Đối tượng bệnh tim mạch đang ngày càng trẻ hóa
Theo Giáo sư Nguyễn Lân Việt - Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh tim. Nếu trước kia bệnh tim mạch được coi là của người già, thì hiện nay, ngày càng có nhiều người trẻ gặp vấn đề về tim mạch. Nguyên nhân chủ yếu là béo phì, stress, nghiện thuốc lá, rượu bia, thức ăn nhanh, chế độ dinh dưỡng nhiều thịt ít rau, lười vận động...
Đáng lo ngại, nhận thức của cộng đồng về tim mạch vẫn còn hạn chế. Khảo sát của VnExpress trong tháng 9/2014 cho thấy, có đến 90% người tham gia trả lời tin rằng, bệnh tim chỉ "rình rập" người cao tuổi, béo phì hoặc có di truyền từ bố mẹ. Tại Mỹ, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng đưa ra tỷ lệ: 4 người mới có một người biết dấu hiệu báo trước và cách xử lý cơn đau tim.
Giáo sư Nguyễn Lân Việt cảnh báo, bệnh tim dễ gây tử vong nhưng phần lớn các triệu chứng lại không rõ ràng. Người bệnh và gia đình chỉ phát hiện ra khi có biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, căn bệnh này đang được coi là “sát thủ thầm lặng” của toàn nhân loại.
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2013 cho thấy, bệnh tim đã cướp đi cuộc sống của 17,5 triệu người và dự báo tăng lên 23 triệu người vào năm 2030. Cứ 2 giây lại có một người tử vong vì bệnh tim; 5 giây có một ca nhồi máu cơ tim và 6 giây có một trường hợp đột quỵ.
Bệnh có thể đề phòng từ sớm nếu thay đổi tích cực lối sống như hạn chế hút thuốc lá, rượu bia, tăng cường vận động, tập thể dục 10 - 30 phút mỗi ngày. Đồng thời, bổ sung các thực phẩm có lợi cho tim như rau củ (bông cải, bí ngô, cà rốt…); các loại hạt ngũ cốc; trái cây; thịt nạc... Nên sử dụng loại dầu đậu nành được Hội Tim Mạch Việt Nam khuyên dùng khi chiên xào, nhằm giảm lượng cholesterol trong máu.
Ngoài ra, tránh căng thẳng và stress kéo dài, giữ cơ thể thư thái sẽ giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch. Đây cũng là thông điệp "Tạo môi trường lành mạnh cho một trái tim khỏe" của Ngày Tim mạch Thế giới - 29/9 năm nay.
Theo Vnexpress
Bình luận