Những lưu ý để bảo vệ trái tim trong ngày tết
Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp tết đến xuân về, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do các biến chứng tim mạch đều tăng đột biến ở những người có bệnh tim mạch và những người có nguy cơ cao (tăng huyết áp, bệnh mạch vành). Lý do vì tết đúng vào mùa lạnh, cộng thêm ăn uống, sinh hoạt khó kiểm soát. Vì vậy, những hiểu biết về tác động qua lại của thời tiết cũng như các sinh hoạt trong ngày tết đối với bệnh lý tim mạch sẽ giúp chúng ta chủ động phòng ngừa một cách tích cực các bệnh lý này.
1. Ảnh hưởng của thời tiết dịp tết với tim mạch
Những ngày tết cũng là mùa đông, thời tiết thường lạnh hơn rất nhiều. Đây là một bất lợi lớn với người bệnh tim mạch. Thời tiết lạnh đã làm các mạch máu bị co lại, làm máu lưu thông khó khăn, nhất là các mạch máu nhỏ và ở xa tim. Khi máu lưu thông chậm sẽ làm tăng nguy cơ đông máu, từ đó dẫn đến bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não (đột quỵ não). Mặt khác, khi nhiệt độ xuống thấp người mắc bệnh tim mạch dễ bị hạ thân nhiệt do không có khả năng tạo đủ năng lượng để duy trì nhiệt độ bên trong cơ thể, nên xuất hiện nhiều nguy cơ viêm nhiễm đường hô hấp và có thể dẫn đến tử vong - chủ yếu là do suy tim, viêm phổi cấp.
Lưu ý đột quỵ não trong dịp tết
Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ bệnh nhân bị tử vong do nguyên nhân tim mạch ở thời điểm tháng 12 và tháng 1 cao hơn 33% so với thời điểm từ tháng 6 đến tháng 9. Tỷ lệ bị nhồi máu cơ tim vào các tháng mùa đông tăng 53% so với các tháng mùa hè. Huyết áp mùa đông tăng cao hơn huyết áp mùa hè khoảng 5 mmHg, sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này làm tăng tới 21% các biến chứng tim mạch trong mùa đông. Người bệnh tim mạch cần phải giữ ấm cơ thể, tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, nhất là ra ngoài khi trời lạnh để phòng tránh các nguy cơ biến chứng tim mạch xảy ra.
2. Ảnh hưởng của chế độ dinh dưỡng ngày tết với trái tim
Các bữa tiệc phong phú với nhiều thịt, mỡ cùng chế độ ăn uống không điều độ là khó tránh trong ngày tết. Điều này là hết sức nguy hiểm với bệnh nhân có tiền sử mỡ máu cao, xơ vữa động mạch, tiền sử có bệnh mạch vành. Vì vậy, bệnh nhân tim mạch cần biết cân nhắc và hạn chế các thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, thịt và phủ tạng động vật để không phải đối diện với nguy cơ nhập viện vì những biến chứng của bệnh tim mạch.
Với những bệnh nhân tăng huyết áp, suy tim nên hạn chế ăn mặn và các món ăn nhiều muối như: dưa muối, kiệu muối, các thức ăn chế biến sẵn như giò chả, pate, lạp xưởng,… Nên ăn nhiều trái cây và rau xanh vì đây là nguồn thực phẩm giàu kali tốt cho bệnh nhân tim mạch.
3. Ảnh hưởng bất lợi của rượu bia, cafe, thuốc lá với trái tim
Người bệnh tim mạch nên lưu ý chế độ ăn uống trong ngày tết
Ngày tết là dịp để mọi người gặp gỡ, chúc tụng nhau. Bạn có thể được mời mọc một điếu thuốc hay một ly rượu (bia). Nếu bạn đang mắc các bệnh tim mạch, hãy tránh xa các chất kích thích này. Các nghiên cứu đã đưa ra, chất nicotin có trong thuốc lá có khả năng làm rối loạn chức năng đàn hồi của mạch máu, gây tăng huyết áp và nhịp tim, khởi phát và thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch tiến triển. Một tác động tiêu cực khác của thuốc lá ít được biết đến, là gây co thắt động mạch vành tăng nguy cơ thiếu máu cơ tim và nhồi máu cơ tim ở những người bệnh tim mạch hút thuốc lá. Do động mạch vành co thắt làm cho máu lưu thông khó khăn hơn và có thể làm nứt vỡ mảng xơ vữa (nếu có), xuất hiện cục máu đông gây tắc mạch. Rượu (bia) cũng được coi là kẻ thù nguy hiểm của bệnh tim mạch, do gây tăng huyết áp, tăng nhịp tim làm tim co bóp mạnh hơn bình thường và tăng áp lực mạch máu não, có thể gây xuất huyết mạch não (vỡ mạch máu não). Người bệnh tim mạch nên hạn chế rượu bia, không uống quá 2 lon bia hoặc 1 ly rượu mạnh 50 ml/ngày. Tuy nhiên, vài ngụm nhỏ rượu vang lại rất có lợi cho người bệnh tim mạch.
Với người Việt, tết cổ truyền là những ngày quan trọng nhất trong năm. Để có những ngày tết vui vẻ và hạnh phúc bên người thân, người bệnh tim mạch cần có chế độ sinh hoạt điều độ, đúng giờ và tránh xa các nguy cơ tiềm tàng gây hại cho tim. Bệnh nhân bị tăng huyết áp, bệnh động mạch vành hay bị suy tim nên dự trữ đủ lượng thuốc trong dịp tết và tự theo dõi trị số huyết áp thường xuyên, đặc biệt là khi có các triệu chứng bất thường để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời.
DS. Lê Việt Ánh
Bình luận