Sau khi thay van, bệnh nhân cần được thăm khám thường xuyên và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ

Thăm khám lần đầu sau khi phẫu thuật thay van

Sau khi được phẫu thuật thay van từ 3 - 4 tuần, người bệnh cần đi khám lại lần đầu tiên. Mục đích để đánh giá chức năng van tim nhân tạo; Đánh giá hiệu quả của thuốc chống đông máu; Phát hiện dấu hiệu tan máu; Phát hiện các dấu hiệu nhiễm khuẩn; phát hiện các dấu hiệu khác: nhồi máu cơ tim, rối loạn dẫn truyền; Đánh giá tình trạng toàn thân, tâm thần kinh của bệnh nhân khi mang van tim nhân tạo

Khi khám lâm sàng cần chú ý nghe tiếng van nhân tạo. Nếu không có tiếng kêu của van cơ học, cần nghĩ đến huyết khối hình thành trên vòng van cơ học. Nếu bệnh nhân trước khi thay van bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn thì cần chú ý đến những dấu hiệu toàn thân như da xanh, niêm mạc, nhiệt độ, tiền sử sốt kéo dài.

Những thăm dò, xét nghiệm cần thực hiện

- Điện tâm đồ

- Chụp X-quang tim phổi thẳng.

- Siêu âm Doppler tim: rất quan trọng. Siêu âm cho biết những thông tin về hẹp/hở van, đánh giá các tổn thương phối hợp, kích thước nhĩ trái, thất trái, chức năng tim, tình trạng màng ngoài tim, áp lực động mạch phổi. Siêu âm rất quan trọng đối với bệnh nhân vì nó cho phép đánh giá hiệu quả điều trị phẫu thuật cũng như những thông số cơ bản giúp cho sự theo dõi về sau.

- Công thức máu, tiểu cầu.

- Sinh hóa máu: urê, đường, creatinin, điện giải đồ, men LDH.

- Đông máu: tỷ lệ prothrombin, INR.

Các van tim nhân tạo đều có một mức độ hẹp nhất định và vì thế thông số siêu âm lần đầu được coi là những thông số cơ bản giúp cho việc so sánh về sau. Một số thăm dò không chảy máu khác (ví dụ cộng hưởng từ tim) có tác dụng đánh giá hoạt động của van và chức năng thất trái nhưng chỉ tiến hành đối với những chỉ định đặc biệt. Soi hoạt động van dưới màn tăng sáng chỉ có hiệu quả đối với van Bjork-Shiley. Chụp cộng hưởng từ hoặc chụp động mạch phóng xạ hạt nhân (radionuclide angiography) chỉ định đối với những bệnh nhân rối loạn hoạt động van nhân tạo do suy chức năng tâm thu thất trái và một số thông số không lấy được trên siêu âm tim. Cộng hưởng từ hạt nhân được khuyến cáo là an toàn đối với tất cả các van nhân tạo được lưu hành hiện nay.

Sau khi thay van, bệnh nhân cần được thăm khám thường xuyên

Sau khi thay van, bệnh nhân cần được thăm khám thường xuyên

Theo dõi bệnh nhân thay van tim không có biến chứng

Đối với bệnh nhân mang van nhân tạo có tình trạng lâm sàng ổn định thì mục đích quan trọng nhất của khám định kỳ là theo dõi hiệu quả của thuốc chống đông kháng vitamin K vì tỷ lệ INR biến đổi nhiều dưới ảnh hưởng của thức ăn, tương tác với những thuốc được dùng đồng thời cũng như tình trạng toàn thân của người bệnh... Cần xét nghiệm INR tối thiểu mỗi tháng 1 lần và làm lại ngay khi có những dấu hiệu bất thường trên lâm sàng hay mỗi khi thay đổi liều lượng thuốc chống đông máu. Mục đích quan trọng tiếp theo là tiếp tục giáo dục, phổ biến kiến thức cho người bệnh giữ gìn van tim nhân tạo, nhất là tránh nhiễm trùng van nhân tạo (kiến thức về phòng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn).

Mỗi năm một lần người bệnh nên được làm lại các xét nghiệm: Điện tâm đồ; Chụp tim phổi; Huyết học: hemoglobin, hematocit, LDH; Siêu âm Doppler tim.

