Thời gian gần đây, số ca bệnh đau mắt đỏ trên cả nước đang tăng vọt và có không ít trường hợp xuất hiện biến chứng nặng nề như viêm, loét giác mạc, mù vĩnh viễn… Vậy bệnh lây qua những con đường nào và làm sao để nhận biết cũng như điều trị đau mắt đỏ? Cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé!

Đau mắt đỏ lây qua đường nào?

Đau mắt đỏ hay viêm kết mạc là bệnh rất dễ lây lan thành dịch nếu chúng ta không có biện pháp phòng ngừa chặt chẽ. Sau đây là 4 đường lây phổ biến của bệnh: 

  • Tiếp xúc trực tiếp với người mắc: Qua đường hô hấp, nước bọt, nước mắt, nắm tay…
  • Tiếp xúc gián tiếp qua các vật trung gian bị nhiễm vi rút, vi khuẩn gây bệnh: Tay nắm cửa, lan can cầu thang, nút ấn, đồ chơi, ruồi, nhặng… 
  • Dùng chung vật dụng với người bệnh: Dùng cùng khăn mặt, cốc, bàn chải đánh răng, chậu rửa mặt, kính mắt, chăn gối… 
  • Sử dụng nguồn nước nhiễm mầm bệnh: Nước ao, bể bơi… 

Bể bơi công cộng là một trong những nơi dễ lây lan bệnh đau mắt đỏ

Từ những đường lây này, chúng ta có thể chủ động phòng bệnh đau mắt đỏ bằng một số biện pháp:

  • Thường xuyên vệ sinh mắt, mũi họng hàng ngày với nước muối sinh lý và rửa sạch tay bằng xà phòng sát khuẩn.
  • Vệ sinh đồ dùng cá nhân, không dùng chung với người khác, đặc biệt các vật dụng như kính mắt, thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, khẩu trang… 
  • Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

Triệu chứng cảnh báo đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ do nhiều nguyên nhân gây ra và mỗi tác nhân lại cho biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận biết được đau mắt đỏ qua các triệu chứng đặc trưng, cụ thể:

  • Đỏ mắt: Nổi gân đỏ ở mắt, nhiều ở kết mạc mi, giảm dần ở kết mạc nhãn cầu. Hiện tượng này do cương tụ mạch máu tại lớp nông kết mạc.
  • Nhiều ghèn mắt: Ghèn hay gỉ mắt được tạo thành từ xác vi khuẩn, chất nhầy và tế bào biểu mô bị bong ra. Người bệnh sẽ thấy ghèn đóng thành từng cục, từng đám đặc quánh, dính chặt vào chân mi hoặc đọng lại ở khóe mắt, đặc biệt khi vừa thức dậy. 
  • Chảy nước mắt: Bệnh nhân có thể bị chảy nước mắt không kiểm soát.
  • Nhức, ngứa mắt: Cảm giác nhức mắt như có dị vật cộm, nóng rát trong mắt.
  • Tăng nhạy cảm với ánh sáng: Người bệnh thường thấy sợ ánh sáng, chói mắt, khó nhìn hơn. 
  • Tiết nhiều dịch ở mắt: Thường gặp ở người đau mắt đỏ do vi rút, dị ứng. Nếu nguyên nhân gây bởi vi khuẩn, dịch mủ ở mắt sẽ có màu vàng xanh. 

Ngoài ra, bệnh có thể gây một số triệu chứng nghiêm trọng hơn như đau mắt dữ dội, suy giảm thị lực… Vì vậy, khi có những dấu hiệu trên, bạn cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. 

Đỏ mắt là triệu chứng đặc trưng khi bị đau mắt đỏ

Cách điều trị bệnh đau mắt đỏ

Đa số người bị đau mắt đỏ có thể điều trị và tự theo dõi tại nhà. Nếu tác nhân gây bệnh là vi rút thông thường thì bệnh có thể tự khỏi sau 7 - 10 ngày. Thế nhưng khi các cơn khó chịu ở mắt không giảm mà còn gia tăng thì bạn cần liên hệ cho bác sĩ ngay để có biện pháp điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng nguy hiểm.  

Tự khắc phục tại nhà

Ngay khi phát hiện bị đau mắt đỏ, người bệnh nên tự cách ly trong phòng riêng, sinh hoạt tách biệt với mọi người. Bạn có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản dưới đây để giúp bệnh thuyên giảm nhanh chóng hơn: 

  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, tránh để mắt phải điều tiết nhiều làm bệnh tăng cấp độ nặng.
  • Chườm lạnh: Sử dụng khăn sạch nhúng qua nước lạnh hoặc bọc vài cục đá rồi đắp lên mặt để giảm sưng, ngứa ngáy ở mắt.
  • Rửa sạch tay và mặt bằng nước sạch: Vệ sinh mắt thường xuyên với nước muối sinh lý giúp bạn giảm bớt cảm giác ngứa, khó chịu ở mắt. 

Điều trị cùng chuyên gia y tế

Nếu tình trạng đau mắt đỏ không thuyên giảm, bạn hãy tới ngay cơ sở y tế hoặc các bệnh viện chuyên về mắt để thăm khám, xác định chính xác nguyên nhân. Căn cứ vào tác nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn phương án điều trị phù hợp:

  • Dùng thuốc nhỏ mắt chuyên dụng: Là nhóm kháng histamin chống dị ứng (Ketotifen, Bepreve, Elestat), thuốc chống viêm steroid (Alrex, Lotemax, Maxidex), nước mắt nhân tạo (Systane ultra, Refresh tears)… giúp giảm những triệu chứng sưng, đỏ, đau, ngứa ở mắt.  
  • Thuốc kháng sinh: Như Tobrex, Ciloxan, Polytrim… dùng trong trường hợp có vi khuẩn gây bệnh. Các dạng thuốc thường được sử dụng là thuốc nhỏ, mỡ tra mắt hoặc viên uống.

Nhỏ mắt bằng các loại thuốc chuyên dụng giúp giảm sưng, viêm do đau mắt đỏ

Lưu ý khi dùng thuốc

Khi sử dụng thuốc tân dược, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ về liều lượng và cách dùng. Đặc biệt với thuốc nhỏ mắt, bạn không được để đầu nhỏ chạm vào mắt, bởi tác nhân gây bệnh có thể nhiễm vào thuốc. 

Với những loại thuốc nhỏ mắt có thành phần corticoid như Tobradex, Lotemax, Alrex,  Maxidex… người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng khi chưa được bác sĩ chỉ định. Bởi lạm dụng thuốc chứa corticoid sẽ gây ức chế miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt và kéo dài thời gian phát bệnh. Trong một số trường hợp, nhóm thuốc này còn làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp và mù mắt, đặc biệt nguy hiểm ở trẻ em. 

Đau mắt đỏ vốn là bệnh lành tính nhưng rất dễ diễn biến nặng, gây những hậu quả khôn lường như đau mắt hột, viêm kết mạc mạn, loét giác mạc, thậm chí là mù vĩnh viễn. Do đó, hãy trang bị cho mình đầy đủ kiến thức về bệnh và chủ động phòng ngừa nhé! 

Nếu còn bất kỳ băn khoăn gì, bạn đọc có thể gửi bình luận bên dưới hoặc liên hệ trực tiếp cho các chuyên gia của chúng tôi để được tư vấn chuyên sâu!

Dược sĩ Đông Tây

 

Bình luận