô, trái cây tươi, nước trái cây đóng hộp…...
- Chất bột đường: gạo, mì tôm, bánh ngọt, sữa, yến mạch, đậu, đỗ..
- Chất béo: bơ đậu phộng hoặc các loại hạt, dầu ăn...
- Nước đóng chai/đóng bình: 10-20 chai.
- Giấy ăn, giấy vệ sinh đủ cho cả gia đình dùng trong tháng
- Băng vệ sinh, bỉm cho em bé/cho người bệnh nằm 1 chỗ đủ dùng trong 1 tháng.
- Túi đựng rác: 1 - 2 kg (cả loại nhỏ để bọc chân khi cần)
- Xà phòng giặt tay: 0.5 - 1 kg
- Nước Javen (tẩy rửa): 1 - 2 chai
- Áo mưa giấy (mặc thay đồ bảo hộ): 10 cái
- Bình xịt có thể chứa được 300 - 500ml: 01 chiếc, để dùng khử khuẩn khi cần.
Thứ tư, chủ động tăng cường sức đề kháng cho bản thân và gia đình
Sức đề kháng tốt có thể giúp cơ thể ngăn cản sự xâm nhập của virus. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi Covid-19 chưa có thuốc chữa trong khi tốc độ lây lan của dịch bệnh này diễn ra quá nhanh chóng. Những việc đơn giản như tăng cường ăn nhiều trái cây, rau; tập thể dục thường xuyên, ngủ đúng giờ và đủ giấc, hạn chế thuốc lá, rượu, bia,... đều là các biện pháp giúp bạn có sức khỏe tốt hơn và giảm khả năng mắc bệnh.
Cuối cùng, lưu lại các thông tin cần biết, in ra giấy và dán ở nơi dễ nhìn nhất trong nhà
Hướng dẫn của Bộ y tế khi có triệu chứng nghi ngờ và danh sách các bệnh viện có xét nghiệm Covid-19 là hai thông tin cơ bản cần in ra giấy và dán ở nơi dễ nhìn nhất trong nhà. Điều này sẽ giúp bạn và gia đình chủ động khi có vấn đề xảy ra cũng như hạn chế được mức độ lây nhiễm.
Tóm lại, dù với những khu vực bị phong tỏa, nhà nước đều có chính sách cụ thể hỗ trợ cho người dân. Tuy nhiên, việc chuẩn bị trước những thứ cần thiết đề phòng bị cách ly bất ngờ sẽ giúp bạn và gia đình có tâm thế chủ động hơn trong thời điểm đại dịch Covid-19 lây lan nhanh chóng như hiện nay.
Biên tập viên sức khỏe Đông Tây
Nguồn tham khảo: health.harvard.edu và cnet.com
Triệu chứng của Covid-19: Chớ nhầm với cảm cúm, cảm lạnh
Cách phòng virus corona “chuẩn” cho người tiểu đường, tim mạch
Bình luận