Nếu bạn nghĩ rằng bạn nên đặt stent khi bị tắc nghẽn mạch vành, bạn không đơn độc. Trong nhiều năm, các bác sĩ tim mạch cũng đồng ý rằng nếu có thể khơi thông một động mạch bị tắc nghẽn bằng stent, đây sẽ là cách điều trị tốt nhất. Điều này đúng trong nhiều trường hợp nhưng không phải tất cả. Có những người bị tắc nghẽn mạch vành không cần đặt stent vẫn kiểm soát tốt các triệu chứng của mình.

Không phải khi nào đặt stent cũng là cách điều trị xơ vữa mạch vành hiệu quả nhất.

Không phải khi nào đặt stent cũng là cách điều trị xơ vữa mạch vành hiệu quả nhất.

Khi một động mạch vành nhỏ bị tắc hẹp chưa cần vội đặt stent

Doug là một người đàn ông 67 tuổi. Ông đến gặp bác sĩ BS R. Todd Hurst - giám đốc Trung tâm Tim mạch - Viện Tim Mạch - Đại học Y Banner vì cảm thấy mình không được nhanh nhẹn như trước. Doug không hề có các triệu chứng điển hình của một người bệnh mạch vành như đau tức ngực hay khó thở. Tuy nhiên, bài kiểm tra gắng sức trên máy chạy bộ đã chỉ ra rằng có thể ông đang bị tắc nghẽn động mạch vành.

Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ đề nghị Doug chụp CT (cắt lớp) động mạch vành - đây là một xét nghiệm giúp kiểm tra trực tiếp tình trạng tắc nghẽn các động mạch. Kết quả cho thấy: một động mạch vành nuôi tim của Doug đã bị tắc nghẽn, nhưng đây chỉ là một động mạch nhỏ cung cấp máu cho một phần nhỏ của tim. Vì vậy, bác sĩ đã không chỉ định Doug đặt stent. Điều này khiến ông rất ngạc nhiên.

Băn khoăn của Doug không phải ngẫu nhiên. Bởi hầu hết mọi người đều nghĩ rằng, cứ bị tắc nghẽn mạch vành là phải đặt stent. Nhưng nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng: không phải khi nào phẫu thuật đặt stent cũng cần thiết.

Trong nhiều trường hợp đặt stent cũng không giúp người bệnh tránh khỏi những cơn đau tim. Trong khi đó, chi phí đặt stent cũng không hề nhỏ. Mặt khác, can thiệp đặt stent cũng không thể chữa khỏi bệnh mạch vành. Phương pháp này chỉ giúp chuyển trạng thái bệnh từ nặng sang nhẹ hơn. Người bệnh vẫn phải dùng thuốc, kiểm soát cân nặng, chế độ ăn uống, tập thể dục và quản lý căng thẳng (tránh stress).

Ai cần đặt stent tim (ống đỡ mạch vành)?

Thông thường, đặt stent động mạch vành qua da sẽ được thực hiện trong hai tình huống:

- Thứ nhất là khi người bệnh có cơn đau tim, nhồi máu cơ tim đột ngột hoặc chuẩn bị có một cơn nhồi máu cơ tim. Trường hợp này được gọi là bệnh mạch vành cấp tính.

- Thứ hai là những người bệnh mạch vành tim ổn định nhưng khi thực hiện các bài kiểm tra gắng sức hoặc chụp CT (chụp cắt lớp) phát hiện ra động mạch vành bị tắc nghẽn nặng làm giảm lưu lượng máu đến nuôi tim (thiếu máu cơ tim) và có nguy cơ gây suy tim.

Trong cơn đau tim do bệnh mạch vành cấp tính, các bác sĩ chấp nhận việc nong mạch đặt stent. Bởi việc mở rộng động mạch vành bằng stent sẽ có lợi, giúp giảm nguy cơ tử vong, tổn thương tim và suy tim trong tương lai. Tuy nhiên, điều này KHÔNG đúng đối với tất cả các trường hợp phát hiện tắc nghẽn động mạch vành bằng thử nghiệm gắng sức mà không có cơn đau tim.

Một số nghiên cứu cho thấy người đặt stent vẫn có tỷ lệ đau tim gần như người không đặt.

