Hoại tử bàn chân sau 10 ngày vì bị tiểu đường
Ngày đầu tiên, da có màu đỏ, hơi sưng. Đến ngày thứ 3, nó đã phồng rộp và ngày thứ 6 các mô hoại tử dần. Đến ngày thứ 10 vết thương bị nhiễm trùng khủng khiếp, phần da biến thành màu đen, mưng mủ và phải phẫu thuật. Các bác sĩ tại Bệnh viện ĐH Geneva (Thụy Sĩ) cho biết bệnh nhân nhập viện 10 ngày sau khi bị nhiễm bệnh. Sau khi tiến hành các xét nghiệm, họ phát hiện người đàn ông này bị bệnh tiểu đường và biến chứng thần kinh ngoại vi dẫn tới tổn hại chi. Bệnh nhân không hề biết tình trạng bệnh của mình.
Bàn chân bị tổn thương sau 10 ngày
Bác sĩ cho biết, biến chứng ở bàn chân do đái tháo đường là những biểu hiện thường gặp nhất. Tính trên phạm vi toàn thế giới, cứ 30 giây lại có 1 bệnh nhân đái tháo đường bị cắt cụt chân.
Bệnh nhân đái tháo đường dễ bị nhiễm trùng hơn người bình thường, lý do là đường máu cao và tuần hoàn máu kém làm cho các phản ứng bảo vệ chống nhiễm trùng ở bệnh nhân này diễn ra chậm hơn và kém hiệu quả hơn. Bệnh nhân không cảm thấy đau hay có bất kỳ cảm giác gì khi cọ xát với một vật nào đó, điều này làm tăng khả năng phát triển của vết thương, nhiễm trùng lan rộng.
Sau khi phẫu thuật cắt bỏ da chết từ vết thương, một đợt trị liệu bằng kháng sinh cao trong 3 tuần, người đàn ông trên đã khỏi hẳn. Ông được bác sĩ khuyên nên giảm bớt cân nặng giúp kiểm soát bệnh tiểu đường dễ dàng hơn.
Lê Anh (Theo Newsrt)
Bình luận