Hồi phục sau cơn đau tim
Bắt đầu hồi phục trong bệnh viện
Thông thường, người bệnh sẽ ở trong bệnh viện từ ba ngày đến một tuần sau khi có một cơn đau tim. Trong trường hợp có biến chứng hoặc phải phẫu thuật, thời gian nằm viện sẽ lâu hơn, cho đến khi tình trạng của bạn ổn định và bác sĩ yên tâm rằng bạn đã an toàn để có thể về nhà.
Trong bệnh viện việc sử dụng thuốc có thể thường xuyên thay đổi. Các bác sĩ sẽ điều chỉnh về liều lượng các loại
thuốc mà bạn đang được kê, hoặc sẽ cho bạn sử dụng các loại thuốc mới nhằm mục đích điều trị, kiểm soát triệu chứng (như đau ngực) hay kiểm soát các yếu tố nguy cơ (như tăng huyết áp hoặc tăng cholesterol máu). Bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ để chắc chắn đã biết được hết tên của tất cả các loại thuốc đang dùng, biết cách làm thế nào để mua và khi nào cần sử dụngchúng. Hãy hỏi bác sĩ về tác dụng phụ có thể xảy ra và lý do tại sao cần phải dùng một loại thuốc nào đó. Chuẩn bị sẵn cho mình một danh sách các loại thuốc đã dùng và giữ nó bên người, để sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp hoặc trong trường hợp cần phải khám một bác sĩ khác.
Cải thiện tâm lý người bệnh sau một cơn đau tim
Sau một cơn đau tim, người bệnh thường có những cảm xúc tiêu cực như: sợ hãi, trầm cảm, lo lắng. Những cảm giác này kéo dài khoảng 2 -6 tháng. Chúng có thể ảnh hưởng đến khả năng tập thể dục, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, đến công việc và có tác động tiêu cực đến sự phục hồi của người bệnh.
Hãy trao đổi với bác sĩ hoặc một chuyên gia tâm lý để giúp đối phó với những cảm xúc tiêu cực. Người bệnh sẽ cảm thấy thoải mái và nhẹ nhàng hơn khi được nói được ra những cảm xúc của mình, vì vậy đừng ngại ngần chia sẻ những khó khăn với gia đình và bác sĩ của bạn. Hành động đơn giản này có thể mang lại hiệu quả không ngờ cho sức khỏe người bệnh.
Nhiều bệnh viện có một chương trình phục hồi chức năng mà người bệnh có thể tham gia như một bệnh nhân ngoại trú. Hoặc bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một trung tâm phục hồi chức năng tim. Tham gia vào các hoạt động đó sẽ giúp tăng tốc độ phục hồi; người bệnh sẽ được làm việc với những chuyên gia về sức khỏe tim mạch và họ sẽ chỉ cách để có những thay đổi tích cực trong cuộc sống, giúp bảo vệ và tăng cường sức khỏe trái tim. Các chương trình phục hồi bệnh tim hiệu quả nhất bao gồm 3 phần: các hoạt động thể chất được hướng dẫn bởi một chuyên gia; các lớp học về các yếu tố nguy cơ tim mạch và cách để giảm bớt những rủi ro; các biện pháp hỗ trợ đối phó với căng thẳng, lo âu và trầm cảm.
Sinh hoạt tích cực để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Thực hiện những thay đổi để giúp làm giảm nguy cơ đau tim và các bệnh tim mạch khác, như: ngừng hút thuốc; điều trị tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu; quản lý bệnh tiểu đường và béo phì; ăn một chế độ ăn uống lành mạnh cho tim; vận động thể chất phù hợp và đều đặn.
Ngưng hút thuốc
Nếu bạn hút thuốc, đây sẽ là một trong những thay đổi khó khăn nhất phải thực hiện. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn và vạch ra một kế hoạch cụ thể cho việc bỏ thuốc. Tìm thứ gì đó thay thế cho thuốc lá, chẳng hạn như kẹo cao su nicotine và các loại thuốc theo toa. Bên cạnh đó cũng có những nhóm hỗ trợ và các chương trình được thiết kế để giúp mọi người bỏ thuốc lá.
Hầu hết mọi người sẽ tái hút lại một vài lần cho đến khi có thể bỏ thuốc lá hoàn toàn.Một điều cần lưu ý đó là không chỉ có bạn, mà cả những người không hút thuốc trong gia đình của bạn cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả do khói thuốc gây ra. Hút thuốc gián tiếp cũng là một yếu tố nguy cơ bệnh tim.
Điều trị tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu
Huyết áp cao và cholesterol cao sẽ làm tổn hại các mạch máu của bạn. Theo thời gian, những yếu tố này sẽ làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Sử dụng thuốc điều trị, kết hợp với tập thể dục điều độ và một chế độ ăn uống cùng lối sống lành mạnh có thể hạn chế được những mối nguy cơ này.
Điều trị bệnh tiểu đường và béo phì
Bệnh tiểu đường và béo phì là hai yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim và các cơn đau tim. Nếu bạn bị bệnh tiểu đường, điều quan trọng là cần phải kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu của bạn thông qua tập thể dục, chế độ ăn uống và sử dụng thuốc điều trị.
Béo phì là một yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh tiểu đường cũng như bệnh tim. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ hay một chuyên gia dinh dưỡng để giúp bạn vạch ra một kế hoạch ăn uống, luyện tập phù hợp, đốt cháy được nhiều calo và dần đưa cân nặng trở về bình thường.
Một chế độ ăn uống lành mạnh cho trái tim
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, một chế độ ăn uống lành mạnh cho tim cần: hạn chế tối đa chất béo; chứa ít nhất 4-5 cốc trái cây và rau mỗi ngày; ăn ít nhất 3,5 ouncetương ứng với khoảng 100gam cá mỗi tuần; ít nhất 1 ounce (~ 30gam) ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ mỗi ngày; hàm lượng Natri thấp (ít hơn 1.500 mg mỗi ngày) và không quá 36 ounce (~ 1kg) đồ uống có đường ngọt một tuần.
Hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc tham khảo một chuyên gia dinh dưỡng vềmột số thức ăn bạn không nên ăn, họ có thể giúp bạn lên kế hoạch thực đơn và tìm ra những công thức nấu ăn tốt nhất.
Có một chế độ luyện tập thích hợp và duy trì đều đặn
Một trong những chìa khóa quan trọng nhất đối với sức khỏe tim mạch là hoạt động thể chất. Một số người sợ tập thể dục sau khi một cơn đau tim, nhưng thực tế tập thể dục lại chính là một trong những yếu tố cần nhất để tăng cường sức khỏe trái tim và giảm nguy cơ bị các cơn đau tim và bệnh tim.
Tham gia vào một chương trình phục hồi chức năng tim, bác sĩ có thể hướng dẫn cho người bệnh thực hiện một chế độ tập thể dục phù hợp, an toàn với trái tim. Ngoài ra, hãy hỏi bác sĩ về những dấu hiệu cảnh báo bạn cần lưu ý khi tập thể dục và những gì nên làm khi gặp các dấu hiệu đó.
Thói quen tập thể dục thường xuyên (ví dụ, 3-5 lần một tuần trong mỗi 30 đến 35 phút) sẽ giúp tăng cường sức khỏe trái tim và cải thiện sức khỏe tổng thể. Tích cực tham gia các hoạt động như: đi bộ nhanh, chơi với con cháu, đi xe đạp sẽ khiến bạn mạnh khỏe hơn rất nhiều.
Lan Anh
Bình luận