Phẫu thuật thành công 3 ca dị tật tim bẩm sinh phức tạp nhất
Một bệnh lý thách thức đôi tay và khối óc của phẫu thuật viên
PGS.TS. Lê Ngọc Thành - Giám đốc TTTM BV E, Phó Giám đốc BV (người tham gia các ca phẫu thuật cùng GS. Sano) cho biết: 3 bệnh nhi đều bị teo động mạch phổi (ĐMP) bẩm sinh loại 4 kèm thông liên thất. Đây là một dị tật bẩm sinh hết sức phức tạp và nguy hiểm, tính mạng bệnh nhân (BN) có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào. Trong hầu hết các trường hợp, BN sống trong tình trạng thiếu máu lên phổi và sẽ tử vong. Một số BN có tuần hoàn phụ quá nhiều sẽ làm lưu lượng máu lên phổi lớn gây tình trạng tăng áp lực ĐMP nặng, BN sẽ tử vong vì hỏng phổi.
Cũng theo PGS.TS. Lê Ngọc Thành, chẩn đoán được ra bệnh đã khó, xác định xem BN có thể phẫu thuật được hay không là một thách thức không dễ dàng. Thứ nhất phải xem tâm thất phải còn hoạt động được, chấp nhận để sửa chữa không? Thứ hai phải xác định có thể gom các nhánh tuần hoàn phụ để biến thành ĐMP không? Để làm được điều này phải có 1 ống dẫn có van thay thế ĐMP để nối từ thất phải lên phổi. Thách thức thứ 3 là phải tiên lượng được liệu phổi có khả năng chịu đựng được khi gộp các nhánh tuần hoàn lại như thế không?... Sau khi chuẩn bị, tiên lượng và lên kế hoạch hết sức kỹ càng, kíp mổ dưới sự hỗ trợ về kỹ thuật của GS. Sano đã tiến hành tìm các nhánh tuần hoàn phụ: nhánh lớn gom lại thành ĐMP, nhánh nhỏ thắt lại; sau đó cắm ống dẫn có van vào thất phải và nối các nhánh tuần hoàn phụ cùng các nhánh phổi vào ống dẫn có van. Máu sẽ từ thất phải qua ống dẫn có van lên 2 phổi (giá thành 1 ống dẫn xấp xỉ 5.000 USD do GS. Sano mang từ Nhật Bản sang tặng cho các bệnh nhi). Các ca mổ đã diễn ra tốt đẹp, các thông số về huyết động của BN đã ổn định ngay sau phẫu thuật.
Bé Đình A. được chăm sóc hồi sức sau mổ.
Một trong 3 bệnh nhi được phẫu thuật thành công là trường hợp cảm động của bé Lê Trần Đình A. Phải tới lần tinh nhân tạo thứ tư, vợ chồng anh Lê Đình H, 29 tuổi (Hà Nội) mới sinh được bé vào tháng 1/2013. Tuy nhiên chưa đầy 1 tháng, bé Đình A bị viêm phổi, phải nằm điều trị 15 ngày tại BV Nhi Trung ương. Các bác sĩ đồng thời phát hiện bé A bị tim bẩm sinh. Bé Đình A đã được làm thông tim và tổ chức hội chẩn 3 lần. Các bác sĩ khuyên vợ chồng anh H cố gắng chăm sóc con và đợi dịp chuyên gia nước ngoài sang giúp đỡ ca bệnh khó này.
Không thể ngồi đó nhìn con nguy hiểm từng ngày, anh H tìm đọc các thông tin và được giới thiệu đến TTTM BV E. Không những thế, anh H đã tự tìm hiểu và biết được danh tiếng, địa chỉ email của GS. Sano. Anh H đã viết thư và được GS. Sano trực tiếp trả lời, khuyên nên cho con nhập viện tại TTTM BV E, làm các thủ tục cần thiết, GS sẽ sang Việt Nam vào tháng 6 trong chương trình hợp tác giữa Nhật Bản với TTTM BV E dưới sự hỗ trợ của JICA. Ngày 26/6, bé Đình A may mắn là 1 trong 3 bệnh nhi tim bẩm sinh phức tạp nhất đã được GS. Sano phẫu thuật cứu sống.
Triển vọng mới cho phẫu thuật tim mạch Việt Nam
Chia sẻ về các ca bệnh khó vừa được phẫu thuật thành công, GS. Shunji Sano cho biết, hiện ở Nhật Bản cũng chỉ có 1-2 cơ sở có thể thực hiện được kỹ thuật này. Là chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật tim bẩm sinh với nhiều kỹ thuật mổ tim đã được viết thành sách giáo khoa tại Mỹ và Nhật Bản, GS. Sano đã đánh giá rất cao tay nghề và sự nhanh nhạy của các bác sĩ Việt Nam. Ông khẳng định: “Trước một kỹ thuật mới dù có khó thế nào nhưng bác sĩ ở đây cảm nhận và học tập được ngay. Nếu như các nước khác mất từ 1-2 năm để học tập một kỹ thuật mới thì ở Việt Nam chỉ cần 3 - 6 tháng”.
Được biết tới đây, GS. Amano - chuyên gia nổi tiếng về phẫu thuật mạch vành không cần ngừng tim của Nhật Bản sẽ sang Việt Nam để hỗ trợ và chuyển giao các kỹ thuật cao trong bệnh lý mạch vành cho các bác sĩ Việt Nam. Đây thực sự là một tin vui, mở ra triển vọng mới cho ngành phẫu thuật tim mạch nước nhà nói chung cũng như TTTM BV E nói riêng, tạo cơ hội cho người bệnh trong nước ngày càng tiếp cận với những kỹ thuật tiên tiến của thế giới.
Bình luận