Bệnh hở van tim có chữa được không và các câu hỏi thường gặp
Hở van tim là bệnh lý xảy ra do van tim đóng không kín sau mỗi chu kỳ bơm máu của tim. Hậu quả là một phần máu bị phụt ngược trở lại gây ứ trệ tuần hoàn. Có 4 vị trí van có thể hở là van tim 2 lá, van tim 3 lá, van động mạch phổi và van động mạch chủ. Nhiều trường hợp hở van tim không được điều trị tốt có thể dẫn đến suy tim, nhồi máu cơ tim rất nguy hiểm.
Bệnh hở van tim có chữa được không?
Mặc dù y học hiện đại ngày càng phát triển nhưng đáng tiếc vẫn chưa có loại thuốc nào có thể khôi phục được hình dạng và chức năng ban đầu của van tim đã bị hở. Đa phần các phương pháp nội khoa sẽ giúp người bệnh kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh và phòng ngừa rủi ro.
Kỹ thuật can thiệp ngoại khoa để sửa chữa hoặc thay van tim mới cũng được đưa vào điều trị. Tuy nhiên, phẫu thuật xong không có nghĩa là bệnh đã khỏi hoàn toàn. Nếu sử dụng van sinh học hoặc van tự thân, người bệnh phải mổ thay van lại sau 8 – 15 năm. Nếu dùng van cơ học thì phải uống thuốc chống đông máu đến suốt đời. Trong chăm sóc bệnh nhân sau thay van tim cũng phải lưu ý kỹ để kéo dài tuổi thọ van thay thế được lâu nhất và ngăn chặn các rủi ro tim mạch.
Những câu hỏi thường gặp về hở van tim
Có mấy mức độ hở van?
Hở van được chia thành 4 cấp độ căn cứ theo mức hở của van.
- Hở van tim 1/4: Nhẹ, tỷ lệ hở 20%.
- Hở van tim 2/4: Trung bình, tỷ lệ hở 21 – 40%.
- Hở van tim 3/4: Nặng, tỷ lệ hở trên 40%.
- Hở van tim 4/4: Rất nặng.
Hở van khi nào được coi là nguy hiểm nhất?
Sự nguy hiểm của bệnh tiến triển theo cấp độ hở của van. Hở van nhẹ và trung bình nếu không có triệu chứng gì thì không cần lo lắng. Trừ khi van bị hở là van động mạch chủ thì dù chỉ hở ở mức độ nhẹ nhưng nếu kèm đau ngực hoặc suy tim thì khả năng sống thấp, người bệnh buộc phải thay van.
Người bệnh hở van động mạch chủ có kèm đau ngực tiên lượng sống rất thấp
Đáng lo ngại nhất là hở van tim nặng đến rất nặng. Lúc này người bệnh phải đối diện với các triệu chứng khó thở, mệt mỏi, ho, phù, nhịp tim nhanh… ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Không chỉ thế, một loạt biến chứng nghiêm trọng cũng có thể xảy ra như:
- Suy tim không hồi phục: Sự ứ trệ tuần hoàn buộc tim phải co bóp nhiều hơn bình thường để đảm bảo cung cấp đủ máu cho cơ thể hoạt động bình thường. Nhưng sự nỗ lực này chỉ miễn cưỡng có hiệu quả trong thời gian đầu. Đến một lúc nào đó, tim sẽ suy yếu dần và không còn khả năng bơm máu như bình thường nữa.
- Rung nhĩ: Đây là dạng rối loạn nhịp tim nguy hiểm, xảy ra khi hở van tim 2 lá gây tồn đọng máu trong tâm nhĩ trái làm buồng tim giãn rộng ra, khiến tim đập hỗn loạn. Rung nhĩ lâu ngày kéo theo khả năng hình thành huyết khối cao, dẫn tới nhồi máu cơ tim, đột quỵ,…
- Tăng áp lực động mạch phổi: Ứ máu ở phổi do một phần máu bị quay ngược trở lại gây tăng áp lực trong động mạch phổi. Hậu quả là phù phổi hoặc tiến triển sang suy tim phải.
Triệu chứng nào giúp nhận diện sớm hở van tim?
Dấu hiệu bệnh hở van tim khác nhau tùy vào từng loại và mức độ hở van. Đa phần khi van hở nhẹ hoặc trung bình ít có biểu hiện, có trường hợp lại xuất hiện triệu chứng cảnh báo sớm. Hở van tim nặng hoặc rất nặng thường sẽ có dấu hiệu rất rõ ràng như:
- Khó thở, rõ nhất khi gắng sức hoặc nằm xuống.
- Ho khan hoặc ho ra đờm hồng/trắng. Ho xảy ra thường xuyên khi nằm hoặc vào ban đêm.
- Mệt mỏi thường xuyên, năng tặng khi vận động thể lực, thậm chí có thể ngất xỉu.
- Đánh trống ngực, hồi hộp, rung phía trong lồng ngực do tim đập nhanh.
