Để không bị căng thẳng khi mắc bệnh tim mạch
Căng thẳng có thể kích thích sản sinh ra những chất gây sưng, viêm, tạo nên một mối nguy hiểm tiềm tàng trong lòng động mạch của người bệnh. Bên cạnh đó, trong những lúc bị stress, người bệnh thường tự giải quyết bằng một số biện pháp không lành mạnh như: uống nhiều rượu, ăn quá nhiều, hoặc hút thuốc... là những tác nhân thúc đẩy nhanh quá trình tiến triển của bệnh tim. Ngoài ra, stress còn làm tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường – một yếu tố làm tăng nặng bệnh tim mạch.
Thư giãn - tốt cho tim mạch
"Đôi khi những áp lực từ cuộc sống khiến bạn bị căng thẳng, bạn đừng cố gắng đối phó với chúng bằng cách chẳng làm gì cả và buông xuôi mọi thứ", Gordon Tomaselli, giám đốc của tim mạch tại Đại học Y Johns Hopkins nói. Thay vào đó, ông đã đưa ra các biện pháp cụ thể để giúp người bệnh đối phó với tình trạng căng thẳng khi nó xuất hiện:
Vận động cơ thể - một trong những biện pháp tốt nhất cho tim
Các chuyên gia đều nhất trí rằng tập thể dục là một trong những biện pháp tốt nhất bạn có thể làm cho bệnh tim. Nó không chỉ cải thiện sức khỏe thể chất mà còn có thể cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng, Estes nói. Cần tập luyện bao nhiêu thì phù hợp? Hãy cố gắng tập ít nhất 30 phút/ ngày và 5 ngày/ tuần với những hoạt động vừa phải, không quá sức như đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe đạp… Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý nếu bạn mắc bệnh tim, bạn nên xin lời khuyên từ bác sĩ trước khi bắt đầu một chế độ tập luyện mới.
Các hoạt động thư giãn: Thiền, yoga, hít thở sâu đều là những lựa chọn tốt. "Nếu bạn tìm thấy một phương pháp hoạt động khiến bạn hài lòng và giảm căng thẳng, thì hãy gắn bó với nó", Tomaselli nói.
Chia sẻ với bạn bè và gia đình: Ở bên những người bạn yêu quý là liều thuốc tốt nhất khi căng thẳng. Hãy cho phép mình được nghỉ ngơi, vui vẻ và chia sẻ với bạn bè, gia đình.
Làm điều gì mới mẻ: Cảm giác căng thẳng và bị bệnh có thể đưa bạn vào một lối mòn. Hãy khiến mình phải làm một cái gì đó mới mẻ như: tham quan bảo tàng, đi đến một hiệu sách, đọc sách, truyện trên ghế đá công viên, tham gia một lớp học ngoại ngữ... Hoặc bất kỳ điều gì khác mà đã lâu bạn chưa thực hiện.
Giúp đỡ người khác: Vào thời điểm khi bạn đang cảm thấy lo lắng và căng thẳng, giúp đỡ người khác có thể mang đến cho bạn một hiệu ứng bất ngờ như cảm giác vui vẻ, sảng khoái khi làm được một việc có ích.
Ngủ đủ giấc: Thiếu ngủ dường như làm tăng nồng độ cortisol, một hormone căng thẳng. Hãy cố gắng duy trì một giấc ngủ đủ, từ 7- 9 tiếng một đêm.
Tránh kích động: Hãy cố gắng vượt qua các tình huống có thể khiến bạn bị kích động bằng cách hít thở sâu và không hành động vội vàng. Dành nhiều thời gian với những người giúp bạn cảm thấy bình tĩnh và hạnh phúc. Đặt mình vào một số tình huống và thử giải quyết theo cách êm đẹp nhất.
Tìm tới bác sĩ chuyên khoa: Nếu bạn nhận thấy căng thẳng đang dần xuất hiện trong cuộc sống của mình, hãy tìm tới một bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Trò chuyện cùng bác sĩ có thể giúp bạn khám phá những cách thức mới để tiếp cận, giải quyết vấn đề và vượt qua stress một cách dễ dàng hơn.
DS. Thu Thảo
Bình luận