Phương pháp kiểm tra tim mới dựa vào ảnh chụp cắt lớp để nhận diện người có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim đã được các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Edinburgh (Anh) phát triển.

Kỹ thuật này vốn đã được sử dụng để chụp cắt lớp xương. Một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Quỹ Tim mạch Anh thuộc Trung tâm Khoa học tim mạch tại Edinburgh đã sử dụng chất phóng xạ đánh dấu trên 40 bệnh nhân mới trải qua một cơn đau tim gần đây và hơn 40 người vốn bị đau thắt ngực nhưng đã ổn định.

phat-hien-som-benh-tim-mach

Phát hiện sớm bệnh tim mạch bằng ảnh chụp cắt lớp

Kết quả cho thấy, trong 93% bệnh nhân đau tim, ảnh chụp cắt lớp đã chỉ rõ vị trí của mảng xơ vữa - là thủ phạm chính dẫn đến cơn đau tim tiếp theo. Ở những bệnh nhân đau thắt ngực, 45% ảnh chụp cắt lớp cho thấy những dấu hiệu cảnh báo về một cơn đau tim có thể xảy ra sớm và việc điều trị khẩn cấp sẽ là cần thiết để giúp ngăn chặn một cơn nhồi máu cơ tim.

Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Nikhil Joshi, cho hay: "Cho đến nay, chưa có kỹ thuật hình ảnh không xâm lấn nào có thể xác định nguy cơ đau tim và tình trạng vỡ mảng xơ vữa động mạch vành ở bệnh nhân tim mạch. Và đây là lần đầu tiên, trong nghiên cứu này chúng tôi đã đưa ra kỹ thuật hình ảnh không xâm lấn mới để xác định bệnh nhân có nguy cơ cao bị đau tim hoặc vỡ mảng xơ vữa động mạch vành, từ đó giúp xác định, quản lý và phòng ngừa những nguy cơ này trên người bệnh tim mạch".

Tiến sĩ Marc Dweck - một chuyên gia tim mạch cũng có ý kiến thêm: "Không phải tất cả các mảng xơ vữa được phát hiện đều dẫn tới nhồi máu cơ tim, nhưng kỹ thuật mới có thể hữu ích trong việc xác định những người có nguy cơ đột quỵ cao và cần điều trị tích cực".

Tất nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cho biết bước tiếp theo sẽ được thực hiện thử nghiệm với quy mô lớn hơn để khẳng định lại kết quả, phát hiện những mảng bám nguy hiểm trước khi xảy ra nhồi máu cơ tim. Và mong muốn tìm ra phương pháp để đưa được kỹ thuật này vào áp dụng rộng rãi trong các bệnh viện và phòng khám, mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh.

Lan Anh

Bình luận