Bạn có biết con người có thể nhịn ăn 1 ngày, 2 ngày, 3 ngày,…nhưng đối với những người đã từng thay van tim cơ học, lại không thể thiếu Sintrom dù chỉ 1 phút. Có thể nói thuốc Sintrom được coi là “món ăn” hằng ngày đối với những người đã thay van tim cơ học. Tuy nhiên, Sintrom có thể là kẻ giết chính bạn nếu như bạn không có cách sử dụng hợp lý. Vậy loại thuốc này có công dụng gì? Cách dùng như thế nào cho phù hợp, trong quá trình sử dụng người bệnh cần lưu ý những gì?

Sintrom là thuốc có tác dụng như thế nào?

Sintrom là một trong những loại thuốc chống đông máu dùng để ngăn chặn hình thành cục máu đông. Nó thường được sử dụng để điều trị chứng rối loạn đông máu hoặc dùng cho những trường hợp có nguy cơ cao gặp phải tình trạng huyết khối ví dụ người sau thay van tim, người bệnh rung nhĩ… Cục máu đông có thể làm tắc nghẽn mạch máu và gây ra các vấn đề nghiêm trọng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Sintrom không có khả năng phá tan các cục máu đông đã hình thành trong mạch máu, mà nó chỉ ngăn ngừa sự đông máu xảy ra.

Tại sao người thay van tim cơ học phải dùng Sintrom?

Van tim cơ học giống như một vật thể lạ ở trong cơ thể, nó làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trên lá van, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của van, nặng nề nhất là gây kẹt van và có thể dẫn đến tử vong nếu không được can thiệp kịp thời, hoặc cục máu đông có thể bung ra và theo động mạch gây nhồi máu các cơ quan, nguy hiểm nhất là nhồi máu não. Chính vì vậy, những người đã thay van tim cơ học phải dùng thuốc kháng đông suốt đời để phòng ngừa hình thành cục huyết khối. Ở Việt Nam loại thuốc kháng đông được sử dụng cho các trường hợp có van tim cơ học là Sintrom.

Nhung-nguoi-benh-thay-van-tim-co-hoc-phai-dung-thuoc-khang-dong-Sintrom-suot-doi

Những người bệnh thay van tim cơ học phải dùng thuốc kháng đông Sintrom suốt đời

Có phải Sintrom luôn có lợi trong điều trị?

Thuốc tây luôn là con dao hai lưỡi và Sintrom cũng không ngoại trừ. Không phải uống Sintrom liều càng cao càng tốt, mà điều này còn gây nguy hiểm hơn gấp bội, bởi nếu dùng quá liều Sintrom có thể dẫn đến xuất huyết nhiều nơi như ở da (các vết bầm tím), đường tiêu hóa (gây xuất huyết tiêu hóa), đường tiết niệu (gây tiểu ra máu) và nặng nề nhất là xuất huyết não, có thể dẫn đến tàn phế nặng nề hoặc tử vong cho người bệnh.

Dung-Sintrom-de-gay-xuat-huyet-o-tren-da-gay-bam-tim
Dùng Sintrom dễ gây xuất huyết ở trên da gây bầm tím

 

Sintrom dùng thế nào cho phù hợp?

Liều sử dụng Sintrom mỗi người, ở mỗi thời điểm sẽ khác nhau, phụ thuộc vào cơ địa, khả năng sinh tiểu cầu và các yếu tố đông máu của từng người và từng giai đoạn. Vì vậy việc sử dụng Sintrom vô cùng phức tạp và phải cần phải có sự hướng dẫn cặn kẽ, tỉ mỉ của Bác sĩ.

Song song với việc sử dụng Sintrom luôn là việc theo dõi trị số INR. INR được hiểu một cách đơn giản là kết quả đánh giá khả năng chảy máu khi người bệnh sử dụng Sintrom nói riêng và các thuốc chống đông máu khác nói chung.

Với người có van động mạch chủ cơ học, INR cần phải giữ ở mức 2-3, với van hai lá cơ học là 2,5-3,5, còn có cả hai van cơ học trên thì cần phải giữ INR ở mức 3,5-4,5.

Ngay sau mổ, bác sĩ sẽ kê toa Sintrom và theo dõi trị số INR mỗi ngày trong thời gian nằm viện để điều chỉnh liều thuốc phù hợp với từng bệnh nhân, có thể là 3/4, 1/2, 1/4, thậm chí 1/8 viên/ngày. Bệnh nhân xuất viện với mức INR đã đạt vẫn phải tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ (thường là mỗi tháng) để thử INR và điều chỉnh liều Sintrom nếu cần.

Những lưu ý trong sử dụng Sintrom

Việc sử dụng Sintrom sau phẫu thuật thay van cơ học rất quan trọng, không phải là chuyện đơn giản, chỉ cần bạn làm sai một bước là có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, người bệnh cần phải lưu ý những vấn đề sau trong quá trình sử dụng Sintrom:

- Tái khám đúng theo lịch hẹn và uống thuốc đúng theo toa của bác sĩ; uống đúng liều lượng; thường xuyên và không được ngưng thuốc đột ngột vì bất cứ lý do gì nếu không có sự cho phép của bác sĩ.

- Nếu như bạn thấy có những dấu hiệu bất thường như: chảy máu nướu răng tự nhiên hay khi đánh răng, chảy máu mũi, nổi vết bầm dưới da, đi đại tiện phân đen sệt, ói ra máu, tiểu đỏ, lượng máu hành kinh ra nhiều...(có thể do dùng thuốc quá liều) hoặc thấy tức ngực, khó thở... (có thể bị kẹt van) thì cần đến bệnh viện ngay để được bác sĩ kiểm tra và điều trị kịp thời.

- Không nên tự uống các thuốc khác (kể cả các loại thuốc bổ, vitamin) mà cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị.

- Một số loại thực phẩm ảnh hưởng đến tác dụng của Sintrom như: uống rượu, các loại rau quả có lá màu xanh sẫm có nhiều vitamin K (bông cải xanh, cải xoăn, bắp cải, củ cải, súplơ...) làm giảm tác dụng của thuốc bạn cần lưu ý hạn chế sử dụng

- Trong trường hợp ốm đau cần uống thuốc hoặc bị tai nạn cần làm thủ thuật, phẫu thuật, bạn hoặc người nhà cần phải thông báo cho bác sĩ hay nhân viên y tế biết mình đang sử dụng Sintrom.

Mặc dù sử dụng Sintrom là vô cùng phức tạp, đặc biệt là phải sử dụng loại thuốc này đến suốt cuộc đời. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể chung sống hòa bình với chiếc van tim cơ học này mà không phải lo lắng đến sức khỏe và tuổi thọ của mình nếu như bạn biết cách sử dụng Sintrom thích hợp và có một lối sống khoa học, lành mạnh.

Tham khảo:

http://www.medbroadcast.com/drug/getdrug/sintrom

http://www.medicalook.com/reviews/Sintrom.html

BTV Lan Anh

Ích Tâm Khang –  Hỗ trợ giảm khó thở, hồi hộp, xơ vữa mạch vành ở người bệnh tim mạch, suy tim

Bình luận