Theo dõi bệnh nhân sau thay van tim có biến chứng

Bệnh nhân bị suy chức năng tâm thu thất trái sau phẫu thuật thay van nên được điều trị nội khoa chống suy tim. Điều trị nội khoa vẫn phải tiếp tục cho dù chức năng tâm thu thất trái được cải thiện.

Nguyên nhân của suy chức năng tâm thu thất trái và suy tim lâm sàng sau phẫu thuật có thể do: Suy tim trước mổ và sau mổ chỉ được cải thiện một phần; Cơ tim bị tổn thương trong quá trình phẫu thuật; Bệnh lý van tim khác tiến triển; Biến chứng của van nhân tạo; Các bệnh tim phối hợp khác như bệnh mạch vành, tăng huyết áp.

Bất kỳ bệnh nhân van nhân tạo nào không cải thiện hoặc có biểu hiện suy giảm chức năng tim sau phẫu thuật đều phải được thăm khám lâm sàng tỉ mỉ và làm đầy đủ các xét nghiệm thăm dò, nhất là siêu âm tim hoặc siêu âm tim qua thực quản hay thông tim, chụp mạch để xác định nguyên nhân.

Phẫu thuật thay van nhân tạo: Phẫu thuật thay van nhân tạo là một tình trạng lâm sàng nghiêm trọng. Chỉ định đối với những trường hợp: Rối loạn nặng nề hoạt động của van nhân tạo (do cấu trúc van hoặc do những biến cố khác không liên quan đến cấu trúc van): vỡ van, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn van nhân tạo; Huyết khối hình thành trên van gây kẹt van nhân tạo; Chảy máu nặng do dùng thuốc chống đông (đòi hỏi phải thay van cơ học bằng van sinh học); Hẹp van động mạch chủ sau khi thay van tình trạng lâm sàng không được cải thiện, bệnh nhân suy tim dai dẳng mặc dù đã được điều trị nội khoa tích cực, thăm dò cho thấy van hoạt động không đảm bảo huyết động cho người bệnh (ví dụ: vòng van quá nhỏ).

Tất cả người bệnh sử dụng van tim nhân tạo cần được thăm khám định kỳ, dùng thuốc đầy đủ theo đúng chỉ định của bác sĩ, nếu có những dấu hiệu sức khỏe bất thường cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa tim mạch để được xử trí kịp thời.

Bình luận

  • bùi phương
    bùi phương - Gửi lúc 23:46 03/05/2016
    Mẹ mình thay van tim nhân tạo đến nay dc 5 năm rồi.thời gian gần đây có một số triệu chứng sau: thi thoảng bị cơn đau tim nhẹ, tay chân thi thoảng bị sưng và đau. Mỗi đợt tay chân đau và sưng thì lên việnbnằm điều trị 1 tuần là khỏi nhưng dc khoảng vài tháng lại bị như thêa.cho mình hỏi thi thoảng bị đau tim nhẹ và tay , chân thi thoảng sưng và đau có nguy hiểm j không?
    • dongtay.net.vn
      Chào bạn, Hiện tượng tay và chân thi thoảng sưng và đau mà mẹ bạn gặp phải được bác sĩ chẩn đoán do nguyên nhân gì? Nếu nguyên nhân là do bệnh tại tim, làm việc lưu thông máu kém thì mẹ bạn cần điều trị tốt nguyên nhân gây bệnh, nếu không có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Nếu nguyên nhân là do bệnh xương khớp, mẹ bạn cần tuân thủ theo chỉ định điều trị bệnh của bác sĩ.Thay van tim nhân tạo không được xem là phương pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh van tim. Mẹ bạn có thể vẫn cần sử dụng thuốc chống đông và một số thuốc tăng cường năng lượng cho tim hoạt động. Van mới thay có thể xuất hiện một số biến chứng như cục máu đông, xuất huyết do sử dụng thuốc chống đông dài ngày, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn… Do đó, khi thấy mẹ bạn bị đau tim cho dù là nhẹ, bạn vẫn nên đưa mẹ đến bệnh viện chụp chiếu để được các bác sĩ kiểm tra cẩn thận, phát hiện sớm bệnh thì việc điều trị sẽ có hiệu quả hơn.Thân mến!