Một số nghiên cứu cho thấy người đặt stent vẫn có tỷ lệ đau tim gần như người không đặt.

Trước khi đặt stent mạch vành cần đánh giá lợi ích, rủi ro

Nghiên cứu lớn đầu tiên chứng minh đặt stent không hữu ích với tất cả những người bệnh mạch vành ổn định là thử nghiệm COURAGE. Nghiên cứu so sánh những người bị tắc nghẽn động mạch tim được điều trị bằng stent và thuốc với những người chỉ được điều trị bằng thuốc. Sau 5 năm, các nhà khoa học thấy rằng, không có sự khác biệt về tỷ lệ tử vong hay đau tim giữa hai nhóm. Kết quả này đã khiến nhiều bác sĩ ngạc nhiên và làm dấy lên tranh cãi về các sai số trong quá trình nghiên cứu.

Tuy nhiên, một thử nghiệm gần đây mang tên ISCHEMIA cũng cho kết quả tương tự. Thử nghiệm được tiến hành trên 5000 người bệnh bị tắc nghẽn động mạch vành chỉ dùng thuốc hoặc kết hợp dùng thuốc và đặt stent. Cũng giống như thử nghiệm COURAGE, các nhà nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt về tỷ lệ tử vong, đau tim, suy tim hoặc nhập viện giữa hai nhóm.

Tóm lại, quyết định đặt stent tim là một quyết định phức tạp. Trước khi thực hiện, bạn cần thảo luận kỹ với bác sĩ để cân nhắc giữa rủi ro, lợi ích và các lựa chọn thay thế. Mặc dù các biến chứng nghiêm trọng như đau tim, đột quỵ, hoặc tử vong chỉ xuất hiện ở khoảng 1% trường hợp đặt stent. Thậm chí các biến chứng nhẹ hơn chảy máu, tổn thương thận, dị ứng cũng không xảy ra thường xuyên. Nhưng nếu đặt stent không mang lại lợi ích như mong muốn, bất kỳ rủi ro nào cũng không thể chấp nhận.

Quay trở lại trường hợp của Doug, sau khi xem xét tiền sử bệnh tật và các kết quả xét nghiệm, bác sĩ Hurst kết luận rằng các triệu chứng của ông không hoàn toàn xuất phát từ việc động mạch vành bị tắc nghẽn. Vì vậy, đặt stent sẽ không giúp ông khỏe mạnh trở lại như mong muốn. Thay vào đó, bác sĩ yêu cầu Doug dùng thuốc và duy trì lối sống lành mạnh để kiểm soát huyết áp, mỡ máu. Một năm sau, sức khỏe của ông đã trở lại bình thường.

Hãy trao đổi với bác sĩ để biết bạn nên đặt stent hay dùng thuốc kết hợp lối sống khoa học.

Hãy trao đổi với bác sĩ để biết bạn nên đặt stent hay dùng thuốc kết hợp lối sống khoa học.

Những yếu tố cần tránh để bảo vệ tim mạch

Trường hợp của Doug chỉ là một trong số rất nhiều minh chứng cho vai trò quan trọng của lối sống lành mạnh trong việc bảo vệ tim mạch. Ngoài những lời khuyên cơ bản như ăn nhiều rau xanh, ít dầu mỡ, tập thể dục, bỏ hút thuốc lá… bạn cần hạn chế thêm 10 yếu tố dưới đây. Đây là 10 yếu tố đã được chứng minh có thể gây hại cho tim mạch, đặc biệt là động mạch vành.

1. Thường xuyên làm việc ca đêm: Theo nghiên cứu từ Đại học Western Canada, những người thường xuyên phải làm việc ca đêm rất dễ bị đau tim. Bởi điều này sẽ làm rối loạn đồng hồ sinh học của cơ thể, từ đó gián tiếp ảnh hưởng xấu đến tim. Tốt nhất bạn nên hạn chế làm việc vào ban đêm nhiều và dành thời gian cho cơ thể nghỉ ngơi.

2. Mỡ bụng: Mỡ ở bất kỳ cơ quan nào đều có thể gây hại cho trái tim của bạn, nhưng mỡ bụng đặc biệt nguy hiểm. Loại mỡ này sẽ kích hoạt cơ thể tăng sản xuất các hormon gây tăng huyết áp, mỡ máu và xơ vữa mạch vành. Nếu bạn là phụ nữ và có vòng eo trên 89cm hoặc 101cm nếu là đàn ông, hãy nói chuyện với bác sĩ để lên kế hoạch giảm mỡ bụng.

