Theo nguồn thông tin của FDA (cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ), hai bệnh nhân sinh sống tại California bị tử vong do nhiễm một loại vi khuẩn có tên là Enterobacteriaceae (CRE) từ thiết bị nội soi đường mật. Theo thông tin chính thống của tổ chức y tế tại Los Angeles thì phạm vi lây nhiễm đã lên đến 180 người bệnh.CRE là một loại vi khuẩn có khả năng kháng nhiều loại thuốc kháng sinh. Do đó khi bị lây nhiễm nếu không được phát hiện kịp thời sẽ rất khó điều trị và nguy cơ tử vong là rất lớn. Đã hơn 370 trường hợp bị nhiễm loại vi khuẩn này từ thiết bị nội soi đường mật. Hai trường hợp tử vong tại California là một cảnh báo để chúng ta kịp thời phát hiện và ngăn chặn dịch truyền nhiễm CRE.
Nhiễm vi khuẩn CRE từ thiết bị nội soi đường mật có thể gây tử vong
Tiến sĩ Martin Freeman, trưởng khoa tiêu hóa - gan mật tại Trung tâm y tế trường Đại học Minnesota chia sẻ: “Mọi người không nên quá lo lắng về mối nguy hại này. Chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát và tìm ra hướng giải quyết thích hợp."
Thiết bị nội soi đường mật có thể là “ổ chứa” vi khuẩn
Dụng cụ nội soi đường mật là một loại thiết bị y tế khá phức tạp trong ngành nội soi và thường được tái sử dụng lại. Dụng cụ này là một ống nhỏ, đầu dò có gắn camera được đưa vào thực quản, ruột non rồi vào trong ống mật, ống tụy giúp kiểm tra đường mật, đường tụy. Kỹ thuật này thường được yêu cầu dùng trong xét nghiệm ung thư đường mật, cắt túi mật, đặt stent đường mật, phát hiện những dị dạng bẩm sinh trong đường mật... Do được tái sử dụng nên chúng hoàn toàn có thể chứa vi khuẩn truyền nhiễm từ người này sang người khác ngay cả sau khi đã được vệ sinh sạch sẽ. Nguyên nhân là do, trong quá trình phẫu thuật, dịch của cơ thể và các mảnh vụn hữu cơ có thể bị rớt lại trên những đường nứt nhỏ trong thiết bị khó có thể làm sạch hoàn toàn.
Trong năm 2011,Tiến sĩ Bret Petersen đã cộng tác với một số nhóm y tế hướng dẫn cách kiểm soát chất lượng các thiết bị nội soi đường mật và ghi nhận sự lây truyền của CRE vẫn còn hiếm gặp. Nhưng ngay sau năm 2013 đến năm 2014 đã có khoảng 135 người bệnh nhiễm CRE trong số 500,000 người được theo dõi.
Làm sạch thiết bị nội soi đường mật để bảo vệ người bệnh
Sau cái chết của 2 người bệnh ở California, FDA khuyến cáo các thiết bị nội soi đường mật cần phải làm sạch và khử trùng kỹ lưỡng. Tuy đây là thiết bị rất khó làm sạch hoàn toàn, nhưng các bác sỹ và nhân viên y tế phải hết sức lưu ý.
Đây là một vấn đề còn hạn chế trong ngành y học và để đối phó với rủi ro này, cách tốt nhất người bệnh nên hỏi bác sĩ của mình trước mỗi ca phẫu thuật để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng.
Thông thường các thiết bị nội soi sẽ được đặt bên trong khu vực sát khuẩn của bệnh viện. Ngay sau khi phẫu thuật các thiết bị cần được làm sạch và sấy khô bởi kỹ thuật viên trong phòng tái chế.
Trong năm 2012, Sở Y Tế Minnesota cũng đã thực hiện chương trình giám sát các thiết bị nội soi, yêu cầu tất cả các cơ sở y tế cần thực hành tốt việc vệ sinh dụng cụ kỹ thuật y tế để ngăn ngừa lây truyền. Hi vọng, với ý thức và trách nhiệm của mình, các cơ sở chăm sóc sức khỏe, bệnh viện sẽ thường xuyên thực hành kiểm soát nhiễm trùng và vệ sinh các thiết bị y tế nghiêm chỉnh.
Biên tập viên sức khỏe Đông Tây
Trích nguồn: http://www.startribune.com
Bình luận