Không ít người bệnh tim mạch quan tâm nhưng ngại hỏi: có phải mắc bệnh tim mạch thì không được “yêu”?Hiểu biết về mối liên quan giữa chuyện “yêu” và bệnh tim mạch sẽ cho cái nhìn đúng đắn về vấn đề này.

Nguoi-benh-tim-dung-ngan-ngai-khi-yeu

Người bệnh tim - đừng ngần ngại khi "yêu"

Bệnh tim mạch - "yêu", điều độ thì tốt

Với người suy tim độ I-II làm chuyện “ấy” chừng mực sẽ có lợi, người suy tim độ III cần hạn chế hơn, người suy tim độ IV nên kiêng hẳn. Người bệnh cao huyết áp có chỉ số huyết áp quá cao cần điều trị ổn định rồi mới “lâm trận” để tránh tai biến. Với người vừa bị nhồi máu cơ tim, thông thường có thể làm chuyện “ấy” sau sáu tuần, với người vừa được phẫu thuật tim thường là sau 2 - 4 tuần.

Khi bạn mắc bệnh tim mạch, nhất là sau khi vừa trải qua một biến cố lớn như đợt nhồi máu cơ tim hay được phẫu thuật tim, bạn sẽ thường để ý đến nhịp tim, nhịp thở của mình. Khi còn những điều bận tâm này, sức khỏe chưa thật ổn, có lẽ bạn sẽ không mấy hứng thú với chuyện “yêu”.

Nhiều người quan niệm chuyện “yêu” đồng nghĩa với chuyện “ấy”. Thật sự “yêu” rộng hơn nhiều, nói đến việc biểu lộ tình cảm bằng nhiều cách, thông qua một ánh mắt, cái nắm tay, cái ôm siết hay nụ hôn..., và dĩ nhiên là cả chuyện “ấy”. Dù có bệnh tim mạch, bạn và người bạn đời đừng ngại thể hiện cảm xúc bằng những cử chỉ quan tâm, chăm sóc, âu yếm...

Những hoạt động này không đòi hỏi nhiều năng lượng, không ảnh hưởng đến tim mạch, nhưng là “liều thuốc cho trái tim” hữu hiệu, giúp tinh thần thoải mái, vui vẻ nên tốt cho sức khỏe. Còn chuyện “ấy”, hãy tiến hành khi cảm thấy tự tin, sẵn sàng và không quá bận tâm về bệnh tật.

Chuyện “ấy” cũng là một hoạt động gắng sức, tiêu tốn nhiều năng lượng. Với người bệnh tim mạch, tùy theo độ nặng của bệnh mà có thể chịu được mức độ gắng sức khác nhau.

Ngưng lại nếu có triệu chứng

Không ai có thể kiểm soát những phản ứng của cơ thể lúc làm chuyện “ấy”. Khi đó biểu hiện tim mạch ở người bình thường lẫn người mắc bệnh không khác gì nhau: nhịp thở, nhịp tim và huyết áp tăng lên; đến lúc “cao trào” nhịp tim có thể lên đến 140-160 lần/phút, xong chuyện mọi thông số trở về mức trước đó. Vì vậy các biểu hiện như tim đập nhanh hơn, mạnh hơn, da trở nên nóng, ẩm là bình thường. Triệu chứng đáng quan tâm là bạn cảm thấy đau thắt ngực, mệt nhiều, khó thở...

Đây là những triệu chứng cho thấy tim đang bị quá tải trước lượng hoạt động quá sức. Khi đó bạn cần ngưng lại, nghỉ ngơi, uống thuốc nếu đã có ý kiến của bác sĩ cho những trường hợp như thế này. Nếu triệu chứng không giảm, bạn cần gặp bác sĩ để được kiểm tra.

Thuốc tim mạch và chuyện “ấy”

Một số loại thuốc tim mạch, nhất là thuốc hạ áp, có thể ảnh hưởng tới chất lượng của chuyện “ấy”. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra với một số ít người. Ngoài ra, uống thuốc theo toa điều trị sẽ giúp ổn định sức khỏe. Vì thế không nên tự ý ngừng thuốc. Bạn đừng xấu hổ mà hãy trao đổi với bác sĩ về những vấn đề gặp phải khi quan hệ, để tìm ra nguyên nhân gây trục trặc và điều chỉnh thuốc nếu cần thiết.

Với “thần dược” Viagra, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ nếu muốn dùng. Trong một số trường hợp, Viagra không được sử dụng. Chẳng hạn, nếu đang dùng thuốc nitrate, uống thêm Viagra có thể gây tụt huyết áp nhiều, nguy hiểm đến tính mạng. Viagra cũng là thuốc có nguy cơ đối với người bị huyết áp thấp, thiếu máu vành cấp, suy tim sung huyết, đang điều trị với nhiều thuốc hạ áp...

Một số biện pháp an toàn cho người bệnh tim mạch khi "yêu"

Nên làm chuyện “ấy” vào thời điểm cả hai đều cảm thấy thoải mái về tinh thần. Thời điểm tốt nhất thường là vào buổi sáng, sau một đêm được nghỉ ngơi. Cần chọn địa điểm mát mẻ, thoải mái. Tránh làm chuyện “ấy” sau bữa ăn, nên chờ 1-3 giờ để thức ăn tiêu hóa (tim không phải làm việc quá sức để cùng lúc cung cấp máu cho hệ tiêu hóa và chuyện “ấy”). Không uống rượu trước khi “lâm trận”. Tránh dùng các chất có tính kích thích như cà phê, thức ăn vị chua, cay... Tránh những tư thế phức tạp, mất sức, tránh tư thế tạo áp lực lên thành ngực gây khó thở, ép tim. Cần chuẩn bị sẵn thuốc theo lời dặn dò của bác sĩ.

Nhiều người nghĩ rằng làm chuyện “ấy” khi có bệnh tim mạch sẽ gây ra nhồi máu cơ tim, đột quỵ hay tử vong. Thật sự tỉ lệ này rất thấp, các nghiên cứu cho thấy ít hơn 1% số người bị nhồi máu cơ tim khi làm chuyện “ấy”. Không có lý do gì bắt người bệnh tim mạch kiêng khem nếu họ cảm thấy có thể và sẵn sàng. Họ chỉ cần biết điều tiết chuyện “yêu” cho phù hợp với tình hình sức khỏe của mình, tránh gây quá tải cho tim thì việc này sẽ giúp hồi phục sức khỏe, tinh thần thoải mái.

GiaoDucSucKhoe.net (Theo BS Ngô Bảo Khoa - Tuổi Trẻ)

BTV Lan Anh

Ích Tâm Khang –  Hỗ trợ giảm khó thở, hồi hộp, xơ vữa mạch vành ở người bệnh tim mạch, suy tim

Bình luận