Co thắt động mạch vành, đau thắt ngực - không thể chủ quan!
Vì sao co thắt động mạch vành xảy ra?
Tình trạng co thắt thường xảy ra ở những động mạch vành khỏe mạnh, chưa bị tổn thương do tích tụ mảng bám (mảng xơ vữa). Tuy nhiên, những người bị xơ vữa động mạch vành vẫn có nguy cơ bị co thắt mạch vành.
Các cơn co thắt là kết quả của sự gia tăng trương lực cơ tạm thời ở thành động mạch, thường chỉ xuất hiện ở một vị trí nhất định.
Co thắt động mạch vành xảy ra ở khoảng 2% số người bị đau thắt ngực. Tình trạng này phổ biến nhất ở những người hút thuốc lá hoặc có cholesterol cao/huyết áp cao.
Co thắt động mạch vành xảy ra ở mạch vành chưa bị mảng xơ vữa
Co thắt mạch vành có thể tự xảy ra không do một nguyên nhân nào hoặc được kích hoạt bằng:
- Thời tiết lạnh
- Cảm xúc căng thẳng
- Uống nhiều rượu
- Thuốc co mạch
- Các chất kích thích, chẳng hạn như cocain và amphetamine
Cocain và thuốc lá gây co thắt dữ dội ở động mạch vành, khiến tim phải làm việc vất vả hơn. Ở nhiều người, co thắt động mạch vành xảy trong khi họ không có bất kỳ yếu tố nguy cơ tim mạch nào (chẳng hạn như hút thuốc lá, bệnh đái tháo đường, huyết áp cao, cholesterol cao).
Co thắt mạch vành có triệu chứng gì?
Co thắt mạch vành có thể diễn biến thầm lặng (không triệu chứng) hoặc dẫn đến đau thắt ngực, thậm chí là nhồi máu cơ tim nếu kéo dài.
Đau thắt ngực là triệu chứng chính của co thắt động mạch vành. Cơn đau thắt ngực thường được nhận thấy ở dưới xương ức hoặc phía ngực trái, thường là đau nặng và có thể lan sang cổ, hàm, vai hoặc cánh tay.
Đặc điểm của đau ngực do co thắt động mạch vành:
- Thường xuất hiện cùng thời điểm mỗi ngày, thường vào lúc nửa đêm đến 8h sáng.
- Kéo dài từ 5 phút đến nửa tiếng
- Người bệnh có thể cảm thấy khó thở, thậm chí là ngất xỉu, mất ý thức
Co thắt động mạch vành gây đau thắt ngực
Co thắt động mạch vành có nguy hiểm không?
Nếu tình trạng co thắt mạch vành chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và người bệnh không có mảng xơ vữa động mạch, thì thường không gây nguy hiểm. Nhưng nếu các cơn co thắt diễn ra thường xuyên, kéo dài thì có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như: rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, ngừng tim, đột tử..
Ở những người bệnh đã mắc xơ vữa động mạch, tình trạng co thắt động mạch vành có thể làm gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Khám và xét nghiệm co thắt động mạch vành
Phương pháp chẩn đoán co thắt động mạch vành bao gồm hỏi triệu chứng, chụp mạch vành, siêu âm tim và điện tâm đồ.
Điều trị co thắt động mạch vành
Mục tiêu: Kiểm soát đau thắt ngực và phòng ngừa nhồi máu cơ tim.
Nitroglycerin là loại thuốc giãn mạch phổ biến được sử dụng để giảm đau thắt ngực do co thắt động mạch vành . Một số thuốc khác được chỉ định để ngăn ngừa đau thắt ngực, bao gồm thuốc chẹn kênh canxi hoặc nitrate tác dụng kéo dài.
Người bệnh cũng cần tránh các yếu tố gây co thắt động mạch vành, như tiếp xúc với lạnh, cocaine, hút thuốc lá và các tình huống gây căng thẳng.
Nếu bạn có tiền sử đau thắt ngực và đột nhiên bị đau ngực nghiêm trọng (như bị đè ép) mà không giảm sau khi dùng nitroglycerin, bạn nên đến bệnh viện ngay lập tức. Cơn đau này có thể là nhồi máu cơ tim mà không thuyên giảm khi nghỉ ngơi hoặc uống thuốc nitroglycerin. Nhồi máu cơ tim là một tình trạng cấp cứu liên quan đến tính mạng.
Co thắt động mạch vành là một tình trạng mạn tính nhưng cần điều trị thường xuyên để kiểm soát các triệu chứng. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc và tránh yếu tố nguy cơ, bạn nên thực hiện lối sống lành mạnh để giảm nguy cơ bệnh tim, bao gồm không hút thuốc lá, ăn ít chất béo và tích cực tập luyện thể dục thể thao.
Biên tập viên sức khỏe Đông Tây
Tham khảo:
https://medlineplus.gov/ency/article/000159.htm
http://www.texasheart.org/HIC/Topics/Cond/CoronaryArterySpasm.cfm
Bình luận