Tăng huyết áp - Con đường dẫn đến suy tim
Tăng huyết áp – Căn bệnh thời đại
Tăng huyết áp là một bệnh lý thường gặp trong cộng đồng hiện nay, chiếm tỉ lệ 8-12% dân số. Nó được ví như "tên giết người thầm lặng", vì sau một thời gian nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn đến tổn thương một số cơ quan trong cơ thể, chủ yếu là mạch máu, tim, thận, não, gây tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề như liệt nửa người, hôn mê với đời sống thực vật.
Đo huyết áp
Tăng huyết áp diễn tiến qua hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là cao huyết áp dao động. Huyết áp thỉnh thoảng lên cao do các kích thích như uống rượu, lo âu... Sau một thời gian, huyết áp thường xuyên tăng cao được gọi là cao huyết áp thực sự.
Triệu chứng chỉ xuất hiện khi tăng huyết áp đã có biến chứng. Với biến chứng ở tim, người bệnh sẽ cảm thấy khó thở khi leo cầu thang, làm việc thấy nhanh mệt mỏi, tối ngủ phải kê đầu cao. Với biến chứng ở thận, người bệnh thấy mệt, yếu, phù chi, tiểu ít. Ngoài ra, trong cơn tăng huyết áp cấp, người bệnh có các triệu chứng nhức đầu dữ dội, mờ mắt, ói mửa, co giật, lơ mơ hay hôn mê, đây là triệu chứng đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời ở bệnh viện. Do đó, để biết có tăng huyết áp hay không chỉ có cách duy nhất là đo huyết áp bằng huyết áp kế.
Mức độ trầm trọng của tăng huyết áp còn tùy thuộc vào người đó có yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch hay không ví dụ như béo phì, hút thuốc lá nhiều, tiểu đường, Cholesterol máu cao...
Điều trị tăng huyết áp như thế nào?
Ngoại trừ các trường hợp tăng huyết áp rất nặng và cần phải điều trị ngay, người ta thường bắt đầu điều trị bằng cách thay đổi lối sống như giảm cân nặng, thay đổi chế độ ăn (bớt muối, bớt ngọt, giảm thực phẩm giàu cholesterol), tập thể dục đều đặn, giảm uống rượu, bỏ hút thuốc, sử dụng các sản phẩm hỗ trợ điều trị giúp phòng ngừa. Sau 4-6 tháng, nếu huyết áp vẫn không giảm mới bắt đầu điều trị bằng thuốc.
Khi điều trị bằng thuốc, có nghĩa là bạn phải uống thuốc suốt đời, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều lượng và loại thuốc tùy theo mức độ tăng huyết áp. Việc uống thuốc thất thường hoặc tự ý ngưng thuốc sẽ nguy hiểm cho sức khỏe.
Bạn cũng cần kiểm tra định kỳ để theo dõi biến chứng của cao huyết áp như kiểm tra đáy mắt, đo điện tim, thử máu, thử nước tiểu...
Nguy cơ suy tim do tăng huyết áp
Khi huyết áp cao, tim phải co bóp nhiều hơn để thắng sức cản của thành mạch, đồng thời làm độ đàn hồi của mạch máu kém đi. Huyết áp cao lâu ngày dẫn đến dày thất trái (do thất trái tống máu vào động mạch), lâu ngày dẫn đến suy tim trái.
Lan Anh
Bình luận