Nam giới, cần làm gì khi xuất hiện cơn đau tim?
Có phải nam giới đau tim luôn có triệu chứng rõ ràng?
Trong phim ảnh, bạn thường thấy khi một người đàn ông đau tim, tay họ sẽ nắm chặt ngực, khuôn mặt đau đớn và ngã gục xuống đất. Tuy nhiên, trong cuộc sống thực, những dấu hiệu về một cơn đau tim ở nam giới không phải lúc nào cũng rõ ràng như vậy. Có người triệu chứng như vừa nói ở trên, nhưng nhiều người khác thì không. Một số người bệnh mô tả lại rằng họ chỉ cảm thấy khó chịu mơ hồ, không thoải mái, đôi khi như có gì đó nặng nề và áp lực ở ngực.
Các triệu chứng đau ngực hoặc khó chịu có thể đến nhanh hay chậm, triệu chứng có thể chỉ thoáng qua hoặc kéo dài hơn một vài phút. Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Critical Care Mỹ trong năm 2008 thì đàn ông thường có những triệu chứng đau ngực nặng hơn so với phụ nữ và tăng lên khi gắng sức.
Đàn ông thường có triệu chứng đau ngực nặng hơn so với phụ nữ
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy 10% nam giới không thấy có biểu hiện đau ngực nào, bao gồm cả những bệnh nhân tiểu đường có cơn đau tim mà không cảm thấy đau đớn. Đồng thời các nhà nghiên cứu cũng thống kê một số các dấu hiệu thường gặp của cơn đau tim ở những đối tượng này, bao gồm:
- Khó chịu hoặc đau ở các khu vực khác, chẳng hạn như một hoặc cả hai cánh tay, cổ, hàm, lưng hoặc dạ dày.
- Khó thở, chóng mặt, buồn nôn hoặc đổ mồ hôi.
- Khó chịu ở bụng có thể cảm thấy như chứng ợ nóng.
Vậy khi nào thì cần gọi cấp cứu?
Khoảng một nửa số trường hợp tử vong do đột quỵ tim xảy ra bên ngoài bệnh viện, có nghĩa là mọi người thường không nhận biết hoặc bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo sớm. Một nghiên cứu được công bố năm 2010 trên Tạp chí Điều dưỡng tim mạch cho biết hầu hết các bệnh nhân nam chỉ gọi 911 sau 6 giờ kể từ khi có các triệu chứng đau tim.
Tiến sĩ Holli A. Devon - trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ: "Rất nhiều bệnh nhân nhập viện khi đã quá muộn. Do đó chúng tôi khuyến cáo rằng người bệnh nên gọi cấp cứu trong vòng 5 phút mà các dấu hiệu ban đầu không giảm bớt. Nếu người bệnh được đưa tới bệnh viện kịp thời, bác sĩ có thể sử dụng thuốc chống đông, khôi phục dòng máu tới cơ tim và hạn chế rủi ro. Nếu bạn được đưa đến bệnh viện trong một vài phút thay vì vài giờ, cơ hội hồi phục sẽ cao hơn, đồng thời biến chứng và nguy cơ tử vong sẽ thấp hơn".
Khi thấy cá dấu hiệu đau tim cần gọi cấp cứu ngay trong vòng 5 phút
Người bệnh không nên chủ quan!!!
Nếu đang có dấu hiệu của một cơn đau tim, người bệnh không nên cố gắng tự mình lái xe đến bệnh viện mà hãy gọi cấp cứu để thay thế. Trong các trường hợp nặng, việc cấp cứu có thể tiến hành ngay trên xe cứu thương: Người bệnh sẽ được cung cấp oxy, thuốc trợ tim và thuốc giảm đau; theo dõi nhịp tim và dấu hiệu sinh tồn, và khi đến bệnh viện tình trạng của người bệnh sẽ được cập nhật để bác sĩ phụ trách tiếp nhận và có biện pháp cấp cứu nhanh nhất. Thêm vào đó, việc đến phòng cấp cứu bằng xe cứu thương thường tốc độ vận chuyển tới bệnh viện nhanh hơn vì xe cứu thương là phương tiện được ưu tiên nhường đường.
Mặc dù vậy, các bác sĩ cho biết thường bệnh nhân nam do dự khi gọi tới cấp cứu vì:
- Chưa chắc chắn những gì họ cảm thấy là dấu hiệu của một cơn đau tim.
- Lo ngại về chi phí của một chuyến xe cứu thương hoặc viện phí.
- Xấu hổ vì có thể họ chẩn đoán nhầm dấu hiệu một cái gì đó đơn giản như chứng ợ nóng.
Tuy nhiên các bác sĩ sẽ không quan trọng những điều đó nếu so sánh với nguy cơ cuộc sống của người bệnh đang gặp nguy hiểm. Tiến sĩ Devon cũng cho biết: "Đối với những bệnh nhân đột quỵ tim, ranh giới giữa sự sống và cái chết là rất mong manh vì vậy không nên để cảm giác thấy xấu hổ làm giảm đi cơ hội sống của bạn".
Lan Anh
Bình luận