- Sưng phù mắt cá chân, chân.
- Đi tiểu nhiều.
- Đau ngực hoặc có cảm giác bị bóp nghẹt lồng ngực.
- Hoa mắt, chóng mặt, khả năng tập trung kém.
- Nếu nghe tim sẽ có tiếng thổi tim.
Có sự khác nhau đôi chút giữa triệu chứng hở van 2 lá và hở van 3 lá. Người bệnh hở van 2 lá thường khó thở, ho, mệt mỏi. Còn trường hợp hở van tim 3 lá sẽ điển hình bằng hiện tượng phù chân, tăng áp lực động mạch phổi.
Phù chân, mắt cá chân là dấu hiệu hở van 3 lá điển hình
Nguyên nhân gây hở van tim là gì?
Có rất nhiều thủ phạm gây hở van tim nhưng phổ biến nhất là:
- Bệnh thấp tim, hở van do nguyên nhân này còn gọi là hở van tim hậu thấp.
- Bệnh tim mạch khác như dị tật tim bẩm sinh, huyết áp cao hoặc tổn thương van do nhồi máu cơ tim.
- Sử dụng các thuốc hóa trị ung thư gồm lithium, sulphonamide, phenothiazin,…
- Tiêu thụ quá nhiều chất kích thích như bia rượu, cà phê, thuốc lá, coca,…
- Một số nguyên nhân hiếm gặp hơn là rối loạn miễn dịch, tuổi tác, hội chứng Marfan hoặc Carcinoid,…
Người bệnh hở van tim nên ăn gì?
Chế độ ăn cho người hở van tim lý tưởng nhất là không ảnh hưởng đến hiệu quả của các loại thuốc đang sử dụng nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể.
- Tăng cường nhóm thực phẩm giàu chất xơ, các vitamin và khoáng chất gồm rau xanh và trái cây tươi.
- Lựa chọn ngũ cốc nguyên cám và các loại hạt thay cho cơm trắng, phở, bún trong mỗi bữa ăn hằng ngày, đặc biệt là đậu nành, gạo lứt, yến mạch, bánh mì đen,… Các loại thực phẩm này giàu chất xơ giúp hạ mỡ máu hiệu quả.
- Ăn nhiều rau họ cải, cam quýt, nho, lê, chuối, mận,… để bổ sung kali với trường hợp người bệnh có sử dụng thuốc lợi tiểu.
- Ăn tối thiểu 2 bữa cá mỗi tuần và thay thế mỡ/da/nội tạng động vật bằng nguồn chất béo lành mạnh từ dầu oliu, dầu hướng dương, hạt hạnh nhân, óc chó,… Tuyệt đối tránh xa thực phẩm chiên xào nhiều lần hoặc chế biến sẵn.
Ngoài ra, người bệnh nên cố gắng hạn chế sử dụng muối khi chế biến món ăn, ăn càng nhạt càng tốt và loại bỏ các chất kích thích như thuốc lá, bia rượu, cà phê.
Bệnh hở van tim có di truyền không?
Hở van tim không phải là bệnh di truyền nhưng yếu tố gia đình có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, tuy nhiên tỷ lệ không cao.
Nếu đang mắc bệnh hở van tim mà muốn sinh con, bạn cần trao đổi kỹ với bác sĩ để có kế hoạch điều trị và theo dõi cẩn thận vì khi mang thai, tim phải làm việc nhiều hơn nhằm cung cấp máu cho cả mẹ và con, do vậy rủi ro cũng tăng lên. Nếu đã thay van và đang dùng thuốc chống đông máu hoặc hở van tim có kèm rung nhĩ thì phải cân nhắc thật kỹ bởi thuốc làm tăng đáng kể tỷ lệ sảy thai, sinh non hoặc dị tật bẩm sinh cho trẻ.
Khi nào cần phải phẫu thuật thay van?
Trong trường hợp việc điều trị nội khoa không thể giúp người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống và ổn định triệu chứng nữa, phẫu thuật sửa chữa hoặc thay thế van tim mới sẽ được cân nhắc lựa chọn.
Có 3 loại van tim thay thế đang được sử dụng phổ biến là van tự thân (tổng hợp từ màng tim), van sinh học (xử lý từ van động vật), van cơ học (làm bằng kim loại hoặc khung carbon). Việc lựa chọn loại van nào sẽ căn cứ vào vị trí van cần thay, tuổi tác của bệnh nhân, điều kiện kinh tế, có kèm suy tim không, tình trạng sức khỏe hiện tại,…
Hi vọng những chia sẻ của chuyên gia trên đây đã giúp bạn giải đáp thắc mắc bệnh hở van tim có chữa được không và có cái nhìn cụ thể hơn về căn bệnh này. Không khó để sống thọ với bệnh, quan trọng là hãy luôn cập nhật thông tin để cùng bác sĩ có chiến lược điều trị bệnh tốt nhất.
Nguồn: Tổng hợp
Bình luận