Phương pháp mới làm tăng hiệu quả của kỹ thuật đốt điện tim điều trị nhịp nhanh thất
Điều trị nhịp nhanh trên thất bằng sóng Radio frequency (RF) là một phương pháp can thiệp tim mạch hiện đại, ưu việt mà các phương pháp điều trị khác như dùng thuốc hay phẫu thuật không thể đạt được hiệu quả tối ưu. Tỷ lệ điều trị thành công nhịp nhanh trên thất thủ thuật đốt điện tim bằng sóng cao tần vào khoảng 90 – 98%.
Mấu chốt của phương pháp này là xác định chính xác vị trí khởi phát hoặc kích thích khởi phát xung điện bất thường gây cơn nhịp nhanh (ổ tạo nhịp khác ngoài nút xoang - máy tạo nhịp tim tự nhiên của cơ thể theo lẽ thông thường), sau đó triệt đốt bằng năng lượng sóng có tần số Radio đến mức tín hiệu bất thường này không thể truyền đi được nữa. Trong suốt quá trình đó, điều quan trọng và đầy thách thức chính là làm sao để xác định chính xác ổ tạo nhịp bất thường, tránh nhầm lẫn với các mô tim khỏe mạnh.
Phương pháp quang phổ cận hồng ngoại làm tăng hiệu quả điều trị của phương pháp cắt đốt điện sinh lý bằng sóng Radio
Trên tạp chí Biomedical Optics Express, nhóm nghiên cứu từ Đại học Columbia đã công bố phát hiện mới của họ nhằm tăng hiệu quả của thủ thuật đốt điện tim và hạn chế tối đa biến chứng của phương pháp này. Đó là sử dụng một ống thông kết hợp ánh xạ quang phổ cận hồng ngoại để phân biệt được các loại mô khác nhau trong tim, từ đó đốt chính xác ổ loại nhịp.
Các nhà nghiên cứu đã chiếu quang phổ cận hồng ngoại với dải bước sóng rộng vào mô và phát hiện ánh sáng bị phản xạ trở lại. Phổ phản xạ này cung cấp thông tin về thành phần mô dựa trên đặc tính hấp thụ và tán xạ của nó, do các mô mỡ, cơ đều có các đặc tính phụ thuộc bước sóng tán xạ và hấp thụ khác nhau.
Phương pháp mới này được kỳ vọng có thể chuyển giao cho các bệnh viện để làm tăng hiệu quả, cải thiện tỷ lệ thành công của liệu pháp cắt bỏ tần số vô tuyến và giảm các biến chứng liên quan cho bệnh nhân nhịp nhanh thất. Ngoài ra, nó còn cung cấp thông tin có thể được sử dụng để phát triển các mô hình tính toán mới, giúp thúc đẩy khám phá các cơ chế liên quan đến rối loạn nhịp tim.
Tuy nhiên, sử dụng quang phổ cận hồng ngoại trong quá trình cắt đốt điện sinh lý bằng sóng Radio đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải phát triển các ống thông kết hợp sợi quang để phát và phát hiện ánh sáng. Các nhà nghiên cứu cũng cần phát triển các kỹ thuật xử lý dữ liệu để hiển thị bản đồ mô giải phẫu và hệ thống theo dõi ống thông để cho phép lập bản đồ không gian của mô.
Hiện các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu ở động vật lớn để kiểm tra hiệu quả của phương pháp này.
Biên tập viên sức khỏe Đông Tây
Nguồn tham khảo: Medicalxpress
Bình luận