Rung nhĩ là dạng rối loạn nhịp tim thường gặp, bệnh có thể gây ra biến chứng huyết khối (cục máu đông), dẫn tới đột quỵ. Một nghiên cứu mới công bố của Hàn Quốc cho thấy rung nhĩ còn làm tăng tỷ lệ mắc chứng mất trí nhớ.

Nguy cơ suy giảm trí nhớ tăng cao ở người bị rung nhĩ

Nguy cơ suy giảm trí nhớ tăng cao ở người bị rung nhĩ

Chúng ta đều biết rằng, mất trí nhớ là một dạng sa sút trí tuệ có thể xảy ra khi não gặp tổn thương như đột quỵ, chấn thương não. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng rung nhĩ còn làm gia tăng tỷ lệ mắc chứng sa sút trí tuệ, ngay cả khi người bệnh không bị đột quỵ.

Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sa sút trí tuệ ở người rung nhĩ

Nghiên cứu được tiến hành từ năm 2004 trên 263.000 người Hàn Quốc từ 60 tuổi trở lên không bị rung nhĩ và sa sút trí tuệ. Trong thời gian theo dõi kéo dài đến cuối năm 2013, hơn 10.400 người tham gia đã được chẩn đoán bị rung nhĩ. Trong số những người bị rung nhĩ đó, khoảng 24% người được chẩn đoán mắc chứng sa sút trí tuệ. Ở những người không bị rung nhĩ, con số này chỉ là 14%.

Và giữa những người bị rung nhĩ và dùng thuốc chống đông như Warfarin (Coumadin) hoặc thuốc chống đông máu không chứa vitamin K như Dabigatran (Pradaxa), Rivaroxaban (Xarelto), Apixaban (Eliquis), Edoxaban (Savaysa) thì nguy cơ sa sút trí tuệ được giảm 40% so với những bệnh nhân không dùng. Đặc biệt là các thuốc chống đông thế hệ mới an toàn hơn như Eliquis và Xarelto.

Mối liên hệ giữa sa sút trí tuệ và bệnh rung nhĩ

Dù chưa thể giải thích được mối liên hệ này nhưng trưởng nhóm nghiên cứu - giáo sư tim mạch và nội khoa Boyoung Joung (Đại học Y khoa Yonsei, Hàn Quốc) cho biết:

"Chúng tôi phát hiện ra rằng những người bị rung nhĩ tăng 50% nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ so với những người không mắc loại rối loạn nhịp tim này. Nguy cơ này cũng tăng kể cả khi nhóm nghiên cứu đã loại bỏ những người bị đột quỵ ra khỏi danh sách nghiên cứu.

Như vậy, cứ 100 người sẽ có 1,4 người mắc chứng sa sút trí tuệ nếu được chẩn đoán mắc chứng rung nhĩ. Nguy cơ thường xảy ra ở những người trên và dưới 70 tuổi.

Đồng thời, giáo sư Joung cho biết, rung nhĩ cũng làm tăng 30% nguy cơ mắc bệnh Alzheimervà tăng gấp đôi nguy cơ sa sút trí tuệ mạch máu (một dạng sa sút trí tuệ liên quan tới tổn thương mạch máu não do đột quỵ, các vấn đề về mạch máu não).

Nhưng có một tin tốt đó là: Người bị rung nhĩ dùng thuốc chống đông máu để ngăn ngừa đột quỵ cũng có thể giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ hơn so với những người không dùng.

Bệnh nhân rung nhĩ dùng đầy đủ thuốc chống đông máu và điều trị tốt sẽ làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ

Bệnh nhân rung nhĩ dùng đầy đủ thuốc chống đông máu và điều trị tốt sẽ làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ

Kết quả nghiên cứu này một lần nữa khẳng định được mối liên hệ giữa rung nhĩ và nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ ở người bệnh. Các nhà nghiên cứu tin rằng phát hiện mới này sẽ làm nâng cao hiệu quả điều trị và giúp tăng cường sự tuân thủ điều trị tốt hơn của cả bệnh nhân và bác sĩ.

Biên tập viên sức khỏe Đông Tây

Nguồn tham khảo: medicinenet.com

Bình luận