3. Ngủ ngáy: Ngủ ngáy, thở hổn hển khi ngủ thường liên quan với chứng ngưng thở khi ngủ. Đây là 1 yếu tố làm tăng nguy cơ cao huyết áp, rối loạn nhịp tim, đột quỵ và suy tim. Điều trị tốt tình trạng ngủ ngáy sẽ giúp bạn vừa có giấc ngủ ngon vừa giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

4. Tập thể dục quá nhiều cùng một lúc: Tập thể dục rất tốt cho tim. Nhưng nếu thỉnh thoảng bạn mới tập luyện hoặc bị xơ vữa mạch vành nặng, hãy bắt đầu với các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga sau đó tăng dần cường độ. Việc tập quá nặng trong thời gian ngắn có thể kích hoạt cơn đau thắt ngực.

5. Không chăm sóc răng miệng hàng ngày: Vi khuẩn từ nướu răng có thể di chuyển vào máu, gây viêm mạch máu và nhiều vấn đề về tim khác. Do đó, hãy đánh răng, súc miệng bằng nước muối hằng ngày và đừng quên gặp nha sĩ của bạn 6 tháng 1 lần.

Bên cạnh lối sống lành mạnh, giữ răng miệng khỏe mạnh cũng giúp bảo vệ trái tim.

Bên cạnh lối sống lành mạnh, giữ răng miệng khỏe mạnh cũng giúp bảo vệ trái tim.

6. Ngủ quá ít hoặc quá nhiều: Ngủ ít hơn 6 giờ hoặc hơn 9 giờ liên tục mỗi đêm đều có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Để bảo vệ trái tim của mình, bạn chỉ nên ngủ 7 - 9 giờ mỗi đêm.

7. Tắc đường: Khi bị kẹt xe, bạn sẽ cảm thấy căng thẳng. Đây có thể là lý do tại sao nhiều thống kê cho thấy những người thường xuyên bị kẹt xe 1 tiếng mỗi ngày có tỷ lệ đau tim cao hơn. Nếu bạn không thể tránh đi vào các giờ cao điểm, hãy giải tỏa căng thẳng bằng cách hít thở sâu, nghe nhạc hoặc nói chuyện với hành khách của mình.

8. Viêm gan C: Virus viêm gan C có thể gây viêm các tế bào ở tim. Do đó khi bị căn bệnh này, bạn cũng cần thăm khám tim mạch thường xuyên.

9. Ngồi xem tivi quá nhiều: Mỗi giờ bạn ngồi xem tivi sẽ làm tăng 20% nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp. Dù chưa rõ tại sao điều này lại xảy ra nhưng bạn hãy cố gắng hạn chế thời gian dành cho chiếc tivi của mình.

10. Mãn kinh sớm: Phụ nữ bị mãn kinh trước 46 tuổi có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao gấp đôi so với những người trải qua điều này muộn hơn. Nếu bạn rơi vào trường hợp này, bạn nên sớm có biện pháp kiểm soát mỡ máu để phòng xơ vữa mạch vành.

Đặt stent tim không phải lựa chọn duy nhất đối với các trường hợp tắc nghẽn mạch vành ổn định. Khi bị bệnh động mạch vành, bạn vẫn có thể kiểm soát căn bệnh này hiệu quả bằng cách điều trị tích cực. Bao gồm kiểm soát tốt huyết áp, cholesterol máu, cùng với một lối sống lành mạnh.

Thông tin thêm về bác sĩ R. TODD HURST, MD, FACC

 

BS R. Todd Hurst, MD, FACC là phó giáo sư y khoa tại Đại học Arizona Hoa Kỳ và giám đốc Trung tâm Tim mạch - Viện Tim Mạch - Đại học Y Banner. Ông đã viết hơn 50 bài báo y học và thường xuyên phát biểu tại các cuộc hội thảo về tim mạch trong nước cũng như quốc tế.

Biên tập viên sức khỏe Đông Tây

Tham khảo WebMD
 

Bình luận